Song Chi – Quá nhiều nỗi sợ sẽ khiến cho con người nhỏ bé bạc nhược đi. Điều đáng nói là càng ngày những nỗi lo nỗi sợ dường như càng nhiều hơn, càng vô lý hơn-sợ cái ác cái xấu cái sai điều không tử tế đã đành, sợ cả cái thiện cái đẹp cái đúng điều tử tế vì nhiều khi tai họa đến lại do ta làm đúng, làm người tử tế, trung thực!…
*
Xin mượn tên của một bộ phim Việt Nam “Sống trong sợ hãi” làm cái tựa cho bài viết này.
Đặt chân đến Na Uy vào cuối tháng 4.2009, cho đến hôm nay tôi mới sống tại đất nước này một năm rưỡi tức mười tám tháng. Một khoảng thời gian chưa thể gọi là dài. Nhưng tôi cũng kịp rút ra được một số nhận định cho riêng mình về đất nước, con người Na Uy.
Nói về con người Na Uy, đó là một dân tộc văn minh, tử tế, lương thiện. Trong cách ứng xử với nhau cũng như với người nước ngoài họ không thuộc loại nồng nhiệt (dân các xứ Bắc Âu hình như đều thế, phải chăng vì…khí hậu lạnh quá nên cũng ảnh hưởng đến tính cách con người?) nhưng họ rất lịch sự, tốt bụng. Nhịp sống ở Na Uy nếu so với Mỹ, một số nước châu Âu khác hoặc ngay cả Nhật, Hàn Quốc…phải nói là thong thả, đời sống thì quá yên bình, được đảm bảo về nhiều mặt…có lẽ vì vậy mà người Na Uy nhìn chung tính tình đơn giản. Sự đơn giản có cái hay và cũng có cái dở của nó. Nhưng điều quan trọng nhất, tôi nhận thấy người Na Uy rất ít khi căng thẳng, lo âu, sợ hãi điều gì. Bởi vì đúng là cuộc sống của phần đông người Na Uy không có gì phải lo lắng (tất nhiên, nếu sống lương thiện, không làm bất cứ việc gì phạm pháp).
Ngay từ khi mới sinh ra, mọi trẻ em Na Uy sẽ được chính phủ hỗ trợ cho bố mẹ một số tiền hàng tháng đế nuôi các em cho đến năm 18 tuổi. Suốt thời gian các em đi học từ mẫu giáo,tiểu học cho đến hết bậc trung học, bố mẹ không phải đóng một đồng nào, sách vở cũng được cấp không hoặc cho mượn. Và phải nói ngay rằng học sinh ở Na Uy đi học rất nhàn nhã, chương trình học không nặng nề cũng chẳng bị bất cứ sức ép nào từ gia đình hay nhà trường. Điểm số của mỗi học sinh chẳng bao giờ công khai trước lớp, nếu em nào học yếu quá thì nhà trường sẽ tìm thêm cô giáo kèm cặp riêng hoặc đề nghị bố mẹ hỗ trợ chứ không bắt em học sinh đó phải đổi lớp, chuyển trường vì sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của nhà trường! Các xứ Bắc Âu vốn coi trọng sự bình đẳng trong xã hội hơn cả yếu tố cá nhân (xã hội Mỹ thì yếu tố cá nhân được đặt lên hàng đầu), nên mọi trường tiểu học, trung học đều như nhau, chả có trường điểm, trường chuyên, trường chọn gì để phụ huynh phải chạy vạy xin cho con em mình vào cho bằng được. Thầy cô đối xử với học sinh hết sức đàng hoàng, chẳng bao giờ có chuyện la mắng chứ đừng nói đến những trò bạo hành khi trẻ còn ở tuổi mầm non, đi nhà trẻ (trong nhiều trường hợp đã gây thương tích nặng nề), hay những hình phạt kỳ lạ như liếm ghế, ăn phấn, nhéo đùi non, lăng mạ trước lớp…đối với học sinh tiểu học, trung học…như đã từng xảy ra rất nhiều ở nước ta. Chính vì chả phải lo sợ gì khi đến trường nên học sinh Na Uy đi học với một tinh thần rất nhẹ nhõm.
Lên đại học thì phải đóng tiền, nhưng nếu không có tiền thì có thể làm đơn vay ngân hàng, sau này đi làm có lương rồi trả dần. Khi đi làm, mức lương của người dân Na Uy thuộc hàng cao trên thế giới nhưng họ cũng phải đóng thuế rất cao. Đổi lại họ được hưởng giáo dục, y tế miễn phí và nhiều quyền lợi khác, khi thất nghiệp, lúc đau yếu, về hưu, tuổi già…có nhà nước lo toàn bộ. Nếu cứ đi làm đàng hoàng, đóng thuế đầy đủ thì đúng là không phải lo nghĩ bất cứ việc gì nữa. Đồng tiền làm ra còn dư cứ thế mà mua sắm, du lịch, hưởng thụ cuộc sống, không cần phải để dành bởi có chuyện gì đã có nhà nước lo, bảo hiểm xã hội lo, cũng không cần phải tích cóp cho con cái bởi cuộc đời của chúng cũng sẽ an toàn như đời mình vậy.
