"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 3. März 2011

Lực lượng nào tạo sự sụp đổ của triều đình?


Không phải là giai cấp công nhân, giai cấp này không có được một tổ chức lãnh đạo quy củ, bài bản. Hầu hết những cuộc đình công của họ là tự phát. Bằng vũ lực và mưu mô xảo quyệt chính quyền dễ dàng xé lẻ, hứa hẹn họ giải tán rồi giải quyết sau. Sau đó âm thầm bắt riêng lẻ những người hăng hái nhất và quy cho họ là cầm đầu, kích động những người còn lại nghe theo. Chiêu này rất hiệu quả thường áp dụng với  dân oan, nông dân khiếu kiện.

Cũng không phải các đảng phái, vì các đảng phải chưa có đủ cơ sở nhân lực, khí tài để kịp triển khai hoạt động của mình cho quần chúng hưởng ứng. Đôi lúc, ngay từ các bước xây dựng nhân lực, khí tài hạ tầng đã bị phát hiện. Có lúc vì nhu cầu kinh tài cho hoạt đông, vài tổ chức phải trình bày để quyên góp bên hải ngoại. Thỉnh thoảng lại có vài người đấu đá, kể xấu nhau khiến thông tin lan truyền, ảnh hưởng đến những cơ sở ban đầu trong nước.

Cũng không phải đồng bào Công Giáo, nhiều giám mục Việt Nam giờ đang có chiều hướng hiệp thông với Cộng Sản. Những giám mục, linh mục kiên định, can trường đã bị buộc từ nhiệm, thuyên chuyển, về hưu. Đại bộ phận đồng bào Công Giáo ở miền Bắc có tinh thần yêu công lý- sự thật, thế nhưng tinh thần ấy của họ đang dần bị một số giám mục bị áp lực của Cộng Sản hướng sang lối đi khác với ngôn từ mỹ miều là đồng hành với dân tộc (thực chất là nhượng bộ trước sức ép của Đảng). Thậm chí có vài giám mục hiệp thông với CS còn quay sang chỉ trích những người anh em của mình ở Dòng Chúa Cứu Thế là thích gây sự với chính qutền, không chịu yên ổn thờ phụng Chúa. CS đang thành công trong mục tiêu chia rẽ Công Giáo. Nếu tình trạng hiện tại kéo dài, trong vòng 5 năm nữa thì khó mà có biến cố nào như Tòa Khâm Sứ hay Đồng Chiêm, bởi một số lãnh tụ Công Giáo Việt Nam ngày nay quan hệ mật thiết với chính quyền đến nỗi có thể ăn nhậu với phó thủ tướng, chủ tịch, bí thư tỉnh bất kỳ lúc nào.
Cũng không phải là các trí thức, tuy rằng phần đông các trí thức Việt Nam đều nhận thức xã hội đang băng hoại về đạo đức, hành chính quan liêu, độc đoán… bất công đầy rẫy. Thế nhưng nhiều trí thức lại nhút nhát bởi bản chất cố hữu, hơn nữa với bằng cấp, kiến thức và mớ quan hệ bùng nhùng với quan chức cộng sản, họ cũng tự tìm ít váng mỡ nào đó cho mình một cuộc sống mà họ an phận bằng lòng. Một số trí thức hiếm hoi cất tiếng nói phản biện, nhưng họ cũng chỉ dừng ở mức độ phản biện có tính góp ý. Cá biệt có một vài trí thức can đảm trực diện đòi hỏi cải cách, thay đổi triệt để như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và vài nhân sĩ, trí thức khác. Số nhân sĩ hiếm hoi này, cộng sản dễ dàng bắt bớ họ, bởi các tầng lớp khác không dám kiên quyết bảo vệ cho họ. Thậm chí một số kẻ trí thức hèn không dám làm, thấy ê chề trước sự dũng cảm của họ, đáng lẽ phải xấu hổ thì quay ngoắt người bĩu môi chê những người bị bắt là ngông cuồng ảo tưởng. Họ chê thế để dấu đi cái hèn của mình, một biện pháp tự bảo vệ là dẫm lên người khác để mình là đúng đắn. Đây là điểm đê tiện nhất mà một số trí thức thường hay dùng, âu cũng bởi tính khiếp nhược cường quyền lớn quá mà đành cắn nhau để giữ thế cho mình. Đó là hạn chế lớn nhất của trí thức khiến họ không thể làm lực lượng chính thay đổi xã hội.

