"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 6. November 2010

Doanh nghiệp sân sau – một thủ đoạn lũng loạn nền kinh tế

 
Đảng Viên (Danlambao) – Hầu hết các doanh nghiệp sân sau này đều do con, cháu hoặc những người thân cận của các quan chức chính phủ, các bộ ngành hoặc con cháu của các vị lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn, các ban quản lý dự án lớn thuộc tất cả các bộ ngành, các lĩnh vực. Đặc biệt còn rất nhiều con, cháu của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang và công an nhân dân cũng tham gia quản lý điều hành các doanh nghiệp sân sau…


Gần đây, nền kinh tế Việt nam vốn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn do sự điều hành kém cỏi của chính phủ cũng như sự lũng loạn của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên được giao nhiệm vụ quản lý và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước nhưng không đủ tâm cũng như đủ tầm chỉ huy lãnh đạo. Hầu hết những chuyên gia có năng lực và trình độ thực sự không được trọng dụng hoặc bị hắt hủi, thậm chí cho nghỉ việc nếu có những ý kiến phản biện trái chiều với chủ trương của lãnh đạo (mà hầu hết những vị lãnh đạo này đều dính đến tham nhũng, cửa quyền có những quyết sách không theo lẽ phải mà chỉ nhằm thu vén lợi ích cá nhân). Hiện tượng sử dụng bằng giả hay học giả bằng thật khá phổ biến trong giới lãnh đạo từ trung ương tới địa phương thực sự là vấn đề nhức nhối của xã hội mà báo chí đã phản ánh rất nhiều.

Việc tổ chức và xây dựng các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước (mà trước đây là các tổng công ty 90, 91) với bộ máy cồng kềnh, qui mô lớn được chính phủ coi như những bánh xe chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và có thể hiểu thuật ngữ kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong các văn bản, nghị quyết của Đảng và nhà nước thông qua các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đó cũng chính là cái đuôi định hướng XHCN trong thuật ngữ “kinh tế thị trường định hướng XHCN” mà Đảng và nhà nước Việt Nam đem áp dụng cho mô hình kinh tế nửa vời này trong bao nhiêu năm qua.

Quá trình hoạt động của mô hình này bộc lộ nhiều điểm khiếm khuyết và nảy sinh nhiều bất ổn ngay trong nội tại của nó. Mô hình này khiến tài sản nhà nước mà thực tế là tài sản nhân dân đóng góp trong hàng trăm năm qua với sự hy sinh xương máu của hàng vạn đồng bào mới có được. Không có ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm và làm nảy sinh lòng tham đến vô độ của hầu hết cán bộ Đảng viên được chính phủ giao tham gia quản lý khối tài sản kếch sù này như là một ân huệ. Từ đó nảy sinh nạn chạy quyền chạy chức và tranh thủ vơ vét cho đầy túi tham của những cán bộ liên quan, khối tài sản đó dần dần chuyển về túi cá nhân và các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ bị kiệt quệ và sụp đổ mà Vinashin là ví dụ sinh động nhất cho mô hình kinh tế này. Có rất nhiều cách để các quan tham xẻ thịt tài sản nhà nước mà trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một vấn đề trong muôn vàn kẽ hở để các quan sẻ thịt tài sản nhà nước, đó là vấn đề doanh nghiệp sân sau.

Thuật ngữ “doanh nghiệp sân sau” thực sự xuất hiện phổ biến chỉ từ khi vụ tham nhũng tầm quốc gia ở ngành giao thông vận tải PMU18 được khui ra từ trước đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 10. Thực chất đây là vụ “đánh nhau” mang màu sắc chính trị nhiều hơn là kinh tế mà ai ai cũng đã biết. Nhưng qua đó, không phải hiện tượng doanh nghiệp sân sau giảm đi mà hiện tượng này nở rộ như nấm sau mưa, vụ án đó lại trở thành bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp loại này che chắn và luồn lách pháp luật nhằm trục lợi một cách tinh vi hơn với mức độ ngày càng khốc liệt hơn.

