"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 3. November 2010

Vì sao ĐB Quốc hội nói mạnh hơn tại kỳ họp này?

 
“Đại biểu phát biểu mạnh vì dân bức xúc nhiều”, đó là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Dũng sau hai ngày thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế – xã hội.


Ông đánh giá thế nào về ý kiến phát biểu của các ĐBQH tại kỳ họp này?

Đại biểu có trách nhiệm hơn với dân nên những bức xúc của dân đều được phản ánh tại QH. Chỉ có điều mức độ mỗi người một khác, có người nói mạnh, có người vừa phải.

Tôi nghĩ không nên nói quá mạnh mà nên nói đúng mức, vì nói quá sẽ khiến người nghe khó tiếp thu, có những đại biểu đã nói hơi quá mức.

Nhiều đại biểu vẫn nói dàn trải, không tập trung, trúng đích, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng vì đây là nhiệm kỳ cuối nên các ĐBQH quyết liệt hơn?

GS Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: TD) 

Tôi cho rằng không phải vì “tôi sắp thôi rồi nói cho thoải mái”, ĐBQH lúc nào cũng phát biểu như nhau chứ không phải là vì nhiệm kỳ cuối.

ĐBQH là người có trình độ, có tư cách, không phải là nói lấy được. Các vị nói mạnh mẽ hơn vì đây là không khí chung của cả xã hội.

Thái độ của Đảng là mở rộng dân chủ, góp ý cho dự thảo. Do vậy, Đảng khuyến khích, dân nói nhiều, nhất là thời kỳ vừa rồi góp ý cho Đại hội Đảng, Đảng rất coi trọng lắng nghe và tập hợp ý kiến của dân.
Mặt khác, ĐBQH ngày càng có trách nhiệm cao hơn với dân. Đại biểu có trách nhiệm nên mạnh bạo hơn. Ngoài tiếp xúc với cử tri, các Đại biểu còn qua phương tiện truyền thông để lấy thông tin, xem dân bức xúc gì nhất, từ đó đưa ra thảo luận tại QH.

Kỳ họp này, đại biểu phát biểu quyết liệt vì dân bức xúc nhiều. Trong đó, những vấn đề người dân quan tâm nhất cũng là những vấn đề ĐBQH nói nhiều nhất như: vụ Vinashin, an toàn Bauxite, vấn đề tham nhũng, cải cách hành chính, và phát triển nông nghiệp.

Trong câu hỏi chất vấn của các ĐBQH, ông ấn tượng với câu nào nhất?

Mỗi người có một ấn tượng riêng và không phải ai nói mạnh là mình ấn tượng đâu, có những người nói không mạnh nhưng sâu sắc thì mình cũng ấn tượng.

Với vấn đề bô xít, tôi thích phần chất vấn của ĐB Dương Trung Quốc vì nói đúng, thẳng thắn.

Về vấn đề Vinashin, anh Thuyết (ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn) nói thẳng thắn nhưng hơi nặng nề.

Vừa rồi, trong phiên làm việc sáng 1/11, Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết có đề nghị cần bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, theo quan điểm của ông có nên bỏ phiếu tín nhiệm không?

Điều này không xảy ra được nếu chúng ta không sửa Luật. Theo thì phải có 20% số đại biểu ký tên đề nghị thì mới bỏ phiếu tín nhiệm. Điều này là rất khó.

Tôi cho rằng, việc có lập Ủy ban lâm thời điều tra làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm ở Vinashin hay không tùy thuộc vào sự cân nhắc của Thường vụ QH và QH. Mình không đủ tầm nên không có ý kiến là nên hay không nên.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm nếu có sự đồng thuận cao

Tôi cho rằng trong Luật đã quy định ĐBQH có thể đặt vấn đề như anh Thuyết. Tuy nó chưa diễn ra nhưng nếu có sự đồng thuận cao thì vẫn cứ phải tiến hành.

Cá nhân tôi muốn nhìn trong cơ chế vì đây là một lỗi hệ thống. Một trong những cơ quan phải chịu trách nhiệm chính là QH vì có những liên quan đến cơ chế vận hành của Bộ máy và thông qua Luật của QH ban hành.

Vấn đề đặt ra là giám sát QH khá mạnh nhưng tại sao hiệu năng lại thấp? Tức là QH không đi đến cùng.
Nói cho cùng, Đảng là người lãnh đạo toàn diện. Thủ tướng hay Chủ tịch QH đều là lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, đây là cơ chế và cơ chế ấy thiếu hiệu lực trong vấn đề điều hành. Tất nhiên có cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng cần phân tích rõ ra, chứ không nên đặt vấn đề chọn một người hay một vài người.
Việc chọn lựa này phải dựa trên sự đánh giá cụ thể, chuẩn xác. Tuy nhiên, thời gian qua có thể thấy, cơ quan có thể đánh giá là thanh tra thì lại bộc lộ quá nhiều hạn chế, yếu kém.