Cũng không phải nông dân, nông dân bức xúc đi khiếu kiện. Chính quyền chỉ cần dằng dai kéo dài, dân hết tiền ăn, ở nhà còn bao công việc, sức đâu mà theo đuổi được những quả bóng mà bộ này chuyền cho ban kia, xuống ủy nọ, mỗi đường chuyền ít nhất cũng 3 tháng đến nơi, ngâm  bóng thêm 3 tháng. Khán giả xem còn không chịu nổi nữa nói chi là nông dân khăn gói, cơm đùm ăn trực nằm chờ ở cửa cơ quan hành chính. Mà nông dân tỉnh này có vấn đề về đất kéo nhau đi, tỉnh nào cũng có, thế nhưng chẳng bảo giờ các tỉnh kéo nhau đi một lượt. Vì bản tính người Việt là thường dòm nhau xem cơ hội thế nào. Việc đó làm mất đi sức mạnh tổng hợp để vấn đề này là của quốc gia, khiến cho vấn đề giải quyết khiếu kiện đất đai chỉ là chuyện lẻ từng địa phương.

Nhưng với một xã hội mà chứa quá nhiều sự bất công trước mắt trông thấy, hiển nhiên gắn với nó là sự bất ổn sẽ tới. Vậy lực lượng nào sẽ… làm sụp đổ triều đình ?
Xin thưa theo ý của cá nhân người viết bài này. Lực lượng đó chính là… các anh Công An Nhân Dân!

Có điều các anh ấy chẳng có mục đích cỏn con nào trong việc đem lại cho nhân dân sự công bằng, dân chủ, mang lại cho xã hội một chế độ hành chính sạch sẽ, hiệu quả. Mà các anh tạo ra tình trạng đột biến bởi do tính ngông cuồng, tự kiêu của một lực lượng đang giữ quyền to nhất thể chế.

Lịch sử đang lập lại một giai đoạn có một lần trong lịch sử, đó là Vua Lê, Chúa Trịnh.
Hãy hình dùng vua Lê bây giờ là TBT ĐCS, còn chúa Trịnh là đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ta dễ hình dung ngay các anh công an nhân dân là cánh tay của chúa Dũng. Tức đám kiêu binh, xin hãy xem đoạn sau của lịch sử:
———————————————————————————————–
Sau này, nhà Lê đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, thì quân ở ba phủ trên (tục gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh, nhất binh; và được vua chúa tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binh.[1]
Đề cập vấn đề này, sách Việt Nam sử lược có đoạn:
Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê Trung Hưng về sau, đất kinh kỳ chỉ dùng lính Thanh, lính Nghệ gọi là ưu binh để làm quân túc vệ. Những lính ấy thường hay cậy công làm nhiều điều trái phép.
Năm Giáp Dần (1674) đời Trịnh Tạc, lính tam phủ tức là lính Thanh, lính Nghệ đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ.
Năm Tân Dậu (1741) quân ưu binh lại phá nhà và chực giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh.
Những lúc quân ưu binh làm loạn như vậy, tuy nhà chúa có bắt những đứa thủ xướng làm tội nhưng chúng đã quen thói, về sau hễ hơi có điều gì bất bình, thì lại nổi lên làm loạn.[2]
Tuy nhiên kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, kể từ tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), tức lúc lính tam phủ tôn Trịnh Khải lên ngôi chúa và kết thúc vào khoảng tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), là lúc Nguyễn Huệ dẫn quân ra bình Bắc Hà. Trong khoảng thời gian dài này, có hai lần lính tam phủ hoành hành rất dữ, vì cậy công. 