Không lo lắng về tương lai, người Na Uy cũng không phải đua tranh vất vả với nỗi lo thường trực sẽ bị xã hội đào thải nếu không cố gắng hơn người khác và cố hơn mình ngày hôm qua như trong một vài xã hội mà tính cạnh tranh lẫn luật đào thải gắt gao hơn nhiều. Họ cũng không bị sức ép từ bất kỳ sự phân biệt nào trong xã hội. Như hầu hết các nước Bắc Âu khác, Na Uy theo thể chế quân chủ lập hiến nhưng trong cách điều hành, quản lý xã hội lại theo mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ. Đó là một xã hội luôn luôn được xếp thứ hạng rất cao trên thế giới từ tự do báo chí, vấn đề nhân quyền cho đến chất lượng sống của người dân, nhưng mặt khác, yếu tố “xã hội chủ nghĩa” thể hiện trong những chuyện như giáo dục, y tế miễn phí và hầu hết là của nhà nước, một nền kinh tế thị trường nhưng nhà nước sở hữu vốn lớn và kiểm soát các ngành chủ chốt, một xã hội bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo không quá lớn, mọi công việc dù bác sĩ, giáo sư hay người công nhân, phụ bếp, bán hàng trong siêu thị…đều được coi trọng như nhau. Do vậy, người Na Uy hầu như không có những mặc cảm về bất cứ điều gì, ngay cả nếu họ là một người chậm phát triển hay khiếm khuyết về thể chất, họ vẫn được sống một cuộc đời bình thường giữa xã hội. Môi trường sống thì trong lành, dân ít nên tai nạn giao thông cũng ít, tỷ lệ tội phạm thấp…Nhìn chung cuộc sống an toàn, bình yên là cảm giác chung nhất mà ai đến sống tại quốc gia này cũng đều cảm nhận được.
Nói vậy không có nghĩa Na Uy là thiên đường. Hoàn toàn không. Quốc gia nào cũng có những vấn đề của mình. Điểm bất lợi lớn của Na Uy có lẽ là dân số. Dân số quá ít-chừng 4, 8 triệu người khiến cho quốc gia này dù giàu có vẫn là một nước nhỏ. Và sự cào bằng trong xã hội khiến cho tính cạnh tranh bị giảm đi, cộng với việc đời sống được đảm bảo cũng khiến người ta dễ đâm ra lười biếng, điều đó phần nào tạo nên sức ỳ trong các xã hội Bắc Âu. Thêm vào đó, khí hậu quá lạnh cũng là một điểm trừ đáng kể.
Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ muốn nói đến cảm giác được sống bình yên, không sợ hãi, không lo lắng, là cảm giác mà dân tộc tôi từ bao lâu nay không có được khi sống dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Ngẫm lại trong suốt cuộc đời của một người Việt Nam, họ phải lo âu, sợ hãi quá nhiều thứ mà hầu hết là những thứ không đáng. Ngay từ khi đi nhà trẻ, nếu không may gặp phải một cô giáo không có kiến thức sư phạm, kiến thức về tâm lý hoặc thiếu lương tâm thì trẻ rất dễ bị bạo hành, cách này cách khác. Bước vào lớp một, ở các thành phố lớn của Việt Nam bố mẹ phải chạy tìm trường tốt, trường điểm cho con. Cả cuộc đời cứ phải chạy chọt-chạy vào lớp một trường điểm, chạy vào cấp hai, thi vào cấp ba trường chuyên, chạy vào đại học, chạy tìm chỗ làm….Bắt đầu đến trường, mỗi đứa trẻ phải cõng trên lưng cả một cái cặp to nặng, cùng với sức ép từ gia đình, nhà trường-phải học giỏi vì niềm tự hào của bố mẹ, vì thành tích chung của nhà trường, học để vào được đại học, để kiếm học bổng đi du học, để thoát khỏi cảnh nghèo khó…Chương trình học thì nặng nề, đa phần là những kiến thức “chết”, cứ thế mà học thuộc lòng, nếu có em nào nhận ra sách vở hay thầy cô dạy có những điều không đúng với thực tế thì cũng chẳng dám cãi. Khổ cho trẻ em Việt Nam sao chúng phải học nhiều thế, học ở trường không đủ lại phải đi học thêm quanh năm suốt tháng, mùa hè cũng học…Nhất là những năm phải thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học, học đến phờ phạc cả người. Sự bất bình đẳng cũng là điều các em nhận ra ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường- bất bình đẳng trong điều kiện học hành, cơ sở vật chất của nhà trường, đội ngũ giáo viên…giữa các thành phố lớn với tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, giữa trường chuyên trường điểm với trường bình thường, và với những đứa trẻ gia đình khá giả được theo học trường quốc tế, thì càng có khoảng cách. Trong khi đó, đối với những đứa trẻ con nhà nghèo, ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, học phí hàng tháng cộng với sách vở các khoản cũng là một gánh nặng đối với cha mẹ. Điều đó đã tạo cho trẻ em Việt Nam ngay từ bé những nỗi lo lắng, mặc cảm, căng thẳng…thường xuyên.
