Tính đến tháng 8 vừa qua, Việt Nam có khoảng 26 triệu người sử dụng Internet, tức tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng này thuộc hàng cao nhất trong các nước đang phát triển. Courrier International quan tâm đến tình hình phát triển trang mạng xã hội ở Việt Nam với bài viết « Ở Việt Nam, nhà nước tìm cách bắt chước Facebook ». Tác giả cho biết, chính quyền đã tạo ra trang mạng xã hội riêng của mình, với hy vọng định hướng người sử dụng. Thế nhưng, hiện tại sức thu hút của mạng này vẫn chưa được như chủ trương.
Ngày 19 tháng 5 vừa qua, công ty quốc doanh Vietnam Multimedia đã tung ra một trang xã hội có tên miền là go.vn. Phiên bản hoàn chỉnh được dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Nhiều đặc tính của trang mạng này có vẻ quen thuộc với những người đã từng quen với tagging (để tên dưới ảnh của một người bạn), và defriending (loại tên ra khỏi danh sách bạn bè). Người ta có thể gửi hình ảnh, thư từ, liên kết bạn bè….
Thế nhưng, Courrier International cảnh báo rằng trang mạng xã hội này có một cái « bẫy », đó là người sử dụng phải cung cấp tên họ đầy đủ và ngay cả số chứng minh thư để có thể đăng nhập. Ở Việt Nam, các cơ quan an ninh theo dõi các trang mạng Internet. Trong năm nay, chính quyền đã cho bắt giam nhiều blogger “nổi loạn”, và còn muốn đóng cả Facebook để ngăn cản việc phát tán những ý đồ “lật đổ chính quyền”.
Vừa qua, bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp khẳng định, Go.vn là một lựa chon đáng tin cậy, có thể thay thế cho những trang mạng nước ngoài. Ông cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng cạnh tranh trung thực”. Ông Hợp cũng kêu gọi thanh thiếu niên đến với Go.vn để “khám phá văn hóa, những giá trị và các dịch vụ”.
Còn ông Phan Anh Tuấn, một quan chức của Vietnam Multimedia, cho biết, có khoảng 400 người đang tích cực hoàn thiện hệ thống phần mềm và phát triển nội dung trang mạng go.vn. Họ cũng đã đưa vào bảng thử nghiệm bằng tiếng Anh và nhiều trò chơi video mà chính quyền cho phép. Ông Lê Doãn Hợp ước tính từ đây đến năm 2015, go.vn sẽ thu hút được 40 triệu người, tức khoảng một nửa dân số của Việt Nam.
Thế nhưng, Courrier International nhận định : sẽ không dễ lôi kéo giới trẻ đi với dịch vụ này, vì những người này vốn rất sành về các công nghệ cao. Trên đường phố Hà Nội, nhan nhản những cửa hiệu nhỏ, với đầy đủ phương tiện giúp người sử dụng có thể tiếp cận với bất kỳ dịch dụ mạng nào. Nhiều người Việt Nam đã tìm được cách lách luật cấm Facebook qua máy chủ proxy hoặc thay đổi những thông số máy tính.
Khi được hỏi về trang mạng go.vn, anh Phạm Thành Công, sinh viên năm 4 ngành vật lý ở Hà Nội khẳng định: “Tôi không hề biết có trang mạng này”. Khi được hỏi, nam sinh viên này đang đứng đợi tới lượt mình để chơi trò bắn súng trên Internet. Chính những người như Công là đối tượng nhắm tới của go.vn. Chính quyền cho biết go.vn là trang mạng được Việt Nam đầu qui mô nhất kể từ trước đến nay. Thế nhưng, họ không nói rõ cụ thể số tiền đầu tư và lượng người sử dụng trang mạng này.
Ông Phan Anh Tuấn cho biết luôn sẵn sàng tiếp nhận góp ý của người sử dụng để cải tiến chất lượng go.vn. Tuy nhiên, ông thừa nhận “hiện tại, chưa có nhiều phản hồi từ người sử dụng”. Điều đó cho thấy, còn phải chờ đợi lâu hơn dự định để biết được ý nghĩ của mọi người.