“Facts do not cease to exist because they are ignored” (Những dữ kiện không ngưng tồn tại chỉ vì chúng bị bỏ quên) (Aldous Huxley)
Vũ Ánh/Việt Herald
(I)
Tôi trích lại câu nói trên của Aldous Huxley (1894-1963) được ghi trên trang đầu trong cuốn sách mới được ấn hành nhan đề “The Boat People-Personal Stories from The Vietnamsese Exodus 1975-1996”. Huxley là nhà văn Anh và là một trong những thành viên nổi tiếng nhất trong một dòng họ rất nổi tiếng ở Anh, đó là gia đình Huxley. Ông đã trải qua phần còn lại của đời mình tại Hoa Kỳ, sinh sống tại Los Angeles từ năm 1937 cho đến lúc chết vào năm 1963.
Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là cuốn “Brave New World” (Thế Giới Mới đầy Quả Cảm) và một số lượng khổng lồ những bài lai cảo được phổ biến rất rộng rãi trên báo chí Tây phương. Huxley còn sửa chữa bài vở cho tờ tuần báo thơ văn Oxford Poetry và là một cây bút có ảnh hưởng mạnh nhất ở Anh quốc nhờ vào việc vinh danh những con người can đảm “bỏ những vùng đất nào mình không sống được hay bị kỳ thị để tìm ra những vùng đất mới bất chấp những thách thức”. Trong suốt cuộc đời hoạt động, Huxley do di chuyển nhiều nên ông rất chú ý đến những người nhập cư và do chủ trương nhân bản nên ông cho rằng những chuyển đổi của con người từ một vùng bất ổn sang một vùng đất mới, thông thường con người phải trả cái giá có khi bằng máu, có khi bằng cả nhân phẩm của mình. Và ông tin rằng dù thời gian có lâu bao nhiêu chăng nữa thì những thảm kịch trong những biến động là điều không ai có thể quên được. Nó chính là lịch sử.
Câu nói trên của Aldous Huxley có nghĩa là: “Những dữ kiện không thể ngưng tồn tại chỉ vì chúng bị bỏ quên” là một câu nói rất thích hợp khi trích dẫn vào trang đầu của cuốn “The Boat People”, một cuốn sách gồm những câu chuyện cá nhân của các thuyền nhân và nhiều hình ảnh minh họa cho thảm kịch nổi tiếng nhất trong lịch sử của thế kỷ 20 tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Đây là một tập truyện của nhiều tác giả, viết bằng Anh ngữ, nội dung kể lại những gì đã xảy ra khi phải tìm cái sống trong nỗi chết của những cuộc vượt biển kinh hoàng của hàng trăm ngàn người đến các đảo tị nạn ở Đông Nam Á và Hong Kong, có nhiều trường hợp lênh đênh tới cả Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan. Thật ra đề tài thuyền nhân là một đề tài bất tận và luôn luôn trong những câu chuyện kể của mỗi nhân chứng từng trải qua thảm kịch này, người đọc vẫn nghe rõ những thổn thức của trái tim, cho dù ngày nay, những thuyền nhân này đã tạm gác - chứ không phải bỏ lại đằng sau - những đau thương nhục nhã để giữ tinh thần chịu đựng hầu mưu sinh trên xứ người. Và cứ thế tháng này qua năm kia, mỗi lần có dịp tưởng nhớ lại quá khứ vết thương lại tấy lên. Trên mỗi thuyền nhân, vết thương ấy là thực tế, là trải nghiệm và là dữ kiện còn hiện diện mãi trong lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng.
Người chịu trách nhiệm cho dự án này và biên tập bài vở của các tác giả viết cho “The Boat People” là cô Carina Oanh Hoàng, một thuyền nhân vào thời gian mà nhà cầm quyền Hà Nội đang tống xuất tất cả người Việt gốc Hoa về Trung Quốc. Nhưng dường như giữa tác giả Carina Oanh Hoàng và những độc giả vốn cũng là thuyền nhân đang có vấn đề, chỉ bởi hiện nay cô đã thay đổi quan điểm đối với Việt Nam.
