"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 6. November 2010

Tuy có “kịch bản” nhưng diễn còn vụng về

 
Xử lý hình sự luôn có sự phân công, phân nhiệm rất rõ ràng. Giả dụ ông Vũ chống công an phường 11, quận 6 đang thi hành công vụ thì về nguyên tắc, việc điều tra hành vi này sẽ do Cảnh sát Điều tra của Công an quận 11, TP.HCM thụ lý. Thế thì tại sao nơi tạm giữ ông Vũ lại là cơ quan an ninh của Bộ Công an?…


Trân Văn, phóng viên RFA – Theo báo chí Việt Nam, Ông Cù Huy Hà Vũ, tiến sĩ luật, cư trú tại Hà Nội, một người thường xuyên lên tiếng góp ý với Đảng và chính quyền Việt Nam vừa bị bắt tại TP.HCM, vào chiều 5 tháng 11.

Căn cứ vào những thông tin đã được báo chí Việt Nam loan tải, một số luật sư Việt Nam cho rằng, Công an Việt Nam đã cố tình gài bẫy để bắt ông Vũ, và Trân Văn đã phỏng vấn một nữ luật sư chuyên về tranh tụng hình sự để tìm hiểu kỹ hơn.

Do nữ luật sư này yêu cầu ẩn danh và trả lời các câu hỏi phỏng vấn qua hình thức chat trên Internet nên Ngọc Trân sẽ đọc lại các câu trả lời của bà. Mời quý vị cùng nghe…

Vì sao chỉ “có vẻ bình thường”

Trân Văn: Thưa bà, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vừa bị bắt và một số người cho rằng, việc Công an Việt Nam bắt ông ta là hết sức bất thường. Là một luật sư, theo bà, việc bắt ông ta là bình thường hay bất thường?

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Những thông tin trên báo chí cho thấy, việc ông Vũ bị bắt “có vẻ bình thường”. Ông ta vào TP.HCM, thuê phòng của một khách sạn, Công an kiểm tra hành chính thì phát giác, ngoài ông ta, trong phòng còn có một người phụ nữ. Sau đó ông ta bị tạm giữ vì không chịu ký biên bản vi phạm, có thái độ bất hợp tác và hành hung chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên các tin và hình ảnh mà báo chí đã đưa về vụ bắt giữ ông Vũ lại có nhiều chi tiết cho thấy, “sự việc hình như không phải là vậy”.

Trân Văn: Câu trả lời vừa rồi của bà có hai cụm từ chưa rõ ràng lắm. Đó là “có vẻ bình thường” và “sự việc hình như không phải là vậy”.
Tại sao lại chỉ “có vẻ bình thường” và nếu “sự việc hình như không phải là vậy” thì sự thật thật sự có thể ra sao?

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Tôi nói “có vẻ bình thường” là vì, việc ông Vũ bị bắt, có vẻ không khác lắm với tin tức về các vụ kiểm tra hành chính ở khách sạn này, khách sạn kia, song trong nó lại chứa đựng khá nhiều chi tiết bất thường.

Trân Văn: Ví dụ?

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Tôi sẽ nêu một số ví dụ để anh tự đối chiếu.
Tôi có hai nguồn để anh tự so sánh và rút ra kết luận về sự bất thường, trong việc Công an bắt ông Cù Huy Hà Vũ.

Nguồn thứ nhất là tin “Tạm giữ ông Cù Huy Hà Vũ”, được báo điện tử VietNamNet đưa lên web của họ vào tối 5 tháng 11 và nguồn thứ hai là một số qui định pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Hiến pháp Việt Nam minh định, Việt Nam bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Sự minh định này được khẳng định tại điều 8 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, muốn khám xét chỗ ở của công dân thì phải có lệnh khám xét. Trong trường hợp kiểm tra hành chính thì phải có Quyết định kiểm tra hành chính.

Tùy tiện xông vào chỗ ở của công dân mà không có lệnh khám xét, hoặc không có quyết định kiểm tra hành chính là phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân”. Theo điều 124 của Bộ Luật Hình sự thì tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt từ 3 tháng đến 5 năm tù.

Trân Văn: Thưa bà, ông Vũ đang ở khách sạn chứ không phải ở tư gia…

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Nhà làm luật dùng từ “chỗ ở” chứ không dùng từ “tư gia”, để khẳng định yếu tố “chỗ ở là nơi bất khả xâm phạm”.

Khi anh vào một khách sạn và được giao chìa khóa phòng nào đó thì kể từ lúc đó, phòng ấy là chỗ ở của anh. Chỗ ở này được luật pháp bảo vệ.

Để anh dễ hình dung, tôi nêu thêm một ví dụ. Anh thuê nhà của tôi. Dù tôi là chủ nhà nhưng vì đã cho anh thuê, tôi muốn vào thì vẫn phải xin phép và chỉ được vào khi anh đồng ý. Điều này mang tính tất nhiên mà ai cũng phải biết.

Trân Văn: Thưa bà, theo VietNamNet thì khi tiến hành kiểm tra hành chính tại khách sạn Mạch Lâm, Công an mới phát giác ông Vũ cư trú trong khách sạn với một phụ nữ.
Tuy tin đã đưa của VietNamNet không có chi tiết nào cho biết Công an có lệnh khám xét, hay Quyết định kiểm tra hành chính khách sạn này hay không, song tin đã đưa cũng không có yếu tố nào cho thấy, Công an đã “Xâm phạm chỗ ở của công dân”.

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Tin thì không nhưng ảnh thì có. VietNamNet là cơ quan truyền thông duy nhất dùng tấm ảnh chụp cảnh ông Vũ đang ở trần để minh họa cho sự kiện ông ta bị bắt.

