Hàng trăm sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM, khóa 2006 – 2010 ngỡ ngàng vì không được nhận bằng tốt nghiệp do chưa đóng tiền mua tài liệu do trường biên soạn.
Chỉ vì không mua giáo trình
Trở lại 2 năm về trước, ngày 28/8/2008, ông Võ Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP. HCM, đã ra thông báo sinh viên các khóa phải mua một trong những tài liệu do trường biên soạn như: Đề cương bài giảng môn Luật Hôn nhân gia đình, Tố tụng Hình sự, Luật Lao động… Nhiều sinh viên thấy tài liệu này giống với các giáo trình đã có nên không mua. Bạn K.V. (khoa Luật Dân sự) cho biết: “Những bộ sách mà trường ép sinh viên mua hoàn toàn giống với những giáo trình sẵn có hoặc tóm lược lại ý chính của các bộ sách khác chứ không có gì mới, mà giá lại quá cao nên rất ít sinh viên mua. Không sinh viên nào nghĩ tới tình huống nếu không mua những tài liệu này sẽ bị giam bằng tốt nghiệp lúc ra trường”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 162.000 đồng mà sinh viên còn thiếu nợ nhà trường bao gồm: 100.000 đồng tiền lệ phí đề thi, giấy thi, tổ chức thi, còn lại là 62.000 đồng tiền mua giáo trình bài giảng Luật Hình sự và Luật Quốc tế của nhà trường biên soạn. Điều đáng nói, hiện tại sinh viên đã tốt nghiệp, nhà trường vẫn buộc sinh viên phải mua. H.V. bức xúc: “Hai năm trước, không có những tài liệu đó tụi mình vẫn hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp. Bây giờ, tụi mình đã ra trường rồi, sao nhà trường lại bắt mua những tài liệu đó mới được tốt nghiệp?”.
Nhiều sinh viên ở tỉnh lên TP. HCM dự lễ tốt nghiệp và nhận bằng nhưng còn nợ tiền nhà trường đành nhắm mắt đóng luôn. Bạn K. T. (khoa Luật Thương mại) cho biết: “Mình từ miền Trung vào trường nhận bằng. Lúc trước, mình chưa mua giáo trình của trường biên soạn nên không được nhận. Bây giờ nhận mấy cuốn sách đó về cũng chẳng để làm gì nhưng mình đành phải mua. Đường sá xa xôi, mỗi lần đi là một lần khó. Không nhận được bằng tốt nghiệp, về nhà làm sao mình biết ăn nói với gia đình.”
Biên lai phải giữ 2 năm!
Điều đáng nói, nhiều sinh viên đã đóng tiền và mua giáo trình rồi nhưng không còn giữ biên lai cũng không được nhà trường cho nhận bằng. Bạn K. L. (Khoa Luật Hình sự) ấm ức: “Sinh viên đóng tiền mua giáo trình hay chưa nhà trường cũng không nắm được. Mình đã mua giáo trình của trường rồi nhưng không còn giữ biên lai nên cũng không được nhận bằng tốt nghiệp. Hai năm chứ phải 2 tháng đâu mà trường còn yêu cầu phải xuất trình biên lai mua sách khi nhận bằng. Những bạn chưa mua giáo trình, giờ phải mua đã thấy bức xúc. Còn như tụi mình, một cuốn sách phải đóng tiền mua 2 lần”.
Không chỉ sinh viên chưa mua giáo trình không được nhận bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên ở ký túc xá còn thiếu nợ ít tiền điện, nước cũng bị nhà trường “giam” bằng.
BẢN QUYỀN CỦA TRƯỜNG NÊN PHẢI BÁN
Đem vấn đề trên trao đổi với ông Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP. HCM, ông cho biết: “Chúng tôi phải bán giáo trình vì đó là bản quyền của trường. Vả lại, trường làm như thế để xứng đáng với công sức biên soạn của thầy cô. Hơn nữa, trong thời buổi hiện nay, cả thế giới đang đề cao việc tôn trọng bản quyền, không có lý do gì ở một nơi đào tạo chuyên về luật pháp như trường ĐH Luật TP. HCM lại vi phạm bản quyền”.
Về chuyện sinh viên bị “giam” bằng tốt nghiệp vì không mua giáo trình, ông Hải khẳng định: “Cách đây 2 năm, nhà trường đã thông báo quy định này cho sinh viên. Các bạn không thực hiện hết nghĩa vụ của mình thì bị giam bằng”. Lý giải về việc sinh viên đã đóng tiền rồi nhưng bị mất biên lai cũng không được nhận bằng tốt nghiệp, ông Hải cho rằng: “Việc đó thể hiện sinh viên quá cẩu thả trong sinh hoạt. Những sinh viên này cần có đơn, thư giải trình với nhà trường. Từ đó, chúng tôi sẽ giúp đỡ sinh viên tìm lại biên lai lưu để có cơ sở phát bằng tốt nghiệp cho các bạn”.
Điều đáng nói, đến khóa 32, trường đã bỏ quy định bắt buộc sinh viên mua giáo trình do trường biên soạn. Không ít sinh viên khóa 2006 – 2010 bức xúc trước cách làm việc “tiền hậu bất nhất” của nhà trường