Trên hệ thống Internet, tôi nhận được khá nhiều e-mail chỉ trích cô Carina Oanh Hoàng với những lời lẽ nặng nề. Tôi cho rằng đây là một điều không nên, bởi vì "The Boat People" là một tập truyện của những thuyền nhân kể chuyện lại con người và hành động của họ giữa thảm kịch. Về phần nội dung, chúng ta phải tôn trọng những tác giả vốn là những người đã phải trả cái giá rất nặng nề để đánh đổi bằng cái chết của mình để lấy một đời sống tự do. Cô Carina Oanh Hoàng chỉ là người biên tập. Cô không in tác phẩm tại Việt Nam, cũng không ở Mỹ mà là in ở Trung Quốc, tôi nghĩ có thể do giá cả thấp hơn. Nếu in ở Việt Nam, dù cô có thế lực được nhà nước cho phép, thì cái lưỡi kéo kiểm duyệt sẽ làm cho tác phẩm trở thành dị dạng.
Tuy nhiên, in với giá thấp nhưng khi bán ra ở Nam California lại với giá cao, khoảng $46 một cuốn chưa kể thuế. Cuốn hồi ký “Argument Without End” của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert McNamara với trên 600 trang, nhiều tài liệu hiếm về chiến tranh Việt Nam in tại New York mà chỉ đề giá lúc đầu $25 sau nhà sách hạ xuống còn $15, cuốn “Perfect Spy” của Larry Berman dầy trên 400 trang viết rất công phu về một nhân vật tình báo của Cộng Sản Việt Nam, in tại Mỹ cũng chỉ đề giá $25. Cuốn “Việt Nam’s Forgotten Army” của Andrew Wiest trên 350 trang viết công phu và có nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam cũng chỉ bán với giá $25 nay nhà sách cũng đã giảm xuống.
Dĩ nhiên, ở Mỹ hay ở Úc, ai cũng có thể nói câu này: “Tôi đề giá như thế, ai thỏa thuận giá đó thì mua”. Bởi vì khi đã in sách ra là phải tính đến chuyện thương mại, phải kiếm được tiền đủ để trang trải cho chi phí in ấn, còn cần chút lời để bù lại công sức bỏ ra và tái đầu tư. Tuy nhiên, một mức lời gây ra sự than phiền có thể khiến người ta có đánh dấu hỏi về việc kinh doanh những tác phẩm hình thành do sự đóng góp bài vở của nhiều người. Tôi không rõ nhuận bút mà Carina Oanh Hoàng trả cho những tác giả trong tác phẩm bao nhiêu, hoặc mức chênh lệch giữa giá thành và giá bán ra một cuốn. Nhưng tôi tin rằng mức lời của một của một cuốn "The Boat People" không phải là cái giá hợp lý thường dành cho một tác phẩm vinh danh một điều gì đó cao quí.
Sẽ không có ai đặt vấn đề giá cả nếu như trong lời giới thiệu, tác giả Carina Oanh Hoàng không viết những giòng chữ này:
“So I felt there was a need to preserve memories and stories of Vietnamsese boat people to pay tribute not only to the hundred of thousands who perished but also to those who survived and have struggled to put their pain and sorrows behind them. I had in mind also their children who someday may wish to know while they were not living in their parent’s land”. (Chúng tôi xin tạm dịch như sau: Cho nên tôi cảm thấy có một nhu cầu phải bảo tồn những ký ức và những câu chuyện của thuyền nhân Việt Nam để tỏ lòng kính trọng đối với những người đã bỏ mình mà còn đối với ai đã thoát hiểm và đang phấn đấu để bỏ lại đằng sau nỗi đau, buồn của họ. Tôi cũng nghĩ rằng những người con của họ một ngày nào đó có thể muốn biết tại sao họ lại không sống ở trên đất nước của cha mẹ mình).
Tôi không nghĩ rằng tác giả Carina Oanh Hoàng là người duy nhất cảm thấy cái nhu cầu nói trên. Trước cô đã có nhiều người khác cũng làm công việc của mà nếu tôi nói tên tuổi ra có thể gây ra những ngộ nhận, điều mà tôi biết họ không muốn. Nhưng có một tổ chức bất vụ lợi đã làm công việc này từ trước nhiều tác tác giả và họ làm với một tấm lòng tự nguyện. Nhiều tài liệu, nhiều ảnh được để trong một hồ sơ được gọi là Văn Khố Thuyền Nhân mà người quản trị là ông Trần Đông. Công việc của ông Trần Đông và nhóm của ông hoàn toàn khác với công việc kinh doanh văn hóa của Carina Oanh Hoàng.