Điều đó cho thấy ông ta hoàn toàn bất ngờ. Nếu Công an thực hiện đúng thủ tục luật định về kiểm tra hành chính. Có nghĩa là có lệnh, có thông báo thì đương sự sẽ không để Công an chụp ảnh ông ta đang trong tình trạng như vậy.

Trân Văn: Theo bà, Công an đã phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân”?

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Thật ra chưa đủ cơ sở để khẳng định đúng là như vậy. Muốn khẳng định, phải tiếp xúc với ông Vũ và các nhân chứng, chẳng hạn như chủ hoặc các nhân viên khách sạn, phải xem hồ sơ…
Ở đây, tôi chỉ phán đoán như vậy vì còn vài chi tiết bất thường khác.

Ví dụ, kiểm tra hành chính vốn là công việc của cảnh sát – lực lượng gìn giữ trật tự trị an. Tin của VietNamNet cũng cho biết rằng, lực lượng kiểm tra hành chính khách sạn Mạch Lâm là Công an phường 11, quận 6.

Xin lưu ý là điều tra, xử lý hình sự luôn có sự phân công, phân nhiệm rất rõ ràng. Giả dụ ông Vũ chống công an phường 11, quận 6 đang thi hành công vụ thì về nguyên tắc, việc điều tra hành vi này sẽ do Cảnh sát Điều tra của Công an quận 11, TP.HCM thụ lý. Thế thì tại sao nơi tạm giữ ông Vũ lại là cơ quan an ninh của Bộ Công an?

Cũng xin nói thêm rằng, ông Vũ là một tiến sĩ luật, tôi tin ông ta rành rẽ luật Việt Nam, nếu như ông ta phản đối việc kiểm tra hành chính, không chịu ký biên bản vi phạm, có thái độ bất hợp tác, vì Công an có dấu hiệu “xâm phạm chỗ ở của công dân” thì không có cơ sở để xem xét hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Trân Văn: Thưa bà, theo tin đã đưa có chi tiết là ông Vũ còn hành hung người thi hành công vụ.

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Tôi không tin điều đó. Nếu có điều đó, họ sẽ chụp và cung cấp cho báo chí. Những tấm ảnh như vậy sẽ ngăn chặn đáng kể các chỉ trích về việc tạm giữ ông ta.

Trong vụ tạm giữ ông Vũ, Công an chỉ có thể chụp những tấm ảnh, ghi cảnh ông Vũ đang cởi trần, ở trong phòng với một phụ nữ để cung cấp cho báo chí, nhằm gây ra những ấn tượng xấu về tư cách của ông ta.

“Diễn” còn vụng

Trân Văn: Cám ơn bà đã giải thích về những lý do khiến bà cho rằng vụ tạm giữ ông Cù Huy Hà Vũ chỉ “có vẻ bình thường”. Bây giờ xin bà cho biết, bà dựa vào đâu để nhận định “sự việc hình như không phải là vậy”?

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Nguyên nhân chính dẫn tới việc ông Vũ bị tạm giữ là sự có mặt của một người phụ nữ, trong phòng ông ta đã thuê của khách sạn Mạch Lâm.

Báo điện tử VietNamNet bảo rằng, người phụ nữ này là luật sư thuộc Hội Luật gia TP.HCM. Xin giải thích thêm rằng, Hội Luật gia là một tổ chức xã hội, quy tụ những cá nhân ham thích việc tìm hiểu pháp luật. Thành viên của hội này thường được gọi là luật gia, dù với nhiều thành viên của các Hội Luật gia, hai từ đó trở thành thái quá đối với họ.

Còn luật sư là một nghề và các luật sư thì là thành viên của Đoàn Luật sư ở tỉnh hay thành phố nào đó. Luật sư có thể sinh hoạt trong Hội Luật gia nhưng không có luật sư nào lại “thuộc” Hội Luật gia cả. Không phải tự nhiên mà luật Việt Nam cấm luật gia hành nghề luật sư.

Đó là một trong những lý do khiến tôi có cảm giác “sự việc hình như không phải là vậy”. Dù có kịch bản nhưng nó vẫn còn những chi tiết thiếu logic. Một lý do khác khiến tôi có cảm giác này là vì Công an Việt Nam “cởi mở” quá.

Thông thường, Công an phải giữ bí mật về công tác điều tra. Trên thực tế, công an chỉ chia sẻ bí mật điều tra để kiểm soát hoặc chi phối dư luận.

Cung cấp thông tin, hình ảnh về việc tạm giữ ông Vũ để báo chí đồng loạt đưa tin, rõ ràng là điều hết sức bất thường. Xin nhớ ông Vũ chỉ bị tạm giữ và “có thể bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ” thôi.

Điều đó có nghĩa là ông ta vẫn còn đầy đủ các quyền cơ bản của công dân. Thế thì tại sao Công an cũng như báo chí không tôn trọng các quyền nhân thân của ông ta, mà loan báo rộng rãi cả thông tin lẫn hình ảnh, về chuyện “thấy” ông ta trong khách sạn với một người phụ nữ như vậy?

Trân Văn: Cuối cùng, xin bà cho biết nhận định tổng quát của bà về vụ tạm giữ ông Cù Huy Hà Vũ.

Nữ luật sư yêu cầu ẩn danh: Hình như Công an cần bắt ông ta và vì họ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc bắt những cá nhân, mà hành vi có màu sắc chính trị, nên họ có kịch bản hẳn hoi. Tiếc là do quá chủ quan và có thể là do chưa hiểu biết thật sự kỹ càng về luật pháp nên kịch bản này thiếu thuyết phục.

Trân Văn: Cám ơn luật sư.