"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. Dezember 2010

ĐỀ XUẤT TÔN VINH DI SẢN VĂN HÓA ẨM THỰC VIỆT NAM

H_7
Tôn vinh di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam - Sao lại không?
Vũ Thế Long 

Mới đây, tổ chức Giáo dục Văn hóa và Khoa học Liên hiêp quốc (UNESCO) họp tại Nairobi kenya vừa vinh danh một số giá trị di sản văn hóa phi vật thể thế giới, trong đó có vinh danh văn hóa ẩm thực Pháp, Mê Hi Cô và một số văn hóa ẩm thực vùng Địa Trung Hải. Bạn bè quan tâm đến Văn hóa Ẩm thực Việt Nam hỏi tôi: “Sao chúng ta không làm bộ hồ sơ đề nghị vinh danh Văn hóa Ẩm thực Việt như một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới? Văn hóa ẩm thực Việt Nam của chúng ta nào có kém gì các văn hóa ẩm thực thế giới đâu?”. 
H_3Giữ chân thư kí Câu lạc bộ Ẩm thực Việt Nam, tôi chẳng có quyền đại diện cho văn hóa nước nhà mà nêu đề nghị với UNESCO, chỉ xin nêu vài quan điểm riêng để chúng ta cùng bàn bạc.

Làm nghiên cứu Văn hóa, Môi trường, tôi cũng may mắn có dịp được mời tham gia một vài hội thảo bàn các kế họach vận động UNESCO vinh danh một số giá trị văn hóa của Việt Nam là di sản Văn hóa Thế giới. Có nơi mời tôi phát biểu về một lọai hình di tích thiên nhiên với hy vọng được công nhận là di sản thế giới. Người ta mong rằng: Nếu di sản ấy được công nhận thì đó chính là một cú hích để thúc đẩy ngành du lịch của địa phương. Với hiểu biết của mình, tôi thấy nơi đó người ta đã nhân danh xây dựng khu “du lịch sinh thái” mà xâm phạm khá nghiêm trọng vào hệ sinh thái tự nhiên, làm tổn hại nhiều di tích văn hóa trong lòng đất, đập phá hang dộng, xây dựng nhiều chùa chiền miếu mạo mới toanh chỉ nhằm mở tuyến du lịch để thu lợi nhuận. 

H_6Dù kính trọng chủ nhà nhưng tôi vẫn phải thật thà nói bóng nói gió: “Nếu nhà ta có cô con gái vừa ngoan vừa đẹp thì tự nhiên sẽ có nhiều chàng trai tài đức đến xin cầu hôn. Việc gì cứ ép cô ấy đi thi để trở thành hoa hậu. Đôi khi là hoa hậu rồi thì lại khó lấy chồng”. Nếu anh tự có cái gía trị, tự biết gìn giữ và bảo vệ cái giá trị của mình thì phong danh hay chưa phong danh, nó vẫn có cái gía trị của nó.

Trong một cuộc hội thảo khác, những người tham dự có hai luồng ý kiến trái chiều. Bên thì chỉ mong dược vinh danh, bên thì không muốn. Người ta không muốn được vinh danh bởi khi đã vinh danh rồi thì muốn tự ý xây dựng, đầu tư làm các công trình nào vào nơi đã được công nhận thì sẽ tước bằng di sản và bao dự án kinh tế khai thác sẽ bị chặn lại. Lấy đâu ra dự án mà chia chác! 

Có nơi tuy đã được công nhận là di sản thế giới rồi nhưng người ta vẫn cố tình xây dựng các công trình phá vỡ cảnh quan , gây ô nhiễm môi trường. Cứ tưởng có cái bằng rồi thì yên tâm, muốn làm gì thì làm. Không giản đơn như vậy. Nếu anh cố tình vi phạm thì Hội dồng di sản thế giới sẽ rút ngay bằng công nhận. Không như cái bằng đại học “tại chức” của qúy vị đâu.

Tôi tự hỏi : Công nhận di sản để làm gì? Di sản văn hóa thế giới phi vật thể là gì? Vì sao lại có cái bằng vinh danh ấy và nó có ý nghĩa gì? Tìm hiểu thì mới biết: UNESCO vinh danh là để giúp cho thế giới cứu vãn nững di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thực sự có giá trị đang có nguy cơ bị biến mất cần phải gìn giữ cho nhân lọai muôn đời về sau. Vinh danh không phải để quảng cáo cho du lịch hay để lợi dụng làm kinh tế.

Sinh thời, GS. Trần Quốc Vượng đã có lần trao dổi với tôi : “Thực ra trên đời này, khó có thể phân biệt rạch ròi đâu là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều lọai hình văn hóa nó vừa là vật thể lại vừa là phi vật thể”. Ngẫm cho cùng thì di sản văn hóa ẩm thực nó đúng là lọai hình văn hóa vừa vật thể lại vừa có yếu tố phi vật thể. Trong tiếng Anh, người ta gọi di sản văn hóa phi vật thể là “Intangible heritage”. Tra từ nguyên “Intangible” thì lại bao hàm nghĩa “Không thể sờ thấy được, không thể chạm vào được…”Vậy trong văn hóa ẩm thực, ngòai cái bí quyết của sự nấu nướng, lễ nghi, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái từ tự nhiên các sản vật ẩm thực còn có cả cái thực thể mà ta có thể sờ mó được, cảm thụ được bằng hầu hết các giác quan của con người. Từ lưỡi đến răng, mắt mũi và cả tay và tai nữa.Vậy cũng không nên qúa câu nệ vào cái ngữ nghĩa quá tách bạch giữa vật thể và phi vật thể. Tôi cho rằng Văn hóa Ẩm thực là một thực thể văn hóa cần bảo tồn và gìn giữ.

