"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 2. November 2010

Nam Trung Bộ: những con đường biến thành biển nước

Từ chiều và tối 1-11 những cơn mưa dữ dội , có cơn mưa kéo dài gần 3 giờ tiếp tục đổ xuống Nha Trang cho đến sáng ngày 2-11 khiến cho thành phố Nha Trang, Khánh Hòa lại bị ngập nước lũ, rất nhiều con đường đã bị chia cắt. Đây là lần Nha Trang bị ngập nước nhiều nhất từ trước tới nay.

Chợ Đầm (Nha Trang) ngập nước - Ảnh:  Khuê Việt Trường
Chợ Đầm (Nha Trang) ngập nước - Ảnh: Khuê Việt Trường

Ghi nhận  vào lúc 8g30 ngày 2-11 cho thấy  đường Phạm Văn Đồng (đường biển) ngập nặng ngày đoạn đi qua Trường ĐH Thủy sản. Tại đường 2-4, đường chính đi cánh Bắc ngập sâu theo thông báo của lực lượng cứu hộ là 0,6 m. Đường 23-10 cũng ngập sâu nhiều đoạn, có nới lên hơn 1m, đây là đường đi Diên Khánh cánh phía Nam.

Những vùng ngập lũ chia cắt các khu dân cư như đường Phong Châu chia cắt xã Vĩnh Thái với Nha Trang, đường Hương lộ 14 cô lập khu vực phường Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc. Khu vực Bình Tân, phường Phước Long sáng ngày 1-11 nước rút thì đến sáng ngày 2-11 nước lại ngập nghiêm trọng trên 10 tuyến đường ở đây, xe cộ hoàn toàn không thể qua lại.

Đường 2-4 - cửa ngõ Nha Trang từ phía Bắc cũng mênh mông nước - Ảnh: Khuê Việt Trường
Đường biển Phạm Văn Đồng (Nha Trang) - Ảnh: Khuê Việt Trường

Hiện các lực lượng cứu hộ đều có mặt ở các nơi trọng điểm để sẵn sàng ứng cứu các sự cố. Tuy nhiên, trên 600 hộ dân trong vùng ngập lũ đã được di dời trong đợt lũ trước chưa trở về nhà, nên việc ứng cứu chỉ là phòng bị.
Sáng ngày 2-11, tất cả các trường trên địa bàn Nha Trang đều đã tạm thời nghỉ học vì mưa to và đi lại ở các vùng gặp khó khăn. Tuyến xe buýt Nha Trang - Cam Ranh cũng tạm ngưng hoạt động. Các chợ Đầm, Xóm Mới nhiều hộ buôn bán tự đóng cửa nghỉ do nước lũ. Các chợ cóc phục vụ người dân xuất hiện nhiều, nhưng giá cả hiện tăng lên rất cao so với trước lũ.

* Bình Định: Mưa lớn gây lũ ở các triền sông trong tỉnh

Nước lũ đã làm cô lập nhiều địa phương. Trong đó ngập sâu nhất là các xã khu đông: Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (Phù Cát), phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị ngập sâu từ 0,5m - 1m.

Tuyến đường ĐT 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến các xã khu đông đã có nhiều đoạn đường ngập sâu, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, người dân phải dùng sõng để đi lại.Hiện nay mực nước lũ đang dâng rất nhanh.
Nhiều tuyến đường ĐT 640 bị cô lập do lũ - Ảnh: N.Trần

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định dự báo chiều và tối nay 2-11, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung bộ nên ngày và đêm nay trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to làm cho mực nước các sông trong tỉnh sẽ lên cao, khả năng trên báo động cấp 2, cấp 3 và có nơi trên báo động cấp 3.
Trước tình hình này UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ.

* Phú Yên: Thêm 1 người chết, 2 người mất tích do lũ

Đêm ngày 1-11 và sáng ngày 2-11, trên địa bàn Phú Yên có mưa to đến rất to. Nước thượng nguồn đổ về lớn, cộng thêm hai thủy điện xả lũ khiến nhiều vùng ở tỉnh Phú Yên chìm trong lũ.

Trạm xá xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên chìm trong biển nước - Ảnh: Duy Thanh

Thông tin từ các ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân và huyện Tây Hòa cho biết, trên địa bàn của hai huyện này đã có một người chết và hai người mất tích.