1. Cậy công tôn phò chúa 

Sách Việt Nam sử lược chép:
Năm Nhâm Dần (1782) Trịnh Sâm mất, Đặng Thị Huệ và Hoàng Đình Bảo (Quận Huy) lập Trịnh Cán lên làm chúa. Con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải mưu với quân tam phủ để tranh ngôi chúa. Bấy giờ có tên biện lại thuộc đội Tiệp bảo tên là Nguyễn Bằng[3], người Nghệ An, đứng lên làm đầu, vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu, quân ưu binh kéo đến vây phủ, vào giết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa.
Trịnh Khải phong quan tước cho Nguyễn Bằng và trọng thưởng cho quân tam phủ. Từ đó quân ấy một ngày một kiêu, cứ đi cướp phá các nhà, không ai kiềm chế được…[2]
Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, là người đương thời, kể:
(Sau khi tôn Trịnh Khải) quân lính cậy có công…đòi hỏi những mối lợi nơi điếm tuần, bến đò, đầm hồ, gò bãi, cửa ải, chợ búa… Dân chúng khổ sở vì sự quấy nhiễu hà khắc của chúng, mối hận thấm cốt cốt tủy. Từ đấy, lính với dân coi nhau như kẻ thù. Triều đình phải đặt ra đội Phong vân để tuần phòng trong kinh kỳ, dò xét quân lính, hễ ai còn có thói cũ, rủ nhau tập hợp phá nhà lấy của thì lập tức bắt giải về triều xét xử.[4] 

2. Cậy công tôn phò thái tử

Trước đây (1782), sau khi giết chết Quận Huy, quân tam phủ đã mở ngục rước ba con của Lê Duy Vĩ là Lê Duy Khiêm (sau này là vua Lê Chiêu Thống), Lê Duy Trù và Lê Duy Chi về cung.
Nghe tin Duy Khiêm được thả, Trịnh thái phi Nguyễn Thị (mẹ Trịnh Sâm) vốn ủng hộ Lê Duy Cận (chú ruột của Khiêm), sợ Duy Khiêm về sẽ tranh ngôi thái tử, nên sai hoạn quan là Liêm Tăng (không rõ họ) đến bắt ép Duy Khiêm sang chầu, để toan bí mật giết chết. Duy Khiêm từ chối không được, phải khóc mà đi. Dọc đường, quân tuần sát ngăn lại. Rõ chuyện, họ la hét ầm ĩ, yêu cầu tra cứu người lập mưu làm hại Duy Khiêm. Họ truy lùng tìm Liêm Tăng không được, ngờ là Duy Cận chủ mưu. Lúc ấy, Duy Cận đang chầu Trịnh thái phi, nghi trượng để ngoài cửa phủ đường, quân sĩ kéo đến đập phá tan nát. Duy Cận sợ quá, phải thay đổi quần áo lẻn về cung.
Chúa Trịnh Khải biết việc này là do bà nội mình gây ra, bèn dụ quân sĩ thôi làm huyên náo, rồi xin nhà vua Lê Hiển Tông lập Duy Khiêm làm hoàng thái tôn, và bắt Duy Cận làm tờ biểu nhường ngôi thái tử. Tháng Giêng năm 1783, Lê Duy Khiêm, lúc ấy 18 tuổi, với cương vị là cháu trưởng, được ông nội lập làm hoàng thái tôn, còn chú là Duy Cận bị truất làm Sùng Nhượng Công.
Một hôm, quân lính họp nhau, đem việc đón rước hoàng tôn (Duy Kỳ) ở nhà giam ra tâu lên hoàng thượng, để xin được ban ơn. Nhà vua (Lê Hiển Tông) liền sai người làm tiệc thết đãi, rồi từ từ bàn đến cách thưởng công cho họ. Lúc đó, có kẻ chạy đi báo tin với chúa (Trịnh Khải). Chúa cho đòi ngay Nguyễn Khản [5], Dương Khuông vào phủ. Sau khi nghe ý kiến của hai cận thần, Chúa bèn sai viên đầu hiệu đội Nhưng Nhất là Triêm vũ hầu (Nguyễn Triêm) đem đội quân Phong vân đến vây bắt được bảy người.
Sau đó, theo sách Lê quý dật sử, thì:
Triều đình bàn xét nếu đem giết hết e sẽ gây ra biến loạn. Nếu không giết thì không lấy gì răn đe được. (Dự tính) trước tiên đem chém một hai tên đầu sỏ gian ác để dần dần ức chế tính kiêu ngạo của chúng. Bấy giờ trong triều có Tham tụng Nguyễn Khản, Quản trung cơ Nguyễn Khuông (cậu chúa Trịnh Khải) mới được cất nhắc, vốn ghét quân sĩ không phục mình, đã chiếu theo luật: “lẻn vào hoàng thành” xử tội chém hết để răn quân lính.
Được sáu ngày, quân sĩ lại gây bạo loạn. Họ gào thét xông thẳng vào phủ chúa, tìm giết Khản và Khuông. Khản trốn về trấn Sơn Tây, Khuông nấp mình trong phủ chúa. Mẹ chúa là Dương Thị bước ra phủ đường khóc kêu xin tha cho Khuông. Chúa lại cho nhiều tiền bạc để chuộc cho cậu, quân sĩ mới chịu kéo trở về đập phá nhà riêng của Khản, Khuông. Hôm sau, quân lính lại đòi đem Nguyễn Triêm giết đi để hả giận riêng. Chúa không có cách nào nữa, vời Triêm đến lấy lời lẽ yên nước, yên nhà ra bảo; lại cho dân một xã thờ cúng, ruộng thế nghiệp 30 mẫu, rồi sai Triêm ra chịu chết.[6]
—————————————————————————-
Các CAND ngày này có những đặc điểm giống kiêu binh là trấn áp được các “thế lực phản động”, phò được Chúa Dũng tại vì giữ ngôi thủ tướng sau thảm nạn Vinashin, tiền mất giá, lạm phát bằng cách trấn áp báo chí, các đại biểu quốc hội. Giống nữa là đánh người, cướp của, giết dân… không bị đưa ra xét xử hay xét xử làm vì. Tướng công an được bổ sung thêm vào Bộ Chính Trị nhờ những công lao phò Chúa Dũng, uy thế của kiêu binh CAND ngày càng lớn ở bộ máy điều hành đất nước. Đoạn văn sử  trên có đoạn không khác gì ngày nay:

