"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 3. November 2010

TS Cù Huy Hà Vũ: Bắt giam, kết án 6 giáo dân Cồn Dầu là hành vi khủng bố nhằm chiếm đoạt đất đai của người dân nơi đây

Sau phiên tòa của TAND Quận Cẩm Lệ xét xử bất công, trái pháp luật với 6 nạn nhân Cồn Dầu. Nữ Vương Công Lý đã phỏng vấn TS Luật Cù Huy Hà Vũ về những vấn đề liên quan. TS Luật Cù Huy Hà Vũ cho Nữ Vương Công Lý biết như sau:

Cho dù các luật sư của mình bị Tòa án quận Cẩm Lệ từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho 6 giáo dân Cồn Dầu bất chấp pháp luật, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ pháp lý cho những dân oan này để giành bằng được Công lý. 

Sau đây là trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ. 


Nữ Vương Công Lý: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ông đã tuyên bố thẳng thừng rằng việc Tòa án quận Cẩm Lệ đã từ chối không lý do việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho 6 giáo dân Cồn Dầu cho hai luật sư của Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ do thân nhân của họ mời là hành vi tội phạm. Vậy ông có thể nói rõ hơn về hành vi tội phạm này của Tòa án quận Cẩm Lệ?


TS Cù Huy Hà Vũ: Hành vi tội phạm là hành vi xâm phạm nghiêm trọng pháp luật. Tuy nhiên người dân thường phạm tội có thể do vô ý nhưng người của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án một khi xâm phạm pháp luật tố tụng hình sự thì dứt khoát là hành vi cố ý phạm tội!

Khoản 1 Điều 57 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

Khoản 3 Điều 56 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.

Khoản 4 Điều 56 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

Điểm B.2.B.2 Mục II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 02/10/2004 còn quy định rõ: “Nếu việc lựa chọn (nhờ) người bào chữa chưa có sự đồng ý (hoặc không có sự ủy quyền) của bị can, bị cáo thì Tòa án yêu cầu người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người khác thực hiện việc lựa chọn người bào chữa phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo. Tòa án cũng có thể thông báo cho bị can, bị cáo đang bị tạm giam biết việc người thân thích của họ hoặc người khác đã lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ và hỏi họ có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì Tòa án xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để người bào chữa thực hiện việc bào chữa”.

Như vậy theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao, ngoài bị can, bị cáo, người mời luật sư hoặc người khác theo quy định của pháp luật bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không đóng khung trong những người đại diện hợp pháp của họ mà có thể là bất cứ ai và Tòa án phải yêu cầu người mời người bào chữa hỏi ý kiến của bị can bị cáo; việc mời người bào chữa chỉ có thể không thành trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối người bào chữa khi được người mời người bào chữa hỏi ý kiến.

Thế nhưng Chánh án Tòa án quận Cẩm Lệ Tán Thị Thu Dung đã không hề yêu cầu những người đại diện hợp pháp này của 6 giáo dân Cồn Dầu hỏi ý kiến họ về việc mời luật sư thuộc Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ bào chữa cho họ. Như vậy Chánh án này đã cố ý xâm phạm Bộ Luật tố tụng hình sự, tức cố ý phạm pháp.

Nữ Vương Công Lý: Như Tiến sĩ vừa chỉ ra, mỗi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền được nhiều người bào chữa. Vậy chẳng hạn Tòa án chỉ cấp phép cho một người bào chữa và bác bỏ không lý do những người bào chữa khác thì liệu trong trường hợp đó Tòa án phạm pháp hay không?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đương nhiên là phạm pháp vì quyền và lợi ích hợp pháp của những người bào chữa cho cùng một người hoàn toàn độc lập với nhau. Vả lại, nếu một người bào chữa là đủ đảm bảo quyền có người bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì việc gì Quốc Hội phải quy định đương sự hình sự có quyền được nhiều người bào chữa!

Tóm lại, việc Chánh án Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ Tán Thị Thu Dung một mặt từ chối không lý do việc cấp cho hai luật sư thuộc Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ giấy chứng nhận người bào chữa cho 6 giáo dân Cồn Dầu mặt khác vẫn tiến hành xét xử những người này dứt khoát là hành vi tội phạm vì đã phá hoại Bộ Luật tố tụng hình sự, xâm hại trắng trợn không những quyền mời luật sư của những người đại diện hợp pháp của họ, quyền bào chữa của luật sư mà trước hết quyền được có người bào chữa của 6 giáo dân Cồn Dầu.

Để trừng trị kịp thời chánh án Tòa án quận Cẩm Lệ Tán Thị Thu Dung về hành vi phản pháp luật và phản nhân quyền này, ngay ngày 27/10 vừa qua, cùng lúc diễn ra phiên tòa ô nhục ấy, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã có công văn gửi Giám đốc Công an và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu khởi tố hình sự chánh án này về “Tội ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 và “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ Luật hình sự.

