"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 5. November 2010

Đầu Gối – Quốc Hội và Cây Cảnh

Sao lại có chuyện Quốc hội và… cây cảnh ở đây? Quốc hội và… cây cảnh có liên quan gì với nhau? Chả lẽ đây chỉ là chuyện mấy chậu cảnh được trang trí ở Hội trường trong các Kỳ họp Quốc hội?

Không phải. Đây là câu chuyện nghiêm túc mà tôi được nghe không phải từ một người bình thường mà là từ một vị cố Tổng Bí thư của Đảng.


Cuối năm 1986, sau khi ông Nguyễn Văn Linh được Đại hội Đảng lần thứ VI bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, tôi được Thông tấn xã Việt Nam cử làm phóng viên đặc biệt đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư. Tết năm ấy tôi được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi thăm các chiến sĩ Sư đoàn 308 – Sư đoàn Quân Tiên phong, đóng ở Xuân Mai, Hà Tây; thăm anh chị em công nhân mỏ ở Quảng Ninh; thăm và chúc Tết đồng bào Hải Phòng; thăm và chúc Tết đồng bào và chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ trong những ngày Tết tại Thủ đô Hà Nội… Trong chuyến đầu tiên đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ trên cương vị Tổng Bí thư ấy, ông Nguyễn Văn Linh đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong tôi về những điều ông nói với đồng bào và chiến sĩ mà trong bài viết này tôi chưa có dịp đề cập đến. Tôi chỉ muốn viết lại đây câu chuyện ông nói với đồng bào Thủ đô Hà Nội sau chuyến đi thăm này ít lâu, khi ông được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội vào đầu năm 1987.

Trong buổi tiếp xúc với đại biểu cử tri trước kỳ bầu cử do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tại cơ quan Mặt trận ở 19-21 phố Hai Bà Trưng (nay nơi đây là Câu lạc bộ Mỹ (American Club Hanoi), tài sản đã giao cho Mỹ sau khi Mỹ trao lại Toà Đại sứ của Chính quyền Sài Gòn trước đây ở Thủ đô Washington D.C cho ta), ông Nguyễn Văn Linh cho biết: Ông sinh ra ở Nhà thương Hàng Bún Hà Nội, sau đó theo cha mẹ về Hải Phòng sinh sống. Ông học tại trường Bonnal (nay là trường Ngô Quyền) và tham gia phong trào cách mạng tại đây. Năm 1930, khi mới 15 tuổi ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tù, đầy ra Côn Đảo 15 năm. 

Sau Cách mạng Tháng 8/1945 ông được đón về Sài Gòn và từ đấy hoạt động kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở miền Nam cho đến ngày thống nhất đất nước. Ông nói, sau mấy chục năm xa Hà Nội, nay ông được trở lại làm công dân Thủ đô, nơi ông đã chào đời. Rồi giọng ông trầm xuống, xúc động:
- Được làm công dân Hà Nội, lại được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở Thủ đô, tôi xin hứa với đồng bào, đồng chí là sẽ làm hết sức mình để Quốc hội ta thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan quyền lực của nhân dân, không để “Quốc hội là cây cảnh” như có người nói!

Đã 23 năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in câu nói trên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Còn tôi, là một phóng viên trước đây được theo dõi và đưa tin nhiều kỳ họp của Quốc hội, tôi đã từng chứng kiến những kỳ họp mà Quốc hội “không phải là cây cảnh”.

Ngày ấy các kỳ họp Quốc hội đều diễn ra tại Hội trường Ba Đình. Hội trường chưa được trang bị hiện đại và các phiên họp thảo luận tại hội trường chưa được truyền hình trực tiếp như bây giờ. Các đại biểu mỗi khi cần phát biểu đều phải giơ tấm biển ghi số đại biểu để Đoàn Chủ tịch mời lên bục trên Hội trường phát biểu. Trong một phiên họp của một Kỳ họp Quốc hội Khoá VII (1981-1987) tại Hội trường Ba Đình để nghe báo cáo kết quả cuộc vận động sáng tác Quốc ca, sau khi Ban Tổ chức cuộc vận động báo cáo và nghe 17 bản nhạc và lời được lựa chọn, một vị đại biểu Quốc hội của TP Hồ Chí Minh, là sĩ quan Quân đội, giơ biển xin phát biểu ý kiến. Vị đại biểu này phản đối việc sáng tác Quốc ca mới và trên bục của Hội trường Ba Đình đã thẳng thắn nói: “Trước khi tôi ra họp, cử tri trong tôi đề nghị tôi phản ánh với Quốc hội là: Quốc hội hết việc làm rồi hay sao mà lại bày ra chuyện sáng tác Quốc ca!”.

Sau khi nghe hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh từ hàng ghế đầu tại Hội trường Ba Đình từ từ bước lên bục phát biểu. Ông nói, ông thuộc những người ủng hộ chủ trương tiến hành cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới. Bài Quốc ca hiện nay đã đóng vai trò rất to lớn trong việc động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Vì thế cần có một bản Quốc ca mới phù hợp với giai đoạn lịch sử mới, xây dựng và phát triển đất nước. Hơn nữa, một số bạn nước ngoài nói với ông, bản nhạc Quốc ca hiện nay có nét mô phỏng nhạc của nước ngoài và lời không còn phù hợp với tình hình mới của đất nước…

Song, sau lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Quốc hội vẫn biểu quyết giữ nguyên bài Tiến Quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, không tiến hành làm Quốc ca mới.

Mới đây nhất, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết không phê chuẩn kế hoạch tiến hành làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam do Chính phủ trình ra. Và tại kỳ họp Quốc hội cuối năm đang diễn ra đã có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn trước nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước. Tất nhiên trong không ít ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội không hiếm ý kiến chưa thật thấu tình đạt lý, có những ý kiến phát biểu không nắm đầy đủ thông tin nên ít có sức thuyết phục cử tri. Nhưng phải nói không khí thảo luận thẳng thắn, dân chủ trong Quốc hội ngày càng rõ nét, ngày càng phát triển là điều rất đáng mừng, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước. Đó cũng là nét mới trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.

Và, Quốc hội ngày càng “không phải là cây cảnh”, như lời mong đợi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.