Có một điều khá oái oăm trong hoàn cảnh của cả hai người đều muốn bảo tồn những hình ảnh và những câu chuyện về thuyền nhân dù với những mục tiêu khác nhau để lưu giữ cho ngàn sau cái bản cáo trạng đầy máu, nước mắt và nỗi nhục về nguyên nhân khiến cho hàng trăm ngàn người phải kéo nhau ra biển Đông để tìm một phương trời tự do mà cho đến lúc bước lên được chiếc thuyền lớn, cũng không thể biết rằng mình có thể đến được bến bờ hay làm mồi cho kình ngư hoặc cướp biển. Nguyên động lực ghê gớm nhất khiến gần 3 triệu người Việt Nam liều chết trốn khỏi nước để hy vọng nhận một nước khác làm tổ quốc thứ hai của mình chỉ vì chế độ hà khắc, tàn bạo, chà đạp con người và kỳ thị của chính quyền cũng như đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải họ bỏ nước vì không chịu đựng được sự tàn phá vì chiến tranh (war-torn). Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này sau.
Trần Đông khởi sự thành lập Văn Khố Thuyền Nhân trong sự khốn khó và với một tấm lòng còn giữ được của người tị nạn Cộng Sản. Còn Carina Oanh Hoàng khởi sự cái dự án này nhân một chuyến bay từ Mỹ trở lại Việt Nam để làm ăn buôn bán kinh doanh vào năm 1996, một thời gian rất ngắn ngay sau khi Tổng Thống Bill Clinton nới lỏng cấm vận và thiết lập bang giao với Việt Nam Cộng Sản. Carina Oanh Hoàng không phải là người di tản, mà là thuyền nhân. Lúc đó, Carina Oanh Hoàng mới mười mấy tuổi nên vượt biển theo gia đình vào năm 1979 trên một chiếc tầu chứa được tới 373 người (theo lời Carina), dài 25 mét, rộng 5 mét.
Năm 1979, chuyện vượt biển “bán chính thức” là chuyện mà ai cũng biết. Nguyên nhân của những vụ ra đi hàng loạt và ra đi an toàn nhất trên biển là việc ra lệnh trục xuất những người Việt gốc Hoa về Trung Quốc. Phải về Trung Quốc đã là chuyện đáng sợ rồi mà ra đi phải bỏ lại tài sản khiến cho những người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn đâm ra tuyệt vọng. Nhưng vì bị đe dọa tính mạng nên họ cũng đành phải kéo nhau ra ga Hàng Cỏ ở Hà Nội để chuyển tầu về Trung Quốc. Phía trong Nam, chính quyền Cộng Sản ở Saigon biết cách tống tiền người Việt gốc Hoa tinh quái hơn bằng cách chỉ định những chủ tầu có máu mặt ở Chợ Lớn mua sắm những tầu thật chắc chắn rồi cho phép “đăng ký” vượt biển. Thành ủy Saigon dùng những đầu nậu để bán vé, trẻ em mỗi người 8 cây vàng và người lớn 12 cây (lượng). Những đại gia người Việt gốc Hoa phải “mua vé” đắt hơn và giá vé thay đổi mỗi ngày. Thời điểm đó là cơn sóng đầu của làn sóng tị nạn và lòng trắc ẩn của thế giới chưa bị mệt mỏi nên, những người vượt biển vào năm 1979-1980 cũng dễ nhập cư một nước thứ ba hơn. Có nhiều câu chuyện ly kỳ về vượt biển "bán chính thức" này mà 12 năm sau 30 tháng 4, 1975 khi tôi bị đưa lại về trại Phan Đăng Lưu để chuẩn bị ra tòa đã được nghe những "tay tổ" trong những tổ chức "vượt biển bán chính thức" kể lại. (V.A)
(Còn tiếp)