Hầu hết các doanh nghiệp sân sau này đều do con, cháu hoặc những người thân cận của các quan chức chính phủ, các bộ ngành hoặc con cháu của các vị lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn, các ban quản lý dự án lớn thuộc tất cả các bộ ngành, các lĩnh vực. Đặc biệt còn rất nhiều con, cháu của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang và công an nhân dân cũng tham gia quản lý điều hành các doanh nghiệp sân sau. Nếu thực sự sân chơi trong thương trường là sân chơi bình đẳng thì có lẽ không cần bàn thêm nhưng ở đây, sân chơi này không dành cho những doanh nghiệp làm ăn thực thụ mà không có quan hệ đi sau, hầu hết các gói thầu béo bở được chia nhỏ hoặc xin cơ chế đặc thù để chỉ định thầu cho các doanh nghiệp sân sau mặc dù năng lực thật sự của các doanh nghiệp loại này thường không có hoặc rất yếu kém. Trong quá trình thực hiện các gói thầu này, nhiều doanh nghiệp sân sau lại đi thuê lại các doanh nghiệp lớn, có năng lực thi công thực sự nhưng không có các quan hệ lợi ích với nhóm người nắm quyền lực bên phía chủ đầu tư và mỗi lần như vậy, tỷ lệ % công trình bị rút ra là rất lớn tới vài ba chục % là chuyện bình thường. Toàn bộ phần chênh lệch này lại lần lượt quay lại túi tham của nhiều vị quan chức có quyền lực mặc cho hiệu quả dự án có đạt chất lượng hay không, có hiệu quả kinh tế hay không, chất lượng công trình đến đâu đều không có ai biết. Chỉ biết là rất nhiều dự án dùng tiền nhà nước chưa làm xong hoặc chưa sử dụng được bao lâu đã hư hỏng mà không ai chịu trách nhiệm, nếu dư luận lên tiếng thì giải thích vòng vo, đổ thừa trách nhiệm khách quan rồi chìm vào im lặng.

Nhiều doanh nghiệp sân sau làm ăn với các cơ quan quốc phòng hay công an thì mức độ nâng giá tham nhũng còn khủng hơn nũa. Với lý giải là bí mật quân sự hay bí mật về an ninh quốc phòng, các dự án dạng này còn cấm các cơ quan truyền thông tiếp cận hồ sơ nên giá được đẩy lên cao vô tội vạ mà không một cơ quan nào được phép kiểm tra. Nhiều tập đoàn lớn đứng ra thành lập các doanh nghiệp cổ phần (Chủ yếu là cổ phần của các ông chủ tập đoàn) rồi đẩy các miếng mồi ngon béo bở về đó thông qua các dự án tư vấn, dự án đào tạo v.v… để chuyển tiền nhà nước qua đó chia nhau. Thực tế là chỉ triển khai dự án trên giấy hoặc thực hiện khối lượng công việc không đáng kể nhưng giá trị hợp đồng luôn kếch xù và thực hiện liên tục nhiều năm. Những dự án béo bở khác cũng được tuồn vào túi quan tham thông qua doanh nghiệp sân sau với thủ đoạn tương tự.
Một bộ phận doanh nghiệp sân sau thì đứng ra cung cấp các dịch vụ cho một số cơ quan công quyền, các tập đoàn kinh tế hay các trường học, bệnh viện. Họ ký hợp đồng dịch vụ với giá rất cao để bòn rút tiền ngân sách hoặc người dân sử dụng dịch vụ đó phải chịu ví dụ như dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh trong trường học hay xuất ăn cho các cháu học sinh bán trú. Cho dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng các quan thì luôn vung tiền thoải mái không cần suy nghĩ. Chỉ khổ người dân nai lưng làm lụng vất vả mà cuộc sống còn vô cùng chật hẹp, khó khăn. nhưng vẫn phải đóng góp với giá dịch vụ cao ngất. Các doanh nghiệp này thường của các quan chức chính quyền và các bộ ngành nắm quyền quản lý đối với cơ sở được cung cấp dịch vụ.

Qua những nhận định trên, chúng ta thấy bài học nào cho quản lý vốn của nhà nước? Phải chăng tham nhũng thông qua những hình thức ngày càng tinh vi này không thể có phương án kiểm soát và xử lý, để có thể làm lành mạnh nền kinh tế vốn đang gặp nhiều bất ổn của nước ta trong nhiều năm qua do tham nhũng không được kiểm soát mà sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập rồi đổ thừa cho tâm lý sính dùng ngoại của nhân dân? Nền kinh tế chúng ta thực sự bất ổn do sự lúng loạn của tham nhũng mà doanh nghiệp sân sau là một trong những hình thức tham nhũng hết sức tinh vi, khó kiểm soát.

Hà nội, 7.10.2010

Đảng Viên