"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 6. Januar 2011

Ðảng CSVN có phải là đảng của công nhân và nông dân? – Không!


Song Chi - Báo chí trong và ngoài nước đưa tin vào ngày 23 tháng 12 vừa qua, nhiều ngàn công nhân tại nhà máy giày Tae Kwang Vina, khu công nghiệp Biên Hòa 2, tham gia đình công đòi tăng lương, cải thiện bữa ăn trưa. Về số lượng người đình công, có báo đưa ra con số trên 10,000, có báo nói tới 20,000 người. Trong cùng ngày tại khu công nghiệp Amata, hơn 4000 công nhân công ty Namyang chuyên sản xuất sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng đình công.

Dân Long An kéo về Sài Gòn căng lều trú mưa nắng khiếu kiện đất đai đền bù giải tỏa bất công hồi tháng 7, 2007. Họ căng tấm băng rôn có lời kêu cứu: “Thủ tướng ơi, cứu dân.” Nhưng cái ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của họ đã cho Thanh Tra Chính Phủ ra thông tư cấm khiếu kiện tập thể. (Hình: Nguyễn Tiến Trung Blog)


Những năm gần đây, đã diễn ra hàng loạt vụ đình công của giới công nhân Việt Nam. Riêng năm 2010, đã xảy ra một số vụ có quy mô lớn như vụ đình công kéo dài nhiều ngày của 10,000 công nhân nhà máy giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) vào cuối tháng 1, 2010 (theo BBC ngày 2 tháng 2, 2010); cuộc đình công của 10,000 công nhân công ty Hưng Nghiệp cổ phần TNHH Pouchen VN (TP Biên Hòa, Ðồng Nai) kể từ ngày 2 tháng 4, 2010 (theo Báo Tuổi trẻ ngày 2 tháng 4, 2010); của hơn 7,000 công nhân thuộc công ty cổ phần giầy Duy Hưng (KCN Sóng Thần 1, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ngày 17 tháng 12, 2010 (theo VNExpress ngày 17 tháng 12, 2010) v.v… Nguyên nhân hầu hết là vì lương thấp, điều kiện làm việc, đãi ngộ quá kém. Theo BBC ngày 24 tháng 12, 2010:

“Thống kê cho thấy lương trả công nhân Việt Nam tại các dự án FDI đứng gần cuối bảng tại Á Châu. Với lương trung bình 49 USD/tháng, lương của lao động Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Campuchia một chút, là 47.36 USD, theo Phòng Thương Mại Âu Châu tại Việt Nam.

Trong khi công nhân tại Indonesia được trả 82 USD/tháng, Trung Quốc 117 USD/tháng, Thái Lan 156 USD/tháng, Philippines 167 USD/tháng, Malaysia 336 USD/tháng, Ðài Loan 540 USD/tháng, Hàn Quốc 830 USD/tháng, Singapore 1,146 USD/tháng và Nhật 1,810 USD/tháng.”

Lương thấp trong khi lạm phát gia tăng, đồng tiền Việt Nam bị mất giá… khiến cho đời sống của người công nhân vô cùng khó khăn. Ðọc những phóng sự điều tra về đời sống của giai cấp công nhân trên các báo Tuổi Trẻ, Lao Ðộng, Sài Gòn Tiếp Thị… người đọc nhiều lúc rớt nước mắt. Bên cạnh nỗi lo ngay ngáy vật giá ngày càng tăng là nỗi sợ mất việc, khi đau yếu hoặc lúc có tai nạn lao động xảy ra thì mọi thiệt thòi đều đổ lên đầu người công nhân bởi mọi chính sách bảo hiểm, trợ cấp, đền bù… trong hợp đồng lao động giữa công ty/chủ lao động và người lao động ở Việt Nam đều không thỏa đáng. Hợp đồng thì nhiều lỗ hổng, khi có chuyện xảy ra phía công ty/chủ lao động thường tìm mọi cách để phủi tay, hoặc giải quyết cho qua chuyện.

Hiện nay có gần 8 triệu công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp quốc doanh và xí nghiệp tư nhân, trong đó phần chính là các nhà máy liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài-như Ðài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Singapore… Trong số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc đình công diễn ra mỗi năm trong thời gian gần đây, chiếm hơn phân nửa là những cuộc đình công từ các công ty có vốn của nước ngoài.

Ðứng trước những cuộc đình công phản ánh sự thiệt thòi, bất công trong đời sống lao động của người công nhân và những đòi hỏi chính đáng của họ, thái độ của nhà nước Việt Nam ra sao? Tại các xí nghiệp đều có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng ngay chính báo chí trong nước cũng phải nhìn nhận, hoạt động của các công đoàn rất mờ nhạt, thậm chí không dám lên tiếng bảo vệ công nhân và nhiều nơi còn đứng về phía các ông chủ người nước ngoài để được hưởng lợi!

