"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 23. Dezember 2010

Ba dòng thác khủng hoảng

Lê Duy Nhân - Nếu sau đại hội XI, đảng CSVN không chịu vứt cái đuôi “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” gắn vào Kinh Tế Thị Trường thì ba dòng thác khủng hoảng sẽ đưa đất nước vào đường hầm tăm tối của chậm tiến, trì trệ và ung thối.

1/ Khủng hoảng ý thức hệ

Không chỉ riêng giới trí thức mà ngay cả những cựu lãnh tụ lớn của Đảng, những nhà lý luận bậc thầy về kinh điển Mác-Lênin đều nhận thức một cách sâu sắc rằng chủ nghĩa Mác-Lênin vừa hoang tưởng vừa kìm hãm khả năng xây dựng đất nước của toàn bộ dân tộc nên phải mạnh dạn vứt bỏ nếu không thì nền kinh tế trị trường vĩnh viễn chỉ làm giàu cho thiểu số đảng viên chóp bu và bọn con buôn bất chính cấu kết với thế lực đảng trị tức cái đuôi “dịnh hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” trong khi tầng lớp nghèo đói ngày càng chìm xuống đáy xã hội không có cơ hội ngóc đầu lên nổi.

Càng gần đến ngày Đại Hội Đảng XI tiếng nói “phản biện” từ các cựu lãnh đạo và “lão thành cách mạng” càng nhiều, càng mạnh dạn.

Xin trích dẫn phát biểu của một vài cựu đảng viên Cộng sản cao cấp có trình độ .

Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ Tướng chính phủ, hiện là Chủ tịch Hội Khoa Học Kinh Tế Việt Nam nói :
Tôi hỏi ông Chủ Nghĩa Xã Hội bây giờ là cái gì, tôi đố ông trả lời được… Thực ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái Chủ Nghĩa Xã Hội mà chúng ta sẽ đi là cái Chủ Nghĩa Xã Hội gì đây ? Có nhiều người bảo rằng, thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” đó là Chủ Nghĩa Xã Hội. Tôi xin lỗi ông, đấy không phải là Chủ Nghĩa Xã Hội… Ông bịp thiên hạ với cái chữ Chủ Nghĩa Xã Hội của ông…

“Ông” trong phát biểu của giáo sư Trần Phương là ông nào? Chính Tổng Bí Thư đảng Nông Đức Mạnh giải thích: “Định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là: thứ nhất, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh…”. Vậy thì cái “ông” trong các lời phát biểu của giáo sư Trần Phương không là “Ông Nông Đức Mạnh” thì còn là ai nữa.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam nói về cái đuội Xã Hội Chủ Nghĩa như sau:
Có lẽ trong 25 năm vừa qua, cái điều chúng ta đạt được quan trọng nhất là thị trường, là chuyển sang thị trường chứ không phải giữ cái đuôi XHCN. Bây giờ phải thẳng thắn nhận thức như vậy…

Không phải các ông ngồi trong Bộ Chính Trị không nhận ra sự hoang tưởng và bất dụng của chủ nghĩa Mác-Lênin đâu. Họ phải kiên trì “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” để cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân mà làm giàu. Ai còn ngồi trên ghế lãnh tụ thì ngậm miệng ăn tiền. Chỉ khi nào hết lộc Đảng mới chịu khai khẩu, nói lên sự thật. Ông Nguyễn Minh Triết sắp “vui thú điền viên” nên cũng bắt đầu phản biện, đòi hỏi lịch sử phải tôn trọng sự thật. Khi về hưu hẳn vị cựu chủ tịch Nhà Nước này sẽ nói hăng hơn nữa. Ông Nông Đức Mạnh chắc chắn sẽ ngậm miệng vì thế tử Nông Quốc Tuấn đang ngấp nghé cái ghế Tổng Bí Thư cho kỳ đại hội Đảng XII.

Bao giờ giới lãnh đạo Việt Nam tháo cái gông Các Mác-Lênin để người dân được hưởng các quyền dân chủ, đê đất nước ra khỏi nguy cơ phá sản toàn bộ? Chừng nào đại đa số trí thức còn chọn thái độ cầu an, sống “khôn ngoan”, sống theo triết lý “Vivre d’abord” thì chừng đó nhân quyền của người dân vẫn còn xa vời vợi.
uzjh
2/ Khủng hoảng lãnh đạo

Tại sao Trung Quốc cũng theo đuổi một mô hình chính trị-kinh tế giống như Việt Nam mà kinh tế họ hùng mạnh vậy trong khi ta càng ngày càng lụn bại. Vì lãnh đạo của họ tài giỏi hơn, có trình độ hơ, có tâm huyết hơn, ít tham nhũng hơn? Nếu quả như vậy thì sao ta không học khôn họ.

Cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thì đổ hết cho “hệ thống’, cho “cơ chế”. Biết thế sao ta không sửa lại hệ thống, thay đổi cơ chế? Khổ quá! Các ngài cứ loanh quanh như kiến bò miệng chén. Sao không nói toạc ra rằng sửa hệ thống và đổi cơ chế thì phải bỏ cái bộ máy sản xuất ra cái hệ thống và cơ chế đó, tức là bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Bỏ mà chết à.

