"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 20. Dezember 2010

Nói thêm đôi điều về chiến tranh Bắc - Nam

Bằng Công 
 
Từ bài của chị Hồ Thu Hồng (blogger Beo) với lòng căm thù “bọn Mỹ-Nguỵ” bốc cao ngùn ngụt (tới mức sau 35 năm vẫn không thể hoà giải), đến bài tìm hiểu nguồn gốc chiến tranh, rồi tới bài này (Hiệp Định đình chiến 1954), chúng ta đã chuyển từ quan điểm CHÍNH TRỊ (lập trường) sang sự kiện LỊCH SỬ (khoa học).
Chúng ta sẽ thảo luận trên những sự kiện đã sáng tỏ.

Vài tình hình và sự kiện TRƯỚC hiệp định

Những nội dung dưới đây không khó tìm kiếm, chỉ cần kiên nhẫn, tỉ mỉ… 

- Chín (9) phái đoàn tham gia Hội Nghị Geneve về chiến tranh Đông Dương gồm 5 nước lớn và 4 nước nhỏ hoàn toàn do các nước lớn nhào nặn.


Cụ thể là Xô, Mỹ, Anh, Pháp (tứ cường), Trung Quốc (nước dính líu, có cả Pháp), và các nước Đông Dương, gồm hai nước Lào, Miên, còn Việt Nam có hai phái đoàn đối nghịch nhau Bắc, Nam. Tại hội nghị, hai phái đoàn “đồng bào” này đã nhìn nhau như kẻ thù, không một lần chào hỏi và đây là mầm mống tai hoạ trong tương lai do sự đối đầu quyết liệt về ý thức hệ. Kết quả, như chúng ta thấy: năm 1975 ý thức hệ XHCN chiến thắng oanh liệt ở mảnh đất có 50 triệu dân, nhưng sau đó lại sụp đổ ở khu vực chứa 500 triệu người.


- Từ 1950 chính phủ kháng chiến của cụ Hồ được trên chục nước công nhận về ngoại giao, nhưng chính phủ của “Quốc Trưởng” Bảo Đại đã chính thức được tổng thống và Quốc Hội Pháp trao trả độc lập, đồng thời cũng được gần 20 nước công nhận. Đảng ta lâm vào vị thế phải giải quyết nhanh vấn đề trước khi “nguỵ quyền” (thân Pháp) sẽ được thêm nhiều nước khác công nhận và được Pháp trao thêm quyền độc lập. Mỹ lăm le thay Pháp, càng phiền cho ta. 


- Thuận lợi của ta năm 1954 là kháng chiến đang đà chiến thắng (Điện Biên đã bị vây chặt, rồi thất thủ), phong trào phản chiến ở Pháp lên cao, nhân dân thế giới ủng hộ Việt Minh. Do vậy, cụ Hồ muốn Xô, Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ để chúng ta đánh tới cùng, nhưng hai ông “bạn” (hay “chủ”?) rất sợ chiến tranh mở rộng ra ngoài cõi Đông Dương. Do vậy, cả tứ cường đều muốn đình chiến ngay, trong đó Anh, Mỹ, Pháp hài lòng vì đặt được Việt Nam vào tình trạng chia đôi đất nước, cứ đấu tranh hoà bình nhập nhằng (như Đức và Triều Tiên), rút cục chắc chắn sẽ thua. Trung Quốc cũng rất thoả mãn vì thực hiện được ý đồ sẽ biến miền bắc Việt Nam thành khu đệm che chở cho mình và vĩnh viễn phụ thuộc vào mình. 