Đến tuổi thi vào đại học, là nỗi lo sợ thi rớt. Cánh cửa vào đại học thì hẹp, mà ở Việt Nam cũng như phần lớn những nước châu Á khác vẫn rất coi trọng bằng cấp nên giấc mơ đại học càng đè nặng lên tâm lý các em học sinh. Đến khi học xong ra trường lại lo chạy tìm chỗ làm. Có được chỗ làm tốt, không phải chỉ lo làm việc cho giỏi là đủ mà còn phải lo…làm vừa lòng xếp! Xếp có nói sai cũng cấm dám cãi. Ra đường thấy cảnh trái tai gai mắt chớ có dại mà lên tiếng, chớ dại viết báo viết blog về những điều bất công phi lý trong xã hội, khéo lại bị ghép vào tội “phản động”, “tuyên truyền chống phá chế độ” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích quốc gia” thì có mà vào tù. Nếu lại bon chen vào những nghề sáng tác, văn hóa nghệ thuật thì càng phải tự “đề cao cảnh giác”, tự biên tập mình, tự gọt đi bao nhiêu cái dữ dội, gai góc, quyết liệt của hiện thực xã hội cho tác phẩm cứ tròn trịa như hòn bi mới mong được ra đời.
Xã hội thì chuộng bằng cấp, trọng hình thức, trọng cái danh hão, đồng thời cũng lại coi nặng đồng tiền, đánh giá con người nhiều khi chỉ qua cái xe, cái nhà và những thứ tài sản khác. Nên con người Việt Nam cứ phải quay cuồng kiếm bằng cấp, kiếm tiền…cho bằng với người ta. Chưa kể, ở Việt Nam nếu lỡ có thất nghiệp, đau yếu, tai nạn… thì chả có chính sách gì hỗ trợ, kể cả về hưu cũng chỉ có ba đồng ba cọc, nên lại càng phải kiếm tiền, tích cốc phòng xa, lo cho bản thân khi có chuyện gì xảy ra, rồi lại lo cho con cái…bao nhiêu nỗi lo trên đời. Cũng là bao nhiêu nỗi sợ. Muôn vàn tai nạn, muôn vàn cái chết oan uổng có thể đến từ bất kỳ nguyên nhân trời ơi đất hỡi nào: chết vì môi trường ô nhiễm, thực phẩm không an toàn gây ung thư, chết vì tai nạn giao thông, trời mưa điện giật, cây đổ, xe sụp hố, nhà mới xây đã sập, cầu mới xây đã gãy… trẻ con đâm nhau, người lớn nhiều khi giết nhau chỉ vì một câu cự cãi…chết vì bão lũ, hay bị bắt, bị cướp bởi tàu lạ ngoài khơi…
Cuộc đời một người dân bình thường ở Việt Nam phải thường trực sống trong bao nhiêu nỗi lo toan, sợ hãi (chỉ có các quan lớn quan bé là sướng, của cải, bất động sản… từ trong nước ra đến bên ngoài, tài khoản hàng triệu hàng tỷ đô la trong các ngân hàng thế giới, ngoại trừ một nỗi lo sợ duy nhất: làm sao giữ được ghế lâu dài!). Quá nhiều nỗi lo sẽ khiến cho con người chỉ biết sống cho mình và gia đình, chẳng nghĩ được chuyện gì xa hơn những nỗi bận tâm hàng ngày, làm sao vơ vét chụp giựt càng nhiều càng tốt…Quá nhiều nỗi sợ sẽ khiến cho con người nhỏ bé bạc nhược đi. Điều đáng nói là càng ngày những nỗi lo nỗi sợ dường như càng nhiều hơn, càng vô lý hơn-sợ cái ác cái xấu cái sai điều không tử tế đã đành, sợ cả cái thiện cái đẹp cái đúng điều tử tế vì nhiều khi tai họa đến lại do ta làm đúng, làm người tử tế, trung thực!
Và khi người dân phải sống trong một xã hội không tạo cho họ cảm giác an toàn, bình yên thì trách nhiệm đó thuộc về ai?