"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 2. März 2011

Nguyễn Minh Triết/Nguyễn Tấn Dũng có bằng cấp gì?

Ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Tấn Dũng, ngoài thành tích hoạt động cộng sản từ lúc thiếu thời, còn có thêm thành tích về văn hóa, cả hai ông đều là ông Cử.

Nếu đó là sự thật thì sẽ là điều đáng mừng cho đất nước, vì hai ông Cử đã mở ra cho Việt Nam một kỷ nguyên mới. Đứng đầu Chính phủ và Nhà nước là hai vị có học, bởi vì cả hai đều có bằng cấp Cử nhân!

Hiện tượng này nói lên một ý muốn đoạn tuyệt với quá khứ của hơn nửa thế kỷ chìm đắm trong bóng đêm cách mạng cộng sản quá khích, khi mà Mao Trạch Đôg nói “trí thức không bằng cục phân ”?

Ông Cử nhân toán Nguyễn Minh Triết, cựu Chủ tịch nước

Theo Vnnet, ngày 24/07/2007, ông Nguyễn Minh Triết tái đắc cử Chủ tịch nước để ông sẽ “tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội”.

Ông Triết năm nay 65 tuổi, sinh quán ở Bình Dương. Sau hiệp định Geneva, ông không tập kết ra Bắc, ở lại miền Nam, học và thi đậu cấp bằng Tú Tài (thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH). Bằng cấp này có giá trị thật sự bởi vì nó là của miền Nam và vào thời điểm đầu thập niên 60, tỷ lệ đậu ban Toán rất ngặt nghèo, khoảng 10% .

Theo tiểu sử, ông Triết là Cử nhân Toán học. Như vậy, tất yếu từ năm 1960, ông phải theo học Đại học Khoa học Sài Gòn chứng chỉ Toán Đại Cương (Math-Générale). Lúc bấy giờ miền Nam chỉ có một trường Khoa Học ở Sài Gòn mà thôi. Để có được bằng cấp Cử nhân Toán - Math-Générale, bắt buộc phải thi đậu các môn Toán Vi tích phân, Cơ học thuần lý và Vật lý đại cương.

Từ năm 1960 đến năm 1969, mỗi năm ở Đại học Khoa học Sài Gòn có không quá 15 sinh viên đậu chứng chỉ Toán Đại Cương (MG), nên những người học cử nhân Toán ở trường Đại học Khoa Học Sài Gòn hầu như đều biết nhau, mặc dù không phải là bạn bè chơi thân hay học cùng lớp. Ở Sài Gòn ngày nay còn lối 30 người có Cử nhân Toán, xuất thân từ Đại học Khoa Học Sài Gòn. Hỏi thăm những người này ngay khi nghe tin chính thức về việc ông Nguyễn Minh Triết có bằng Cử nhân Toán, nhưng không có ai biết ông Nguyễn Minh Triết có đậu MG hay không. Truy tìm theo các nguồn tài liệu thì ông Nguyễn Minh Triết không có tên trong danh sách sinh viên đậu Cử nhân Toán từ năm 1960-1975.

Hồ sơ sinh viên thi đậu Cử nhân Toán trong khoảng thời gian này vẫn còn nguyên ở trường Khoa Học. Cũng vì hiếu kỳ, một vài người từ hải ngoại về, vào ngay trường Đại Học nhờ tìm lại danh sách sinh viên thi đậu, xem có tên Nguyễn Minh Triết không. Rất tiếc người tìm không thấy tên ông Chủ tịch nước ở đâu hết cả.

Mà tìm hỏi ai về ông Triết trong hồ sơ cử nhân Toán chi cho xa xôi. Xin cứ hỏi Ông Phạm Chánh Trực, đàn anh cũ của Nguyễn Minh Triết, đang ở Sài Gòn, xem ông Trực có biết ông Nguyễn Minh Triết có thật sự có bằng Cử nhân Toán hay không?

Ông Phạm Chánh Trực, năm 1961 học chứng chỉ Dự bị toán Đại Cương và thi rớt, rồi bỏ học đi hoạt động cách mạng cộng sản luôn.