Về phía chính quyền, nhà nước Việt Nam rõ ràng không muốn làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư của nước ngoài vì vậy, họ cũng không đứng về phía người lao động. Trong hầu hết những cuộc đình công, cuối cùng giữa người chủ lao động và người lao động tự thỏa thuận, thu xếp với nhau.

Thậm chí, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã đặt bút ký nghị định 12, 2008 về việc hoãn hoặc ngừng những cuộc đình công bị coi là “bất hợp pháp” tức là đình công bộc phát. Theo nghị định này, khi tham gia các cuộc đình công bị tòa phán quyết là bất hợp pháp, người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ nhân thiệt hại về tài chính do đình công gây ra, chi phí để ngăn chận đình công và khắc phục thiệt hại. Và nhiều điều khoản khắt khe khác nhằm làm khó người lao động, khiến họ phải e dè trước khi quyết định đình công.

Vì quyền lợi của các tập đoàn tư sản mại bản nước ngoài và bọn quan tham trong các cơ quan của Ðảng, Chính phủ từ trung ương tới địa phương, nhà nước Việt Nam đã phản bội lại giai cấp công nhân “là lực lượng lao động đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Hằng năm GCCN đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm xã hội và bảo đảm hơn 60% ngân sách nhà nước.” (theo bài “Giai cấp công nhân VN trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước” đăng trên báo Mới ngày 13 tháng 7, 2009). Ðây cũng chính là một trong hai lực lượng nòng cốt của Ðảng Cộng Sản VN như họ vẫn thường tuyên truyền từ trước đến nay.

Nông dân: Chuyện dài về khiếu kiện đất đai

Lực lượng nòng cốt thứ hai đóng vai trò quyết định, hỗ trợ cho Ðảng Cộng Sản VN từ những ngày đầu cướp chính quyền trong tay chính phủ Trần Trọng Kim cho đến suốt những năm kháng chiến chống Pháp rồi hai mươi năm chiến tranh với miền Nam Việt Nam dưới chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” là tầng lớp nông dân. Chính họ đã đã che chở, cưu mang những người cộng sản, đóng góp tài sản và máu xương của mình, cùng đồng hành với Ðảng trong suốt những năm dài gian khổ nhất. Thế nhưng, 35 năm qua kể từ khi đất nước hoàn toàn thu về một mối dưới sự lãnh đạo độc quyền của Ðảng Cộng Sản, những người nông dân đã sống như thế nào?

Nếu như bức tranh toàn cảnh về giai cấp công nhân ở VN là tình trạng bị bóc lột tàn tệ và một đời sống vô cùng vất vả, thiếu thốn mọi bề thì giai cấp nông dân cũng đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi, bất công. Và nếu như người công nhân VN trong nhiều năm qua đã phải liên tục đình công để đòi tăng lương, cải thiện đời sống thì người nông dân cũng thường xuyên phải đi khiếu kiện về những vụ cưỡng chiếm đất đai, đền bù giải tỏa chưa thỏa đáng. Hình ảnh hàng đoàn người từ các tỉnh thành, nông thôn kéo về các thành phố lớn, biểu tình hoặc ăn dầm nằm dề trước cửa các văn phòng tiếp dân, văn phòng quốc hội… đã trở thành quen thuộc với nhiều người dân thành phố. Chỉ cần vào google gõ cụm từ “dân oan khiếu kiện đất đai” chẳng hạn, sẽ cho ra hàng ngàn kết quả. Và cũng chỉ dưới chế độ này hai chữ “dân oan” mới xuất hiện nhiều đến thế.

Hiện nay hàng năm có đến hàng trăm ngàn hồ sơ liên quan đến khiếu kiện đất đai được gửi tới các văn phòng địa phương và trung ương, tiếp tục được “xếp kho” bên cạnh hàng đống hồ sơ đã có từ trước đó. Báo chí trong nước cũng đã phải gọi đây là “chuyện dài nhiều tập,” và không thể nào giải quyết nếu luật về sở hữu đất đai không thay đổi! Ðối phó với tất cả những vụ khiếu kiện đất đai này, thái độ của nhà nước Việt Nam là đánh bài “lờ,” người dân cứ việc đi kiện hết năm này qua năm khác, từ địa phương lên đến trung ương rồi lại quay trở về địa phương, chẳng ăn thua gì. Ðể ngăn ngừa các vụ khiếu kiện tập thể, cũng lại ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thông qua Nghị định số 136/2006/NÐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP ngày 26 tháng 8, 2010 của Thanh Tra Chính Phủ về việc cấm khiếu kiện tập thể! Việc này đã bị Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ gửi đơn khiếu nại vì trái với Hiến Pháp và pháp luật!

Nguồn : Người Việt