"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 4. November 2010

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

 
Người Buôn GióNgẫm chút thấy cuộc đời biến đổi không ngờ, như ông Mạnh lúc đầu lên thật thà, chất phác càng làm lâu càng thông minh, đĩnh ngộ . Còn ông Dũng lúc đầu lên hoạt bát, năng nổ càng làm lâu càng có vẻ mệt mỏi, nhạt nhòa. Giờ quốc hội xôn xao đòi trách nhiệm Vinashin đòi bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng… nghĩ cảnh ông Dũng bị vây trong vòng chất vấn của quốc hội y như chàng Lía ngày nào.
*
Mấy ngày nay chuyện Vinashin được đem ra mổ xẻ ở quốc hội, báo chí hả hê đưa tin, nội tình VInashin được khai thác tối đa. Chiều hướng dư luận đang muốn tìm người chịu trách nhiệm về vụ thất thoát từ 86 đến 120 nghìn tỉ đồng. Mọi con đường đều có vẻ dẫn đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã chủ trương gây dựng và biến Vinashin thành một tập đoàn lớn.

Thời gian gần đây hình ảnh của Nguyễn Tấn Dũng ít thấy trên truyền hình, dường như ngài thủ tướng đã bớt trực tiếp chỉ đạo những công việc trọng yếu trong nước. Ngài đi tiếp khách, hô chống bão lụt và gần đây nhất ngài thủ tướng nói về chủ quyền đất nước. Bỗng dưng ảnh hưởng của ngài thủ tướng mờ đi, đáng ra sắp đến kỳ đại hội Đảng bầu nhân sự mới, ngài phải có một hình ảnh năng động, sung sức để hấp dẫn các lá phiếu trong Đảng của ngài. Thế nhưng trái lại vào cái lúc cần hoạt bát nhất ngài lại có vẻ nhạt nhòa.

Lý do cũng dễ hiểu, việc tập đoàn Vinashin do ngài nâng đỡ đã làm thất thoát quá lớn, nhất là bỗng nhiên quốc hội, báo chí lại được tự do mổ xẻ, một điều thật hiếm hoi trong sự tư do ngôn luận tại Việt Nam. Thất thoát và thiệt hại của Vinashin là rõ ràng, không còn gì để bàn cãi, tìm hiểu nguyên nhân để tránh những sai lầm theo vết xe đổ đó là điều cần phải thẳng thắn bàn. Nguyên nhân mà Vinashin bị đổ nợ đã được báo chí nhắc tới nhiều, đó là cách quản lý, điều hành, con người. Tất nhiên trong đó có trách nhiệm của ngài thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Ý tưởng biến Vinashin thành một tập đoàn lớn, mũi nhọn là ngành đóng tàu biển hoàn toàn sáng suốt và có tính chiến lược của Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam cần phải có một sức mạnh về công nghiệp nặng để phát triển đất nước thay thế dần nông nghiệp, chọn ngành đóng tàu là mũi nhọn còn có một yếu tố chính trị khác mà ít ai để ý là nó liên quan đến vùng biển. Ở một đất nước có chiều dài hàng nghìn cây số đường biển, tranh chấp lãnh hải với nước ngoài thì một ngành đóng tàu phát triển không phải là sự hỗ trợ lớn hay sao?

Nếu như Vinashin thành công, Việt Nam sẽ thành một hải cảng lớn với những dịch vụ sửa chữa, tiếp tế, phục vụ tàu bè thế giới qua lại trên biển Đông. Qua đó đương nhiên chủ quyền Việt Nam được nhiều nước trên quốc tế quan tâm chú ý tới. Ngoài lợi ích kinh tế do dịch vụ mang lại, các công nhân Việt Nam từ việc đóng tàu sẽ có thêm kinh nghiệm để bổ sung, phát triển nền công nghiệp nặng trong nước.

Thế nhưng ý tưởng chưa đến đâu, Vinashin lại là nỗi buồn của đất nước. Ông Dũng quyết định nâng Vinashin lên làm tập đoàn là quyết định táo báo và dũng cảm, một quyết định có tính chiến lược, lâu dài có tính đột phá ảnh hưởng lớn trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước rất đáng khen. Duy có điều để làm được việc đó , một việc gọi là chiến lược thì không thể sốt ruột trong một hay hai nhiệm kỳ, mà nó cần có sự kế thừa cho những nhiệm kỳ sau tiếp tục từng bước chắc chắn.

