"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. Dezember 2010

Người bước đi trên mặt nước

Ông Giê-su này là ai mà người ta cứ phải bàn tán về ông hoài? Hẳn nơi ông phải có một cái gì đó khác người? - Lời chào Giáng sinh - Etgar Keret*.

Ông ấy là người có thể bước đi trên mặt nước. Điểm này có lẽ cũng chẳng có gì đặc biệt lắm. Nhiều người có thể đi trên nước. Họ không biết được khả năng này, thường là vì họ không chịu thử. Họ không thử, là vì họ không tin mình có thể làm được. Còn Người kia đã dám thử và đã làm được. Vì thế mới sinh ra lắm chuyện không may cho Ông ấy.


Người đó có một môn đồ rất gần gũi và môn đồ này đã phản ông. Cả chuyện này cũng chẳng lạ gì. Lắm kẻ cũng có bạn tâm giao và họ cũng đã bị những người thân đó phản trắc. Nếu không phải là người thân, thì làm gì có chuyện gọi là phản trắc được, phải không? Và rồi người Rô-ma đến và đã kết án thập giá Người đó. Chuyện này cũng không lạ. Lính Rô-ma treo thập giá rất nhiều người. Mà cũng chẳng phải riêng người Rô-ma. Nhiều dân tộc khác cũng đã ra án treo thập giá và giết nhiều kẻ khác. Họ giết đủ mọi hạng người. Cả những người biết làm phép lạ cũng như những kẻ không biết làm phép lạ.

Nhưng Người đó đã sống lại, sau khi chết ba ngày. Thật ra: Ngay chuyện sống lại cũng chẳng phải là điều có một không hai trên thế giới. Nhưng Người này, theo thiên hạ kể, đã chết vì tội lỗi của chúng ta. Có nhiều người chết vì tội của chúng ta: tội tham lam, đố kị ghen ghét, kiêu căng và những tội khác ít nghe nói đến hơn và mới xuất hiện gần đây không lâu. Nhiều người đã chết như nghoé vì tội của chúng ta, nhưng họ đã không được ai ghi vào tự điển bách khoa mạng (Wikipedia) cả. Nhưng Người kia thì được ghi vào tự điển. Mà không chỉ ghi bằng một mục, mà bằng rất nhiều mục với nhiều hình ảnh và địa chỉ nối kết màu xanh.

Nhưng được ghi lên mạng có lẽ cũng chẳng phải là chuyện lớn. Con chó Lassie cứu người cũng có tên trên mạng. Và cũng có nhiều thứ bệnh cũng được đưa lên mạng, chẳng hạn như bệnh còi xương, bệnh ban đỏ. Nhưng người ta nói, Người kia được lưu danh trên mạng vì khả năng yêu thương của ông ấy, chứ không phải như các thứ bệnh kia. Điểm này ta cũng đã được nghe rồi, chẳng gì mới. Đã có bốn người gốc Anh quốc, cũng râu tóc giống như Người kia, chỉ việc là họ không được nổi tiếng bằng. Họ đã hát nhiều bài ca ngợi tình yêu. Hai trong nhóm đó cũng đã chết, như Người kia. Nói thêm: Bốn ông nọ cũng đã được ghi vào tự điển mạng.

Tuy nhiên, Người kia là một nhân vật đặc biệt. Ông ấy là Con Thiên Chúa. Thì ai trong chúng ta lại không phải là con của Thiên Chúa. Chúng ta được sinh ra giống hình ảnh của Người mà. Vậy thì, Người đó là ai mà nổi cộm như thế, khiến cho bao nhiêu người trong bao nhiêu thế kỉ nay đã được cứu hay đã phải chết vì danh Người ấy? Cứ mỗi năm, vào dịp gần cuối tháng 12, một nửa địa cầu ăn mừng ngày sinh của Người đó. Ở những nơi có tuyết đổ, người ta vui mừng. Ở những nơi không có tuyết đổ, người ta cũng mừng vui không kém. Mà tại sao lại như thế? Là vì con Người gầy gầy kia, sinh ra cách đây 2000 năm, là kẻ đã đòi buộc tất cả mọi người chúng ta phải sống theo tình yêu và đạo lí, nên vì thế mà Ông đã bị giết chết. Và nếu quả đó là lí do vui nhất để cho loài sinh vật lạ đời này ăn mừng, thì loài này cũng đáng đưa lên tự điển mạng. Mà quả thật, nó đã được đưa lên mạng rồi.

Quý vị hãy bước tới bất cứ một máy vi tính nào gần nhất và đánh vào đó chữ “Loài người”, thì quý vị có ngay kết quả. Kết quả ngắn. Rất ngắn. Chẳng có nhiều hình ảnh. Một kết quả đầy đủ về một loài lạ lùng mà cũng tạo ra nhiều khó chịu. Loài người này có thể bước đi trên nước, nhưng chả bao giờ muốn thử cả. Loài người này có thể giết hết tất cả những ai tin rằng thế giới có thể tốt đẹp hơn – và trong hầu hết trường hợp chúng cũng đã giết thật. Vậy thì: Tôi cũng chúc mừng Giáng sinh cho cả Quý vị!


* Etgar Keret là một trong những tác giả hàng đầu thuộc thế hệ trẻ hiện nay tại Do-thái. Bài báo tiếng Hê-brơ được Sondra Silverston chuyển sang Đức ngữ, đăng trên Die Zeit, 22.12.2009. Phạm Hồng-Lam chuyển sang việt ngữ từ tiếng Đức