Tú tài Sài Gòn

Nhưng phải nói một cách khách quan, chỉ với bằng Tú Tài của Sài Gòn, người ta cũng phải giỏi hơn các đại đa số các ông “Phó bảng hữu nghị” ở Liên Xô hay Trung Quốc rất xa. Ông giáo sư tiến sĩ danh tiếng một thời tại Viện nguyên tử Đúp-na (Liên Xô) Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam đã có lần nói công khai: “Cứ dắt một con bò sang Nga, khi trở về ta có một phó tiến sĩ”. (Sau ngày từ “Phó” được nhà nước cộng sản gạch bỏ và tất cả các “Phó Bảng”/”Con bò” đều là tiến sĩ hết!).

Ông Nguyễn Minh Triết, theo nhiều người nghĩ, nếu thật sự có bằng Cử Nhân Toán của Đại Học Khoa Học Sài Gòn vào thập niên 60, khó có thể có được lời tuyên bố trước cộng đồng người việt ở Hoa Kỳ nhân chuyến viếng thăm của ông như sau: 

“Chế độ chánh trị các nước cũng khác nhau. Ở Mỹ có Tổng Thống, không có Thủ tướng. Ở Pháp có cả Tổng thống lẫn Thủ tướng. Qua Đức, Thủ tướng lại có vai trò khác. Qua Anh lại có Nữ Hoàng. Chính trị thế giới muôn màu, muôn vẻ, tại sao lại đòi Việt Nam phải theo một cái khuôn cố định nào đó. Đó là đòi hỏi hết sức vô lý. Mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Từ đặc điểm của mình, mình chọn mô hình nào cho thích hợp”.

Lời tuyên bố này nghe như lời của Hồ Chí Minh (… tôi đi gặp các cụ Mác, cụ Lê,…), Fidel Castro, Kim Jong Il, Đỗ Mười...

Một người có bằng Cử nhân Toán sao lại có thể yếu thiếu kém trong phân tích và trí trá, lập lờ đánh lận con đen đến thế. Ông ta chỉ có thể múa rìu qua mắt những người ít học hay bị mê muội vì bị nhồi nhét giả dối và bưng bít thông tin mà thôi. Những ai có chút tri thức đều biết rằng, những nước mà ông ta nêu ra như Hoa Kỳ, Pháp, Đức... và nói chung các nước khác trong cộng đồng các nước dân chủ có những mô hình nhà nước khác nhau về cấu trúc, nhưng có một cái chung cơ bản nhất mà ông Nguyễn Minh Triết cố ý lờ tịt đi là: bộ máy điều hành nhà nước của các quốc gia ấy là đại diện của công dân được lựa chọn qua bầu cử tự do. Trong khi đó tập đoàn cộng sản của Nguyễn Minh Triết tự cho mình độc quyền áp đặt cai trị lên toàn xã hội và mạo nhận trơ trẽn là đại diện của nhân dân Việt Nam!

Ông Cử nhân Luật Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ

Nếu học luật để rồi làm “nghề cai trị”, Nguyễn Tấn Dũng đã biết chọn đúng đường đi để tiến thân.

Nhưng nhìn lại tiểu sử của ông, thì năm 12 tuổi, ông đã bắt đầu hoạt động cách mạng cộng sản, năm 18 tuổi lập thành tích tuyên thệ vào đảng. Vậy không biết làm sao ông còn thì giờ đâu mà ông có thể đậu Tú Tài vào cuối 60?

Hãy nhìn lại quá trình hoạt động của ông: làm du kích địa phương, làm văn thư, y tá, cứu thương, liên lạc, …


Di tích lịch sử: học cụ và biển chỉ đường vào nơi Thủ tướng Dũng được đào tạo về “Luật học”

Ở Sài Gòn, nhiều người chỉ biết đến ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim Thủ tướng Chánh phủ, như là một y tá xoa bóp, tức là một hình thức cạo gió (đa số dân Cà Mau, Rạch Giá quen cạo gió) - một loại massage Việt Nam cổ truyền, na ná kiné của Tây y, nhưng không giống như kiné của Tây y vì trình độ văn hóa và nghiệp vụ y tá xoa bóp của ông Dũng thấp hơn y tá rất nhiều. Đến nay, nhiều người vẫn chưa tìm được người biết ông Dũng đi học và đậu bằng Tú Tài của miền Nam cũ ở đâu và lúc nào.

