"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 19. Dezember 2010

Đối thoại của Vatican với các nước cộng sản nhìn từ “ĐH Công giáo Toàn quốc Trung Quốc”

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Kính tặng một chứng nhân của Sự thật – Công Lý – Hòa Bình của GHVN nhân Noel 2010.
 
Tại đất nước Trung Hoa cộng sản, từ 7 đến 9-12/2010, một cái gọi là “Đại hội Công giáo Toàn quốc” đã được tiến hành, sự kiện này đã tạo nên nhiều sự ngạc nhiên, giận dữ… thậm chí làm nhiều người giật mình khi nhìn nhận vấn đề Công giáo tại các nước cộng sản và quan hệ với Tòa Thánh Vatican với các nhà cầm quyền ở đó.

Từ Đại hội Công giáo Toàn quốc Trung Quốc

Trong bản thông báo ngày 17-12-2010 của Tòa Thánh viết: “Về mục đích của HĐGM này là để thực hiện các nguyên tắc độc lập và tự trị, tự quản lý và tự điều hành dân chủ của Giáo Hội, cần nhớ rằng đó là điều không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo, đạo lý này ngay từ các kinh Tin Kính xưa kia đã tuyên xưng Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”.

Có vẻ như Tòa Thánh đã giật mình nhất khi thấy sự thực tại đất nước Trung Hoa cộng sản đã khác xa với những gì Tòa Thánh đã nghĩ và đã làm với chính quyền cộng sản ở đây, đó là hi vọng một sự đối thoại với nhà cầm quyền Cộng sản một cách thật lòng. Tuyên bố của Tòa Thánh viết: “Trong khi tái khẳng định ý chí đối thoại chân thành, Tòa Thánh cảm thấy có nghĩa vụ minh xác rằng những hành vi không thể chấp nhận được và thù nghịch, như những điều đã nói trên đây…”

Thực tế, nhìn lại những biến cố gần đây của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican, người ta mới thấy rõ một điều: Không phải khi nào Tòa Thánh cũng luôn luôn đúng trong cách nhìn nhận về các chế độ cộng sản.

Điển hình là năm 2007 trong vụ tấn phong Giám mục Lý Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban “Giáo hội yêu nước” của Giáo phận Bắc Kinh, là đại biểu tại Quốc hội của đơn vị thành phố Bắc Kinh.

Trước đó, Tờ Christian phát hành ở Luân Đôn cho rằng việc Giáo hội Công giáo yêu nước chọn LM Lý Sơn làm Giám mục Bắc Kinh sẽ càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Vatican và Bắc Kinh. Tờ báo trưng ra lời tuyên bố của của LM Sơn: “Về việc xin phê chuẩn của Tòa Thánh, đó là công việc của chính quyền Bắc Kinh, không phải là nhiệm vụ của tôi”. Cũng trong vụ việc này, ĐHY Trần Nhật Quân đã khẳng định việc công nhận Lý Sơn của Tòa Thánh Vatican là một sự nguy hiểm cho Giáo hội Trung Quốc. Tòa Thánh không được chọn linh mục này làm Giám mục, mà chính bằng tổ chức Giáo hội Công giáo yêu nước Trung Quốc lựa chọn.

Thế nhưng, Tòa Thánh đã phê chuẩn việc này, và việc tấn phong Giám mục Lý Sơn làm Giám mục cai quản tổng giáo phận Bắc Kinh đã được thực hiện rất “Tốt đời đẹp đạo”. Thậm chí, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tuyên bố: “LM Lý Sơn là người rất tốt, một ứng viên rất thích hợp cho chức vụ đó. Đây có vẻ là một dấu hiệu tích cực”.

Nhưng, chẳng bao lâu, chính Giám mục Lý Sơn đã nhanh chóng xé toạc niềm hi vọng thiếu cơ sở đó và Giáo hội đã trả giá cho việc làm này của mình. Giám mục Lý Sơn đã nhanh chóng dẫn dắt Giáo hội Công giáo tại Bắc Kinh đi vào quỹ đạo của đảng cộng sản Trung Quốc độc lập với Vatican trước sự ngỡ ngàng và thất vọng của Tòa Thánh Vatican.

Chính quyền Trung Quốc là một chính quyền Cộng sản, một nhà nước độc tài đã lập ra một Giáo hội tự trị nhằm tách hẳn giáo hội Công giáo khỏi ảnh hưởng của Tòa Thánh Vatican. Đây là một chính sách tôn giáo từ lâu, nhất quán của các đảng cộng sản, tuy rằng tùy theo tình hình thực tế mỗi nơi, mỗi lúc khác nhau mà thể hiện và hành động.