Nữ Vương Công Lý: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, việc Tòa án quận Cẩm Lệ xử 6 giáo dân Cồn Dầu bất chấp luật pháp là do coi thường pháp luật hay nằm trong âm mưu nào đó?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hai mà một thôi: không có sự coi thường, bất chấp chấp pháp luật nào từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, Tòa án nói riêng, lại không xuất phát từ ý đồ xấu xa hay âm mưu nào đó.

Nữ Vương Công Lý: Vậy theo Tiến sĩ, đó là âm mưu nào?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hiển nhiên là âm mưu chiếm đoạt đất đai của giáo dân Cồn Dầu từ phía chính quyền thành phố Đà Nẵng. Sở dĩ tôi nói là chiếm đoạt là vì giá bồi thường mà cấp chính quyền địa phương này áp đặt quá rẻ mạt: 350 nghìn đồng một m2 đất thổ cư! Đó là chưa nói chính quyền lấy đất của giáo dân Cồn Dầu có đúng pháp luật về đất đai hay không.

Tất nhiên là giáo dân Cồn Dầu không chịu cái giá bèo bọt đó, nhất là mảnh đất mà họ đang sinh sống trên đó thực sự là quê hương vì đã được tổ tiên của họ khai phá cách đây ít nhất 125 năm, từ năm 1885! Do đó đánh chết một giáo dân và bắt giam rồi kết án 6 giáo dân khác không gì khác hơn là hành vi khủng bố nhằm chiếm đoạt đất đai của người dân nơi đây. Thực vậy, trong một bầu không khí khủng bố như thế do chính quyền Đà Nẵng tạo ra, những người dân thấp cổ bé họng này hẳn không còn con đường nào khác là lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đổi lấy mạng sống của chính họ!

Đau đớn thay: giáo dân Cồn Dầu đang đối mặt với nguy cơ “mất quê hương ngay chính trên quê hương mình”!

Nữ Vương Công Lý: Trong công văn gửi Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã khẳng định rằng bằng việc không cấp cho luật sư giấy chứng nhận người bào chữa cho 6 giáo dân Cồn Dầu, chánh án Tòa án quận Cẩm Lệ Tán Thị Thu Dung đã thực hiện hành vi phân biệt đối xử đối với giáo dân. Vậy theo Tiến sĩ đây là hành vi cá biệt hay hành vi phổ biến của Tòa án nói riêng, của Nhà nước Việt Nam nói chung?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Tôi không tin rằng hành vi phân biệt đối xử đối với giáo dân như Tòa án quận Cẩm Lệ đã thể hiện là phổ biến trong hệ thống chính quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu không bị pháp luật trừng trị ngay tức khắc như yêu cầu của Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ thì hành vi phân biệt đối xử đối với giáo dân từ cá biệt tất sẽ thành phố biến và khi đó sẽ là đại họa cho toàn thể dân tộc Việt Nam!

Nữ Vương Công Lý: Xin Tiến sĩ cho biết sau khi đã gửi công văn đến Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Chánh án Tòa án tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thái Bình và các cơ quan khác của Nhà nước Việt Nam yêu cầu xử lý chánh án Tán Thị Thu Dung về hành vi từ chối cấp cho luật sư giấy chứng nhận người bào chữa cho 6 giáo dân Cồn Dầu một cách trái pháp luật, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã nhận được hồi âm nào chưa từ phía các đại diện trên của Nhà nước Việt Nam?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hồi âm duy nhất mà Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ nhận được cho đến lúc này là công văn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo Viện trưởng đã yêu cầu Viên trưởng Viện kiểm sát thành phố Đà Nẵng kiểm sát vụ việc theo thẩm quyền và báo cáo cho Viên trưởng.
Điều đáng lưu ý là công văn trên của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đã được gửi cùng ngày Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ gửi công văn đến, ngày 23/10. Chính thái độ tích cực này của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho phép chúng tôi hy vọng trong những ngày tới sẽ tiếp tục nhận được hồi âm tích cực từ phía Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan quyền lực Nhà nước khác.

Nữ Vương Công Lý: Xin Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trả lời câu hỏi cuối. Một số giáo dân Cồn Dầu bị án treo cho biết nhân viên điều tra đã tra tấn họ để buộc họ nhận đã gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ, những tội mà họ không phạm. Vậy theo Tiến sĩ những nạn nhân của nhục hình này phải làm gì?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Nếu đó là sự thật thì những người bị tra tấn, bị nhục hình phải căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo mà gửi ngay đơn tố cáo đến  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an để các cơ quan này phối hợp điều tra. Ngoài ra họ có thể gửi đơn tố cáo đến Quốc Hội, Chủ tịch Nước… cũng như tố cáo trước công luận rộng rãi.

Cái Ác chỉ có thể bị chặn đứng và xua tan trước hết bởi nạn nhân lên tiếng!

Xin trân trọng cảm ơn Văn phòng luật sư Cù huy Hà Vũ và bản thân Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về sự hỗ trợ quý báu dành cho các giáo dân – nạn nhân Cồn Dầu.

Nữ Vương Công Lý

Nguồn: http://www.nuvuongcongly.net/