Từ năm 1981 đến năm 1994, ông liên tiếp theo học trường Đảng Cao Cấp Nguyễn ái Quốc. Ai cũng biết không cần có trình độ văn hóa tối thiểu như bằng Tú Tài để học một Đại Học ở niền Nam trước 1975, vẫn thừa sức học trường đảng Nguyễn ái Quốc. Và nhờ có học thật tình ở Trường Đảng Cao Cấp Nguyễn Ái Quốc nên ông Dũng mới có khả năng ban hành Chỉ thị “Tăng cường kiểm soát và quản lý báo chí, … và dứt khoát không chấp nhận báo chí tư nhân…” - CT-37/ 37/2006 – TTg. Người có bằng Cử nhân luật và không học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc không thể tuyên bố được một câu phản luật pháp như vậy!

Thực ra những tra vấn về học vấn và văn bằng của hai ông Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ chưa đến đầu đến đũa lắm. Đừng quên hai ông là những người cộng sản ở vị trí cao nhất. Cũng như bao nhiêu tiến sĩ giấy khác, những người cộng sản Việt Nam khi đã ngoi lên cao thường cố kiếm cho mình một cái danh vị khoa học – một dịch bệnh “sĩ” - nhằm xoá bỏ cái gốc quê mùa ít học, từ áo bà ba chuyển lên cổ cồn, caravat của giới cộng sản giàu có hiện nay. Cho nên rất có thể hai ông có bằng Cử nhân tại một trường Đại học trong nước hoặc nước nào đó thuộc phe XHCN theo hệ thống hàm thụ. Cũng có thể hai ông học và thi đậu trong Cục Rờ theo một thể lệ đặc cách nào đó. Cũng có thể hai ông được các trường đại học tặng không cho một cái... bằng?

Chính vì vậy, ở Sài Gòn có một câu chuyện lý thú. Khi ông Triết lên làm Chủ tịch nước, một giáo sư Ban Văn ở Đại Học Sải Gòn đã nảy ra sáng kiến độc đáo. Ông ấy đi tìm gặp một số đồng nghiệp của ông để hội ý lập hồ sơ cấp phát cho ông Triết văn bằng Tiến sĩ thứ thiệt, tức có hồ sơ lưu giữ hẳn hoi. Nhưng dự tính bất thành vì sự việc quá quan trọng và lố bịch.

Tại sao hai ông Triết và Dũng phải có Cử nhân?

Trong hệ thống cộng sản, hai ông được Bộ Chính trị chọn làm Chủ tịch và Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn sự chọn lựa đã không phải căn cứ vào trình độ văn hóa, lại càng không cứu xét đến bằng cấp.

Từ Hồ chí Minh, Lê Duẩn, Đỗ Mười, Lê đức Anh, Võ văn Kiệt,…. có ai có bằng cấp gì ngoài “sơ đẳng du kích văn bằng” rồi “chứng chỉ uỷ viên Bộ Chính trị”?

Ngày nay, phải chăng hai ông Triết và Dũng muốn đoạn tuyệt với quá khứ it học của các vị tiền nhiệm, nên hai ông cho phổ biến tiểu sử của hai ông với văn bằng Cử nhân trong thời kỳ tin học hiện đại?

Nếu thật tình hai ông có văn bằng Cử nhân, thì đó là một điều mới, ngoại lệ và đáng quý trọng. Dấn thân hoạt động cộng sản ngày từ tuổi thiếu niên mà còn học đậu Cử nhân, hai ông đáng nêu tấm gương hiếu học và tấm gương phấn đấu cầu tiến cho cả nước.

Việt Nam, như hai ông biết, có truyền thống hiếu học. Thanh thiếu niên vào lúc ấy ở tuổi các ông hay trẻ hơn, vừa thoát ra khỏi nhà trường xã hội chủ nghĩa là “nơi thầy không muốn dạy, trò không muốn học”, ra nước ngoài với vốn liếng ngoại ngữ không quá mấy chữ “i, tờ”, chỉ trong thời gian ngắn, đã đỗ đạt và sau đó trở thành những nhân tài xuất sắc của quốc gia định cư. Trong số ấy, ngày nay không ít những nhà bác học tầm cỡ quốc tế. Theo con số chính thức và do chính các ông xác nhận, trong cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay có khoảng 300 ngàn người có trình độ đại học và trên đại học.