Cuối cùng thì đã đến lúc chính sách đó đơm hoa kết những trái độc bằng cái gọi là “Đại hội Công giáo Toàn quốc” vừa qua. Một đại hội khẳng định Đảng CS Trung Quốc mới là người chủ của giáo hội.

Thậm chí, người ta đã nghĩ đến một tương lai không xa, Trung Quốc sẽ bầu một Giáo hoàng cho riêng Trung Quốc tương tự như giải nhân quyền Khổng tử để thay thế giải Nobel hòa bình Quốc tế mới đây khi giải này được trao cho nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba.

Với những phản ứng của Tòa Thánh Vatican về vụ việc này, không thể không nghĩ đến việc Vatican phải nhìn nhận lại đường lối “Đối thoại” của mình với các chính quyền CS, nhất là với Trung Quốc.

Đường lối “Đối thoại” của Tòa Thánh Vatican đã được nhà cầm quyền CSTQ vận dụng và lợi dụng triệt để nhằm phục vụ cho âm mưu của mình, khi cương, khi nhu, khi lập lờ… nhưng cuối cùng thì đường lối và chính sách đó không có gì thay đổi.

Nhìn sang Giáo hội Công giáo Việt Nam

Cũng là một nước đàn em của Trung Quốc, chính quyền CS Việt Nam cũng không mong muốn gì hơn là thành lập một Giáo hội Công giáo Việt Nam tương tự như Trung Quốc. Điều này được khẳng định ngay từ đầu mới thành lập nhà nước Việt Nam cộng sản.

Nếu như ở Trung Quốc có Giáo hội Yêu nước Trung Quốc, thì Việt Nam cũng có “Ủy Ban Đoàn kết công giáo”, một tổ chức thuộc nhà nước sinh ra, nuôi nấng và dạy dỗ.

Trong bài viết: “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? – GS Hà Thành đã dẫn chứng: “Từ năm 1951 đến năm 1955, chính Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo ký nhiều bút danh khác nhau để khen ngợi tổ chức “Hòa bình Chúa Kito” (một tổ chức Công giáo do Nhà nước lập) của Ba Lan và Công giáo “Tam tự” của Trung Quốc. Điển hình như các bài “Công giáo và chủ nghĩa xã hội” (báo Nhân dân ngày 27-9-1955, ký C.B); “Tự do tín ngưỡng” (Báo Nhân dân ngày 27-12-1951, ký tên M.H); “Công giáo Trung Quốc’ (Báo Nhân dân ngày 11-11-1955, ký tên C.B); “Những lời thắm thiết” (Báo Nhân dân ngày 27-1-1955, ký tên C.B)… Trong bài “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Hồ Chí Minh viết: “Từ tháng 7 năm ngoái, giáo dân Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động “tự trị, tự dưỡng, tự truyền”, nghĩa là giáo dân tự cai quản lẫn nhau, không cần cha cố người ngoại quốc; các cha cố Trung Quốc tự làm ăn không nhờ vả ai; giáo dân tự tuyên truyền đạo Chúa” . Bài báo kết luận: “Ỏ nước ta, đồng bào công giáo đều yêu nước và hăng hái tham gia kháng chiến. Gương sáng của giáo dân Trung Quốc càng làm cho đồng bào công giáo Việt Nam thêm tin tưởng và quyết tâm” (1).

Chỉ thị 160/CT-TW của Ban Bí thư do ông Lê Văn Lương ký ngày 29-5-1968 còn nói rõ hơn: “Đồng thời kiên trì và khôn khéo giáo dục giáo dân ý thức tích cực tự giác, đấu tranh chống bọn phản động và xây dựng một giáo hội yêu nước”.

Như vậy, chúng ta cũng đã thấy rõ mô hình Việt Nam và Trung Quốc chẳng khác nhau bao xa, cái gọi là Ủy Ban Đoàn kết công giáo Việt Nam có khác chi cái “Giáo hội Công giáo yêu nước” Trung Quốc là mấy.

So sánh giữa hai Giáo hội trong vấn đề này, chỉ khác nhau một điều duy nhất: Bằng sự nhạy bén thời cuộc, bằng linh cảm tuyệt vời của các mục tử, giám mục lúc đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thẳng thừng vạch rõ việc thành lập cái gọi là “Ủy ban Liên lạc Công giáo” là một nguy cơ đối với sự thống nhất của Giáo hội Công giáo và sẵn sàng treo chén bất cứ linh mục nào tham gia cái ủy ban này.

Mặc dù các Giám mục, linh mục chủ trương không cộng tác với Ủy ban này đã chấp nhận chịu nhiều thương đau, nhiều gian lao và thậm chí bỏ mạng. Nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam đã phân biệt được ngay từ đầu nguy cơ đó và đến nay đã và đang tồn tại một giáo hội Công giáo “duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền”. Các giáo dân, tu sĩ, linh mục chân chính đã nhận ra chân tướng của tổ chức này và tránh xa nó càng nhiều càng hay.