Vấn đề của mọi vấn đề là: có thể nào thiết lập được một guồng máy cầm quyền trong sạch, hữu hiệu mà vẫn không phải vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin không? Hỏi như vậy chả khác nào hỏi: Có chế độ Cộng Sản nào không độc tài toàn trị không?

Không bám chặt lấy cái hệ thống đảng nắm trọn cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp, không bảo vệ cái cơ chế cho phép Đảng ở trên luật pháp thì làm sao mà lạm quyền được, làm sao tham nhũng được, làm sao cướp đất của nông dân đuợc, làm sao bịt miệng tiếng nói đối lập được…

Ai cũng biết vì con gái và rể ngài Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh nằm ở sân sau PMU-18 nên tai tiếng của vụ tham nhũng kinh khủng này bị cho chìm xuồng. Ai chả biết công ty quốc doanh Vinashin vỡ nợ đến hàng ngàn tỷ đồng là do thiên tài Nguyễn Tấn Dũng. Thế mà Thủ Tướng tài ba này vẫn ung dung ngồi trên ghế nắm vận mệnh cả nước.

Ai ký cho Tàu vào “Nóc nhà Đông dương” khai thác bauxite ? Ai ký hiệp định biên giới ngu dại cho Tàu lấn đất biên giới? Ai dại dột cho phép Tàu lấy không Hòang Sa để rối nó giả mù sa mưa lấn chiếm Trường Sa và Biển Đông của ta? Ai cho phép các quan đầu tỉnh tự quyền cho Tàu thuê rừng đầu nguồn để nó đem nhân công vào đất ta canh tác rồi Hán hóa cao nguyên của ta? Quốc Hội im thin thít. Thế mà ngài chủ tịch Quốc Hội sắp lên ghế lãnh tụ “cao cả” nhất.

Thượng bất chính hạ tắc lọan. Chính quyền trung ương dốt nát, tham nhũng, chuyên quyền nên mới làm ngơ cho chính quyền địa phương lộng hành cướp đất của nông dân, làm ngơ cho công an, cảnh sát ngang nhiên đánh đập, giết người dân lành giữa thanh thiên bạch nhật.

Chính quyền thối nát trở thành lọan quyền, đẻ ra hàng trăm hàng ngàn công trình “dởm”, dụ án “dởm” làm hao tốn không biết bao nhiêu công. Tham nhũng trở thành nếp sống được mọi người chấp nhận. Quan chức lớn nhỏ coi hối lộ là lương bổng nhà nước. Người dân coi hối lộ cho quan chức là lệ phí hợp pháp bình thường. Tham nhũng, hối lộ vừa là phép vua vừa là lệ làng nên không có cách nào xóa bỏ được ngọai trừ chế độ này sụp đổ.

3/ Khủng hoảng xã hội

Đôc tài đẻ ra tham nhũng. Tham nhũng đẻ ra thói hư tật xấu. Có nước nào giáo dục xuống cấp cả về nội dung giảng dậy lẫn đạo đức học đường như ở nước ta không? Hiệu trưởng ép nữ sinh bán dâm cho các quan chức chính quyền, thầy giáo gạ gẫm nữ sinh 16-17 tuổi. Học sinh lớp 6 lớp 7 hôn hít, ôm ấp nhau ngay giữa lớp học… Muốn điểm cao: phong bì; muốn lên lớp: phong bì; muốn có bằng câp: phong bì. Bộ giáo dục không lo chuyện giáo dục mà chỉ lo kinh tài như độc quyền in sách giáo khoa, bán bằng, bán chức vụ… Trên 9000 giáo sư, phó giáo sư và 16.000 tiến sĩ “kém về chất”.

Văn học nghệ thuật chỉ có một mục đích duy nhất là kiếm lợi nhuận. Hết “Bóng Đè” rồi “Sợi Xích”… bơm tình dục sống sượng vào đầu óc lớp trẻ. Giới trẻ dùng Internet để khoe thân thể, khoe thành tích tình dục trên mạng. Tỉnh nào cũng tổ chức thi hoa hậu, chỗ nào cũng có người mẫu trình diễn thời trang “ít vải” trong khi nông dân toát mồ hôi lo ăn từng bữa. Tệ đoan xã hội được giải phóng tối đa để tha hồ phát triển, tha hồ tung hoành. Báo Công An ngày nào cũng đầy ắp tin cướp của, hiếp dâm, giết người, riết rồi người dân ghiền chuyện xã hội đen như ghiền ma túy.

Cái đại họa của đất nước ngày nay là tòan bộ xã hôi đang tiến gần tới cõi vô cảm, vô trách nhiệm và vô thức.
Xin hỏi các nhà lãnh đạo của “đảng ta” là cái gì đã gây ra ba dòng thác khủng hỏang trên, kinh tế thị trường hay cái đuôi “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” của nó?

Lê Duy Nhân
© Thông Luận