- Sau khi tôn Trịnh Khải) quân lính cậy có công… đòi hỏi những mối lợi nơi điếm tuần, bến đò, đầm hồ, gò bãi, cửa ải, chợ búa… Dân chúng khổ sở vì sự quấy nhiễu hà khắc của chúng, mối hận thấm cốt cốt tủy. Từ đấy, lính với dân coi nhau như kẻ thù.
Trước sau, sớm hay muộn, bởi những ưu quá lớn dành cho các anh CAND và tính tự phụ cho mình có công lớn của các anh, nếu gặp mâu thuẫn nào trong xã hội mà các anh CAND không được tôn trọng, ý kiến các anh không được ai nghe, Chúa của các anh bị phế truất thì ắt các anh sẽ thực hiện một diễn biến không hòa bình tí nào như tổ tiên kiêu binh nhà các anh đã từng làm xưa kia.

Đến nay Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát, cuộc sống người dân lao động rất thảm hại. Thế nhưng không ai dám tiếc khoản tiền mà Vinashin đã làm mất, hay vụ tiêu tốn vào lễ hội 1000 năm Thăng Long và hằng hà đa số những tham nhũng, lãng phí khác. Bởi Chúa Dũng và đám kiêu binh đang hung hăng xoi mói đè bẹp những tiếng nói chỉ trích như vậy.

Ngày hôm nay các anh CAND cậy công lớn, có chúa Dũng sau lưng, đang chà đạp lên pháp luật, ức hiếp dân lành. Bởi các anh đang là thế lực lớn nhất ở Việt Nam, các anh có động cơ chiến đấu rõ ràng, không như cánh quân đội giờ mất mục tiêu. Quân đội không giữ được chủ quyền thì còn trọng lượng gì nữa, làm sao bằng các anh công an có mục tiêu giữ được là phò Chúa Dũng và bảo vệ thành công nước VN CNXH.

Nhưng quá mù sẽ ra mưa, chính sự kiêu căng ngạo mạn của CAND sẽ làm thay đổi, biến đổi triều đình thối nát này.

Câu hỏi là sau biến cố đó, nước Việt Nam sẽ về đâu, ai dẫn dắt. Đó mới là điều quan trọng.