Chính sự hiểu biết do cái học thiệt, nâng cao giá trị con người và là yếu tố quyết định sự phát triển đất nước. Người thông minh mà thiếu học lại hấp thụ tư tưởng cộng sản dễ trở thành kẻ láu cá, khôn vặt. Người có tri thức mà bị lưu manh hoá thì khi cầm quyền sẽ là tai họa cho xứ sở. Hồ Chí Minh và các vị tiền nhiệm của hai ông là những trường hợp điển hình ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Ngày nay, với cương vị lảnh đạo đất nước, tuy hai ông không còn tuổi đi học nữa, hai ông vẫn có thể bắt đầu đi học lại, không cần xuất ngoại, học một bài học rất sơ đẳng, rất ngắn, dễ học và dễ thuộc. Đó là hai ông hãy vứt bỏ cái “xã hội chủ nghĩa” trong chương trình giáo dục, tức bỏ đi 75 tiết về chủ nghĩa xã hội ở các cấp. Hai ông học và làm được bài này là hai ông đậu được Đại Đăng Khoa. Văn bằng này là cao nhất về mặt trí tuệ, thức thời và biểu hiện dũng khí của người quân tử, dám thay đổi, dám làm. Hơn vạn lần văn bằng Cử Nhân Toán và Cử Nhân Luật của hai ông đang có.

Để thấy đề nghị của tôi không phải là chủ quan, hai ông thử tổ chức một cuộc trao đổi rộng rãi ý kiến về đề nghị này với tuổi trẻ ở Việt Nam, rồi sẽ quyết định. Hai ông làm việc này là làm cho tuổi trẻ Việt Nam. Khi quyết định vứt bỏ chủ nghĩa xã hội, chắc chắn hai ông không mất gì hết, trái lại, đất nước sẽ được lợi vô cùng vĩ đại. Thanh thiếu niên sẽ nhờ không còn cái chủ nghĩa xã hội mà học giỏi lên thật sự và xã hội nhờ đó dần dần sạch sẽ và con người trở thành lương thiện như trước đây .

Mời hai ông nhìn lại nước Việt Nam mà hai ông đang là đại diện cho tập đoàn cai trị. Theo báo cáo năm 2006 của Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam có 2% dân được học tập 13 năm hoặc nhiều hơn.

Nhìn bảng xếp hạng những quốc gia trong vùng, trong lãnh vực học tập, Việt Nam ngày nay, tức dưới quyền cai trị của hai ông, đứng vào hạng chót .

Thanh niên Việt Nam tuổi từ 20-24, chỉ có 10% học lên Đại học, trong khi đó:

- Trung Quốc, cùng phe xã hội chủ nghĩa với các ông, có 15%.
- Thái Lan, nhờ không có xã hội chủ nghĩa, có 41%.
- Nam Hàn, vì chống xã hội chủ nghĩa nên có 89% .

Trong năm 2006, Việt Nam có tiếng là năm có tỷ lệ thi đậu Tú Tài cao nhất thế giới: học sinh thi đậu trên 90% (bằng tỷ lệ nhân dân đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử). Nhưng một điều lạ là có đến hơn nửa triệu thí sinh rớt thi tuyển vào Đại học. Trong tổng số thí sinh thi tuyển Đại học, Cao đẳng, có đến 75% có điểm thi dưới trung bình rất xa.

Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, phải thấy việc cải tổ giáo dục ở Việt Nam ngày nay là một ưu tiên trong các ưu tiên của hai ông, để phát triển đất nước .

Hai ông hãy kiểm tra lại trình độ học vấn mà hai ông có cơ hội biết ở trung học tại miền Nam trước đây và so sánh với cái trung học xã hội chủ nghĩa từ sau 1975, để hai ông thấy phải dứt khoát vứt bỏ ngay cái chủ nghĩa xã hội và đưa giáo dục trở về với “khoa học và khai phóng”.

Hai ông làm được việc nhỏ nầy, chính hai ông là hai vị Đại Đăng Khoa của dân tộc. Nhân dân sẽ tặng cho hai ông tất cả bằng cấp danh dự cao quí nhất của Việt Nam, và rất có thể như các nhà dân chủ Vaslav Havel (CH Czech) Lech Walesa (Ba Lan), các ông sẽ được tặng nhiều bằng tiến sĩ danh dự của các trường đại học danh tiếng khác