Khoảng 20g ngày 1-11, chị Đặng Thị Mai, 24 tuổi ở thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đi đón cha là ông Đặng Hồng Kỳ, 50 tuổi, từ tỉnh Bình Định về quê. Khi hai cha con đến cầu tràn Soi Dâu thuộc xã Xuân Lãnh thì bị nước lũ chảy xiết cuốn trôi. Xác ông Kỳ được tìm thấy vào tối ngày 1-11 tại khu bờ tràn suối Mung (xã Xuân Lãnh), còn chị Mai mất tích, đến 10g30 hôm nay (2-11) vẫn chưa tìm thấy tung tích. Hiện việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Đặng Thị Mai rất khó khăn do trời mưa to và nước đang dâng cao.

Trước đó, lúc 16g ngày 1-11, cháu Lê Thị Thanh Thưởng, 13 tuổi, học sinh Trường THCS Tây Sơn ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, trên đường đi học về, khi dắt xe đạp qua cầu tràn Quảng Mỹ thì bị nước lũ cuốn trôi. Các lực lượng cứu hộ của xã Hòa Mỹ Tây và huyện Tây Hòa gồm 30 người tìm kiếm tung tích cháu Thưởng suốt đêm 1-11 đến trưa nay vẫn chưa thấy.

Như vậy, kể từ khi có lũ (ngày 30-10) đến nay, trên địa bàn Phú Yên đã có 2 người chết, 2 người mất tích.

Đường nối từ quốc lộ 1 đến xã An Thạch, huyện Tuy An bị ngập, nơi sâu nhất gần 1.5m - Ảnh: Duy Thanh

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân cho biết, từ 4g30 hôm nay, đường ĐT641 từ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân bị nước lũ tràn qua, nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, khiến huyện miền núi này bị cô lập hoàn toàn với các địa phương đồng bằng. Sáng nay, toàn bộ huyện Đồng Xuân bị cúp điện. Tất cả các xã đã bị lũ chia cắt, cô lập.


Trong khi đó, tại huyện Tuy An, do lũ lớn trên sông Kỳ Lộ đổ về sông Cái vượt báo động cấp ba nên nhiều vùng ở huyện này lũ lên rất nhanh. Xã An Định, vùng “rốn lũ” của huyện Tuy An trong đợt lũ cuối năm 2009, sáng nay ngập trong nước. Tất cả các đường liên thôn của xã An Định này cũng bị ngập sâu trong nước lũ.


Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online trưa nay, ông Nguyễn Trọng Hùng - phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An - cho biết thêm: Từ chiều ngày 1-11, các xã An Lĩnh, An Xuân, An Nghiệp, An Định, An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây của huyện này đã bị lũ cô lập hoàn toàn, nhiều xã bị ngập trong nước lũ như An Định, An Nghiệp, An Thạch.


Từ chiều tối 1-11, tại khu vực cửa biển Lễ Thịnh thuộc thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, triều cường đã làm sạt lở 209m, ăn vào đất liền 20m và khoét sâu khoảng 2m. 60 hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng, trong đó có 12 hộ dân bị triều cường uy hiếp trực tiếp. UBND xã An Ninh Đông đã sơ tán ba hộ với 12 người đến nơi an toàn, tiếp tục vận động để di dời 9 hộ bị uy hiếp còn lại. Triều cường cũng đã tấn công xóm An Vũ, xã An Ninh Đông gây sạt lở một vùng dài 50m, rộng 2m, sâu 3m.


Đắc Lắc: Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại ở nhiều địa phương


Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, tính đến sáng ngày 2-11, tại huyện M’Drak đã có một số ngầm giao thông bị ngập sâu từ 0,5 đến 1m gây ách tắc giao thông vào các xã Cư San, Cư Pao và Krông Á. Mực nước các hồ chứa qua tràn phổ biến từ 0,5 đến 1m. Mưa lớn đã gây xói lở một số đoạn kênh của đập Ea Lai, Buôn Um và Buôn Pao; 20 hộ dân ở buôn Lếch, xã Krông Jing đã phải sơ tán đến nơi an toàn.


Tại huyện Ea Kar, xã Ea Lang đã bị chia cắt do đường vào xã bị ngập. Còn tại huyện Krông Bông, 3 hộ dân ở thôn 3 xã Jang Kang bị ngập sâu trong nước đã phải di dời đến nơi an toàn. Hiện tại, thông Nơh Prông xã Hòa Phong đã bị chia cắt do cầu tạm qua suối đã bị nước lũ cuốn trôi. Để bảo đảm an toàn, học sinh ở các vùng ngập lũ đang phải tạm nghỉ học.