Hơi nóng vội, đó là một phần tính cách của ông Dũng, nhưng một phần lớn nữa khiến Vinashin có kết cục thế này là cả một đống các bộ, ngành liên quan chứ không riêng gì ông Dũng và Vinashin. Như dạng cả một dây chuyền lớn, ở khâu nào đó người ta lề mề lắp một con ốc, la cà lai rai sau đó mới đóng cầu dao, vô vàn những kiểu như thế đủ khiến cho cả dây chuyền thành đống sắt vụn mà khó tìm được nguyên nhân. Nhất là những nguyên nhân thuộc về lỗi hành chính.

Ai mà biết được Vinashin đổ vỡ chỉ vì thiếu năng lực quản lý hay còn lý do nào khác. Nếu biết rằng Vinashin thành công thì người Trung Quốc chắc chắn phải e dè trước một ngành đóng tàu hiện đại và hùng hậu của Việt Nam, hiểu được điều này chúng ta mới cân nhắc được thêm những nguyên nhân nào đó khiến Vinashin đổ nợ và ai là kẻ được lợi trong hoàn cảnh bi đát của ngành đóng tầu Việt Nam.(Do dạo này các blog bị bắt, bị hack nhiều quá tôi không dám bàn sâu về chi tiết này.)

Có 3 vụ việc dư luận quan tâm, bức xúc đó là Bau xít, đường Cao Tốc, và Vinashin. Nhưng điểm báo chỉ thấy Vinashin được nhắc nhiều nhất và những cái khác được lờ đi. Cao tốc bắt đầu tính chuyện làm không ai nói, Bau xít nói thì bộ trưởng trả lời qua quýt cứ yên tâm không sao đâu. Còn Vinashin thì quả là dứt khoát và căng thẳng.

Nếu biết rằng chủ trương cho TQ khai thác bau xít không phải là ý tưởng của ông Dũng, cũng như việc cho thuê rừng đầu nguồn, lập vô số nhà máy thủy điện mà thiết bị của TQ, nguồn nước của TQ, chịu chi phối của TQ… ta mới thấy Nguyễn Tấn Dũng ít nhiều còn đỡ hơn nhiều ai đó.

Than khoáng sản, dầu khí,điện lực, viễn thông..những ngành nghề chỉ việc đào của lên mà bán hay độc quyền trong nước tất nhiên dễ có lợi nhuận, dễ thành công hơn ngành nghề dịch vụ hướng ra khách hàng quốc tế. Nghĩ thế mới thấy cái khó và tội nghiệp của Vinashin.

Cái thiếu sót là nghĩ ra ý tưởng mà không biết chắc những người dưới quyền mình có tâm, có tài thực hiện ý tưởng đó không. Không biết chắc có ai đó ngang hàng với mình có ý thức để giúp đỡ mình thực hiện ý tưởng đó không. Như vậy là chủ quan, nhất là trong một cơ chế chồng chéo và ì ạch nữa. Dẫu nói gì đi nữa, nhìn các gương mặt chính khách khả năng thì tôi vẫn thấy ông Dũng đáng mặt làm thủ tướng nhất. Có điều nếu còn ở cương vị này, nếu như không nắm trọn quyền hành, không có uy để bắt buộc các bộ , ngành khác phải thực hiện nghiêm túc , triệt để mệnh lệnh của mình, ông Dũng đừng đưa ra những ý tưởng lớn như vậy. Để lái một con thuyền lớn hiện đại, cần phải có những thủy thủ giỏi nghề và có ý chí chung lòng, con thuyền mới đi xa được.
Đến đây lại nhớ câu chuyện xưa, người ta chung nhau xây dựng một cái tháp lên trời, thế rồi trời cho mỗi người nói một thứ tiếng, họ chẳng hiểu nhau và công cuộc xây tháp đành bỏ dở.Là dân của một nước sát kề người anh em Trung Hoa mới càng hiểu chuyện này một cách thấm thía.

Thôi cứ đào tài nguyên mà bán, khoanh bờ xôi ruộng mật mà bán, vay nợ mà dùng. Làm cái chi cho nó mệt, nhiệm kỳ cũng có hạn mà thôi. Chiến lược đời sau là chiến lược khất nợ, đáo nợ, vay nợ, hoãn nợ, xin giảm nợ…

Ngẫm chút thấy cuộc đời biến đổi không ngờ, như ông Mạnh lúc đầu lên thật thà, chất phác càng làm lâu càng thông minh, đĩnh ngộ . Còn ông Dũng lúc đầu lên hoạt bát, năng nổ càng làm lâu càng có vẻ mệt mỏi, nhạt nhòa. Giờ quốc hội xôn xao đòi trách nhiệm Vinashin đòi bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng… nghĩ cảnh ông Dũng bị vây trong vòng chất vấn của quốc hội y như chàng Lía ngày nào.

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

*
Báo cáo các bác bài này em không vi phạm điều 258 của BLHS như em Hương Trà nhé, em bị một lần tội này rồi em nhớ lắm.