"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 20. Dezember 2010

Vinashin hay sự phá sản của kinh tế thị trường định hướng XHCN

Thanh Phương, RFI
 
Nhìn lại thời sự Việt Nam trong năm 2010, về mặt kinh tế, bên cạnh việc đồng bạc Việt Nam bị mất giá và lạm phát tăng cao trở lại, sự kiện đáng chú ý nhất đó là tình trạng gần như phá sản của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin. Nhưng đây không chỉ là sự phá sản của riêng tập đoàn này, mà là sự phá sản khu vực kinh tế Nhà nước, nói rộng hơn là của cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nợ của Vinashin hiện được thẩm định lên tới 86 ngàn tỷ đồng, tức là khoảng 4,4 tỷ đôla, tương đương với 4,5 % GDP của Việt Nam. Trên nguyên tắc, hôm nay, 20/12/2010, Vinashin phải trả món nợ đáo hạn đầu tiên trong tổng số 600 triệu đôla vay của các chủ nợ, đứng đầu là ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse. Vì không còn tiền, ban lãnh đạo mới của tập đoàn đã xin hoãn trả nợ. Nhưng các chủ nợ đã không đồng ý. Mặc dù chính phủ đã tuyên bố sẽ không đứng ra trả nợ thay cho Vinashin, nhưng ngày càng có nhiều tin đồn về khả năng chính phủ sẽ buộc phải can thiệp để cứu sống Vinashin.

Chưa biết chuyện nợ nần sẽ được giải quyết ra sao, nhưng trước mắt, theo cảnh báo của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, giới chuyên gia tài chính quốc tế, tình trạng của Vinashin có nguy cơ gây tác hại đến toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam và khả năng của Việt Nam vay tiền của quốc tế cho các dự án cơ sở hạ tầng, như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Nhìn vấn đề rộng hơn, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, Vinashin chính là biểu tượng sự thất bại của của mô hình tập đoàn kinh tế.

Về phần nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang cũng có nhận định tương tự, nhưng ông đặt vấn đề trong một bối cảnh chung của cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông Nguyễn Thanh Giang, nếu cứ duy trì đường lối kinh té như hiện nay, lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo, sẽ có nhiều Vinashin khác lộ ra.

Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, sỡ dĩ giới lãnh đạo Việt Nam cố duy trì mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chủ yếu đó là do vấn đề quyền lợi hơn là ý thức hệ.

Như ông Nguyễn Thanh Giang đã nhắc ở trên, vụ Vinashin đã gây bất bình trong dư luận đến mức một số đại biểu Quốc hội, như ông Nguyễn Minh Thuyết, đã lên tiếng đòi thành lập ủy ban điều tra để làm rõ trách nhiệm của các thành viên chính phủ có liên quan, thậm chí yêu cầu tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hành động của các đại biểu đó đã rất được hoan nghênh, nhưng dĩ nhiên ủy ban thường vụ Quốc hội đã không dám làm theo yêu cầu đó, bởi vì ở Việt Nam, tuy mang tiếng là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, Quốc hội chẳng có thực quyền gì cả, mọi việc đều do Bộ Chính trị quyết định. Trong vấn đề nhân sự lãnh đạo cũng vậy, Đại hội Đảng vào tháng Giêng tới không chỉ sẽ bầu ra Tổng bí thư, mà còn chọn luôn cả chức thủ tướng và chủ tịch Nước, mà trên nguyên tắc do Quốc hội bầu ra.

Theo chiều hướng đó, có thể đặt Vinashin trong bối cảnh các vụ đấu đá tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong Đảng, vì có dư luận cho rằng, chính ông Nguyễn Tấn Dũng là người bị nhắm tới trong vụ này. Trong những ngày qua, đã có nhiều lời đồn đoán khác nhau về kết quả hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bàn chuyện nhân sự, nhưng hiện chưa có gì chắc chắn.

Một điều chắc chắn là càng gần đến Đại hội Đảng, chính quyền Hà Nội càng gia tăng trấn áp những tiếng nói đối lập, mà gần đây nhất là vụ bắt giữ và truy tố tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, người đã dám kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên.

Đại sứ mãn nhiệm của Mỹ, Michael Michalak vào ngày 9/12 vừa qua đã cho rằng, năm 2010 đã là năm mà không gian dành cho tranh luận công khai đã bị thu hẹp toàn diện ở Việt Nam. Theo đại sứ Mỹ, từ việc ngăn chận truy cập mạng xã hội Facebook, các vụ tấn công những trang mạng chỉ trích chính quyền, cho đến những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các quán cà phê Internet và các trang blog, năm nay, quyền tự do trên Internet đã có một bước thụt lùi đáng kể ở Việt Nam.

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, đại sứ Thụy Sĩ Jean-Hubert Lebet cũng cho rằng chính quyền không nên trừng phạt những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hoà. Nhưng những lời khuyến cáo này dĩ nhiên sẽ không có tác dụng gì, vì cho tới nay, chính quyền Hà Nội vẫn khẳng định rằng những tố cáo về đàn áp tự do ngôn luận là không có cơ sở.

Dầu sao, nhìn lại năm 2010, rõ ràng nhiều tiếng nói bất đồng với chính phủ đã cất lên ngày càng nhiều và không chỉ từ phía những người có thể dễ quy chụp là phản động hay đảng viên Việt Tân, mà ngay chính những nhà cách mạng lão thành, những cựu lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế nay cũng công khai đòi hỏi phải có thay đổi một cách căn bản về kinh tế lẫn chính trị để đất nước khỏi rơi vào bế tắc.