- Chiến lược của Trung Quốc là: 

a) Không để Việt Nam mạnh lên, nhưng cũng không để Việt Nam phải chết; 
b) Kích cho thái độ Việt Nam luôn luôn hung hăng, chống tư bản, hăng tiết xây dựng XHCN và đòi thống nhất đất nước; 
c) Nhưng nếu Việt Nam cố ý gây chiến sẽ giúp đỡ ở mức để chảy máu trường diễn, mà không thắng; 
d) Đặt một thòng lọng vô hình (ý thức hệ) thít cổ đảng CS Việt Nam, đồng thời nuôi dưỡng nó lâu dài, đảm bảo địa vị “lãnh đạo” mãi mãi cho nó, nếu nó chịu thần phục; 
e) Tập hợp Hoa Kiều thành lực lượng và dần dần mang màu sắc chính trị, hướng về đất mẹ... 

Phải nói rằng cụ Hồ là tài giỏi khi đối phó âm mưu của Trung Quốc. 


- Thoạt đầu phái đoàn miền Nam không muốn chia đôi đất nước, mà cứ “đình chiến tại chỗ” (vì năm 1954 Pháp chiếm hầu hết đồng bằng và thành thị - giàu mạnh, có 2/3 dân, có cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, vùng Công Giáo… rất lợi khi tổng tuyển cử - nếu có), trong khi Phạm Văn Đồng do đang thắng thế ở chiến trường, đã đòi chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 13 hoặc 14. Nhưng khi phái đoàn Pháp đồng ý đình chiến bằng tập kết, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới thì phái đoàn miền Nam cũng phải theo. Họ vui mừng vì đất đai và dân số hai miền tương đương nhau, nhưng dứt khoát cự tuyệt tổng tuyển cử. 


- Ngoài các buổi hội nghị toàn thể (đủ 9 phái đoàn tham dự) còn có rất nhiều hội nghị lẻ, kín hoặc nửa kín (song phương, tam phương) để dàn xếp ngầm. Số phận Việt Nam ta bị các nước lớn định đoạt chính là trong các dàn xếp ngầm này. Đoan Trang đã có bài đăng ở Tuần Việt Nam nói về sự thua thiệt của chúng ta ở Hội Nghị là rất lớn so với số xương máu đã bỏ ra. 


- Phái đoàn Phạm Văn Đồng cố nèo lái c3chuyện tổng tuyển cử (uy tín cụ Hồ đang rất cao), nhưng bị phái đoàn Trần Văn Đỗ kịch liệt bác bỏ. Hơn nữa, đây là Hiệp Định đình chiến, không ai có thể đưa vào những điều khoản thuộc thời kỳ “sau đình chiến” mà được. Các nước lớn đều cố tỏ ra trung lập (làm ra thế), coi việc tổng tuyển cử là chuyện nội bộ của Việt Nam, sẽ do hai bên Nam Bắc tự thương lượng, dàn xếp sau đình chiến. Cuối cùng, ba chữ “tổng tuyển cử” chỉ được chiếu cố nhắc tới trong Tuyên Bố cuối cùng mà không có chút ràng buộc nào, mà chữ ký cũng không nốt. Đúng là nó chỉ có giá trị như một tài liệu đính kèm nói lên vài lời chung chung về “quan điểm”.

Vài tình hình và sự kiện lịch sử SAU hiệp định

- Chính quyền “nguỵ” từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào Pháp, nay bỗng dưng tiếp thu cả miền Nam (sau khi Pháp rút đi) lại được Mỹ hào phóng viện trợ mọi mặt, nên rất muốn duy trì tình trạng như Hiệp Định Geneve quy định (tập kết, không xâm lấn, không ém quân, thi đua hoà bình và nếu thống nhất thì bằng thương lượng). Tổng tuyển cử, thì hoặc không có, hoặc sẽ có rất muộn. 

