Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam hôm 2/11, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh xác nhận chuyên gia quân sự Nga sẽ vào nâng cấp quân cảng Cam Ranh trong ba năm tới.
Báo Mỹ, tờ Washington Post và trang RIA Novosti của Nga đều đăng lại tin này từ báo Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên và chú ý đến chi tiết về sự tham gia của phía Nga.
Theo đó, Việt Nam sẽ thuê các chuyên gia Nga và mua công nghệ của Nga cho các cơ sở sửa chữa, và dự án này phải mất ba năm mới hoàn tất.
Dự kiến đây sẽ là nơi tiếp liệu cho hàng không mẫu hạm của nước ngoài.
Tuy nhiên, Tướng Thanh được trích lời nói các cơ sở này sẽ nằm riêng khỏi căn cứ hải quân hiện nay của Việt Nam.
Ông bác bỏ lo ngại về chuyện làm lộ bí mật quốc phòng khi tàu chiến của nước ngoài bỏ neo trong cảng Cam Ranh.
Vẫn Đại tướng Phùng Quang Thanh được báo Việt Nam trích lời hôm 1/11 nói Việt Nam "chỉ cho thuê dịch vụ hậu cần, kỹ thuật" ở Cam Ranh.
Hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng này. Đại tướng Phùng Quang Thanh nói về Cam Ranh
"Tuy nhiên, nếu chỉ phục vụ trong nước sẽ thừa công suất, gây lãng phí lớn. Vì thế, cảng dịch vụ ở Cam Ranh cần khai thác thêm khách hàng nước ngoài, làm dịch vụ cho cả tàu quân sự lẫn tàu dân sự của các nước."
Tướng Thanh cũng nói "cảng dịch vụ này là khu vực dành riêng cho dịch vụ kỹ thuật chứ không phải khu vực dành cho tàu hải quân Việt Nam".
"Hoàn toàn không có chuyện cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng này."
Hiện chưa rõ các nước nào sẽ vào Cam Ranh để hưởng dịch vụ sửa chữa, bảo trì ở cảng này dù có tin nói những quốc gia quan tâm là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn và Nhật.
Báo South China Morning Post ra ở Hong Kong trong số hồi tháng 4 đưa tin rằng đã có tàu tiếp tế 40 nghìn tấn USNS Richard E Byrd của Mỹ được sửa trong cảng Vân Phòng gần Cam Ranh.
Báo này cũng nói Moscow trao đổi với Hà Nội về việc "xây dựng một quân cảng mới của Nga".
Cam Ranh từng là căn cứ cho hải quân và không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh Nam Bắc tại Việt Nam hồi những năm 1960-70.
Sau đó, hiệp ước với Liên Xô cho phép quân đội của họ dùng Cam Ranh từ 1979 đến 2002.
Tuyên bố chính thức về sự xuất hiện trở lại của người Nga, dù trong vai trò chuyên gia tư vấn quân sự ở Cam Ranh nêu ra vai trò quân sự được phục hồi của Moscow tại Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Thời gian qua, Tổng thống Nga, ông Dmitry Medeved đã thăm chính thức Việt Nam và dự hội nghị cao cấp Đông Á.
Báo chí Nga có nhiều bài ca ngợi Hà Nội, nhắc lại mối giao hảo từ thời Nga còn theo chế độ cộng sản.
Nay, các tính toán địa chính trị đưa hai nước trở lại với nhau trong bối cảnh Việt Nam và các nước Đông Nam Á lo ngại về sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.
Chẳng hạn, tờ Kommersant nói Việt Nam đang trở thành "đối tác chiến lược" của Nga ở Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, quân sự và công nghệ.
Quan hệ quốc phòng của Nga với Việt Nam tăng lên nhanh trong những năm qua.
Thông tấn xã Interfax dẫn nguồn quan chức quốc phòng và ngoại giao nói: "Chỉ vài năm nữa Việt Nam đã có thể trở thành đối tác số một của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quốc phòng tại Đông Nam Á".
Tháng 10/2008, hai nước ký hiệp định liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật-quốc phòng giai đoạn cho tới 2020.
Năm 2008, giá trị các hợp đồng lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 tỷ đô la.
Năm 2009, con số là 3,5 tỷ đô la với hợp đồng mua tàu ngầm hạng Kilo; và năm 2010, tổng giá trị các hợp đồng lên tới 4,5 tỷ đô la Mỹ.