H_4Xem lại các quy định của UNESCO về vinh danh các giá trị văn hóa Phi vật thể, trong đó có giá trị văn hóa ẩm thực thì tổ chức UNESCO không quá chú trọng vào cái gía trị hiện hữu của các lọai hình sản vật, các kiểu chế biến và ăn uống mà các dân tộc đang hàng ngày vận dụng trong đời sống, trong lễ hội hay trong kinh doanh. Cái cốt lõi quan trọng nhất lại là ở chỗ : Trong đời sống hiện tại, với đà tòan cầu hóa qúa nhanh và càng ngày càng lan rộng, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang có nguy cơ bị hòa tan hoặc biến mất. Nhiều giá trị đang có nguy cơ bị mai một bởi các thế hệ hiện tại và tương lai khó có khả năng gìn giữ và bảo tồn. Việc vinh danh các gía trị văn hóa phi vật thể chính là để tạo điều kiện gìn giữ các gía trị đang có nguy cơ bị mai một. 

Lấy một ví dụ nhỏ: nhân sinh nhật cháu nội, tôi đề nghị cả nhà nấu nồi bún riêu, bún ốc và làm vài món ăn mà xưa cụ tôi, bà tôi vẫn nấu mỗi khi có dịp xum họp gia đình. Vợ chồng thằng con tôi dứt khóat phản đối. Nó muốn đưa cháu đến cửa hàng KFC của Mỹ cho nó sang. Xưa kia, có bao giờ thấy ảnh lão già KFC chủ nhân của đại hãng gà rán Hoa kì ở Hà Nội đâu. Thế mà bây giờ, hình lão râu dài, tượng lão râu dài KFC ngang nhiên xuất hiện khắp phố phường, ngay giữa Hồ Hòan Kiếm của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cháu nội tôi không biết ăn bún riêu, bún ốc, bún bung như ông bà cụ kị nó đã ăn. Bố mẹ nó thì tôn sùng bánh mì giăm bông, ga tô pháp, spa gét ti, Piza Ý và uống cola, Pép si. 

Khốn khổ. Cháu tôi không biết ốc đậu phụ chuối xanh nấu giả ba ba, thịt ba chỉ chấm mắm tép với đủ vị chua cay mặn chát của khế chua, chuối xanh, hành, gừng, lạc rang…là gì. Con cái do bố mẹ sinh ra nhưng con cái không thuộc về bố mẹ. Cháu chắt lại càng không phải của ông bà. Liệu cháu tôi sau này nó sẽ ra sao? Liệu nó còn biết gì về một nền ẩm thực mà cụ tổ nó đã bao đời chăt lọc mới tạo ra hay không?

Lạ thay. Con mình, cháu mình thì từ chối, chạy theo những giá trị ẩm thực sang ảo của Tây phương trong khi đó ông nội nó thì luôn được thực khách nước ngòai yêu cầu giảng giải và dẫn đi ăn ngòai chợ để học hỏi và thưởng thức các món ăn Việt. Không phải nơi khách sạn nhà hàng sang trọng mà ngay nơi đầu ghế ngòai chợ bình dân và họ luôn thực thà nhận xét: “Ăn như vậy mới thực văn minh, thực sinh thái, thực hiện đại !”.

Ngỏanh mặt với truyền thống văn hóa của tổ tiên mình mà chạy theo các gía trị ảo, thậm chí có hại trong ăn uống là một bước tiến hay một bước lùi? Trào lưu này có lợi cho ai? Ăn công nghiệp, quá nhiều chất béo, chất đường, chất đạm đã và đang là hiểm họa của nhân lọai nhưng quảng bá cho lối ăn ấy thì chỉ đem lại lợi ích kếch xù cho một số kẻ muốn tranh thủ làm giàu trong thời buổi tòan cầu hóa này 

Làm thế nào để giữ gìn cái giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống vô cùng qúy báu của tổ tiên ta? Làm thế nào để những di sản văn hóa ấy không biến mất mà còn tiếp tục được duy trì trong mọi thế mọi thế hệ và lan tỏa đến cộng đồng nhân lọai vì nó thực sự có giá trị và cái giá trị ấy thuộc về nhân lọai.

Đấy là điều mà tôi muốn trả lời câu hỏi của bạn. 

Tại sao ta không gìn giữ các gía trị văn hóa vốn có mà nghìn đời mới chắt lọc được do tổ tiên để lại?
Ta cần vinh danh để lấy cái danh hay cần thay đổi một cách nhìn, một cách làm.

Nếu làm được tốt việc gìn giữ các gía trị đích thực trong di sản văn hóa ẩm thực của Việt Nam, tôi nghĩ tự UNESCO sẽ đề nghị vinh danh cho các gía trị văn hóa phi vật thể ấy vì đó chính là giá trị đích thực của văn hóa ẩm thực dân tộc ta, đó cũng là giá trị văn hóa chung của nhân lọai mà trải qua nghìn đời mới có dược
Vinh danh giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam trong văn hóa tòan cầu. Tại sao không?

Hà nội 20-12-2010
TS.Vũ thế Long