- Miền Bắc cũng gắn bó không kém với Xô, Trung; đồng thời rất hiểu rằng không ai có thể bắt miền Nam phải đồng ý tổng tuyển cử, khi họ không ký vào Hiệp Định, mà Hiệp Định cũng chẳng có điều khoản nào về tổng tuyển cử. Về sau, cụ Hồ có ý định thương lượng, chia quyền với miền Nam để khỏi đổ máu, nhưng năm 1955 cụ mới chỉ gửi cành đào tặng tổng thống Diệm đã lập tức bị bộ chính trị phê phán gay gắt. Sau đó, từ vị trí là Chủ tịch đảng, cụ chỉ còn là Chủ tịch ban chấp hành trung ương và suốt đời thuộc phe thiểu số. Cái thòng lọng ý thức hệ đã phát huy ngay tác dụng, và phát huy tới tận hôm nay (2010). 


- Miền Bắc rất hiểu cần tổng tuyển cử sớm (nếu có), khi miền Nam chưa đủ mạnh, chưa thu phục được lòng dân. Đồng thời cũng nhận thức quá đầy đủ - ngay khi Hiệp Định Geneve được ký - rằng khó mà có tổng tuyển cử (miền Nam và Mỹ không ký vào Hiệp Định, mà chỉ ra “tuyên bố” nói rõ: sẽ thi hành những gì, không thi hành những gì). Do vậy, một mặt phía ta ém lực lượng, mặt khác kêu gọi và cố tạo dư luận quốc tế để có tổng tuyển cử. Đây cũng là cách làm để chúng ta được tiếng là yêu hoà bình, có chính nghĩa – nghĩa là tác dụng về tuyên truyền. Đó là trong hai năm đầu 1955 và 1956.


- Hai năm sau, ta tố cáo mạnh mẽ, có hệ thống, có bài bản, chuyện Mỹ-Nguỵ “phá hoại hiệp định”. Ví dụ, ta khôn khéo coi tổng tuyển cử là nội dung chính thức của Hiệp Định, khiến Mỹ-Nguỵ bỗng dưng thành bọn phá hoại, phi nghĩa. Đồng thời, đưa điều này vào sách Lịch Sử và dạy cho mấy thế hệ học sinh, từ bậc tiểu học đến đại học, vì đây sẽ là những lớp người cầm súng xâm nhập miền Nam, rất cần lòng căm thù


- Điều bất lợi của ta là uy tín chính quyền miền bắc ngày càng suy giảm do sự tàn bạo trong vụ Cải cách ruộng đất, Chỉnh đốn tổ chức (đàn áp nội bộ), đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ (vụ Nhân văn), vụ Cải tạo Công-Thương nghiệp và Hợp tác hoá nông nghiệp. Chủ trương “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH" khiến kinh tế thê thảm, dân tình đau khổ… Không hiểu đó là những sai lầm, vụng về cụ thể, mang tính chiến thuật, hay đó là do bản chất chế độ XHCN (đề cao đấu tranh giai cấp, sử dụng chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ).
 

Chúng ta không nói tới tổng tuyển cử nữa mà chuẩn bị dư luận xâm nhập miền Nam. Và rất thành công, khi nêu 2 điều “phá hoại hiệp định” của Mỹ-Nguỵ: a) cự tuyệt tổng tuyển cử; và b) trả thù người kháng chiến cũ.

Danh xưng cuộc xâm lấn

Cần chứng minh chiến tranh ở miền Nam là do đông bào nổi dậy “chống giặc Mỹ và bè lũ tay sai”, còn miền Bắc là hậu phương lớn. Thoạt đầu, miền Bắc chỉ “chiếu cố” miền Nam (chữ dùng phổ biến trong các văn bản). Sau đó khi đồng bào miền Nam đã nổi dậy, có phong trào (có Mặt Trận giải phóng), thế giới biết, thì “chiếu cố” đổi thành “chi viện”. Và cuối cùng khi đã hoàn toàn công khai thì “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và “đâu có giặc là ta cứ đi”…

Cuộc chiến có tên chính thức là "Kháng chiến chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Tên gọi đã nhảy vào ngồi vững chắc trong sách giáo khoa Lịch Sử.


Nguồn: http://baotoquoc.maxforum.org/2010/12/19/noi-them-oi-ieu-ve-chien-tranh-bac-nam/#post1