Tuy nhiên dù đã xác định rõ nguy cơ cho Giáo hội Công giáo ngay từ đầu, nhưng với những chính sách tôn giáo được thi hành trên đất nước này giai đoạn vừa qua, cái khối u này vẫn cứ dai dẳng tồn tại. Không phải không có lý khi nó tồn tại, nó chỉ không có lý với những người công giáo chân chính, còn với nhà nước cộng sản và những kẻ cơ hội, nó là cả một chính sách và âm mưu lâu dài. Chính vì thế cái “hồi kết” mong muốn của nó sẽ không diễn ra chừng nào chế độ Cộng sản còn tồn tại trên đất nước này.

Sự tồn tại của nó nhiều khi có vẻ hiền lành, có vẻ lương thiện và vô hại đã che giấu đi bản chất vốn có với “nhiệm vụ cao cả” của tổ chức này được Đảng xác định và giao phó ngay từ khi manh nha. Vì vậy, nhiều linh mục, tu sĩ và ngay cả một số Giám mục vẫn mơ hồ về những nguy cơ từ đó mà ra. Thậm chí có Giám mục còn cộng tác với cả cơ quan này hết sức vô tư mà chưa thấy những hệ lụy đằng sau đó.

Sự không nhận ra nguy cơ, hoặc đã nhận ra mà dung túng các giáo sĩ, giáo dân trong cái tổ chức này, thực sự là một việc cần xem xét lại cách hết sức nghiêm túc về những tác hại của thái độ đó với sự tồn vong của Giáo hội công giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, đường lối chủ trương “đối thoại” bất chấp bản chất đối phương của Tòa Thánh Vatican cũng đã phát tác nhiều hệ lụy không hề nhỏ, chỉ có điều nó diễn ra tinh vi hơn, sâu sắc hơn và ngấm ngầm phát tác trong nội bộ cơ thể giáo hội. Điều đơn giản là chỉ vì không thể “đối thoại thẳng thắn và công tác chân thành” khi đối tác không có thái độ thành thực mưu tìm sự thật và chân lý, đó chỉ là hành động “đối thoại với cái đầu gối” mà thôi.
Trong bài viết “Hai mươi năm tiến trình bang giao, được và mất” chúng tôi đã nói đến những hệ quả hay hậu quả của sự tin tưởng từ Tòa Thánh Vatican đối với con bài bang giao với nhà nước Cộng sản Việt Nam hai mươi năm qua.

Một trong những vấn đề hệ lụy đó, là việc bổ nhiệm các chức vụ Giám mục đều phải được sự chuẩn y, thông qua của nhà nước CSVN. Điều này chính Vatican đã mặc nhiên đặt cương ngựa chiến vào tay đối phương, tự tước đi năng quyền của mình.

Kể từ đó, một giáo hội Việt Nam đã, đang và sẽ còn phải chấp nhận hậu quả đau đớn từ chính sự thỏa hiệp này.
Nhận thức rõ ràng nguy cơ này, Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp ngay từ khi mới nhậm chức đã nhận ra rằng: “Không phải vô lý mà một số người yêu cầu nên xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước trong tiến trình bổ nhiệm giám mục tại Việt Nam. Phải chăng nên dần dần áp dụng tiến trình chung đang được áp dụng tại hầu hết các nước trên thế giới thể theo Giáo luật, Điều 377?”.

Những sự kiện gần đây tại Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chứng minh khá rõ ràng những điều đã nói trên đây.
Đối thoại luôn là một phương cách hữu hiệu để giải quyết những vấn đề bất đồng, song cần nhắc lại một vế thứ hai luôn phải đi theo hai chữ “Đối thoại” là “thẳng thắn và công tác chân thành” như chính Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã căn dặn.

Nếu thiếu đi vế thứ hai, việc đối thoại là vô nghĩa, thậm chí là có hại. Bởi không ai có thể đối thoại với một bọn cướp thiếu lương tâm với ý đồ đen tối và lăm lăm khẩu súng trong tay.

Một thái độ, một chính sách đúng đắn đem lại nhiều ơn ích, hoa quả và nhiều thành quả tốt đẹp, sự quá tin tưởng hoặc thiếu hiểu biết đối phương để đề ra một chính sách, một phương cách không khả thi, có thể dẫn đến những sai lầm.

Hơn thế, sự vận dụng cắt xén dù cố ý hoặc vô tình để che lấp sự thỏa hiệp với sự dữ, là một sai lầm còn lớn hơn.

Tạo ra sai lầm thì dễ, nhưng khắc phục hậu quả sai lầm thì không phải là việc giản đơn.

Hà Nội, ngày 18/12/2010 
J.B Nguyễn Hữu Vinh