"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 27. Februar 2011

Trung Đông - "Mô hình Bắc Kinh" và Việt Nam

Đinh Xuân Quân

Trong bài “The Poverty of Dictatorship” / của GS Dani Rodrik của Đại Học Harvard và bài “Why Egypt Should Worry China” / của GS Barry Eichengreen của Đại Học Berkerley, hai tác giả này cho rằng mô hình phát triển kinh tế và giữ nguyên thể chế chính trị độc đảng là không còn giữ được nữa.

Trong bài “the Poverty of Dictatorship” GS Rodrik cho rằng trong báo cáo của LHQ về Phát triển Nhân sự hàng năm “Human Development Report” thì các nước Hồi Giáo có tỷ số khá cao. Tunusia ở mức thứ 6 trong 135 nước còn Ai cập ở mức 14. Báo cáo LHQ đánh giá phát triển qua tỷ số HDI (Human Development Index – tỷ số phát triển nhân sự) bằng cách so sánh các tiến bộ về y tế, giáo dục và kinh tế

Trong bài “Why Egypt should Worry China” GS Eichengreen cho là các nước Ai cập và Tunisa có tăng trưởng kinh tế khá cao ở mức 4 hay 5%/năm – không phải tăng trưởng kinh tế theo kiểu Á châu nhưng cũng tạm tốt. Theo GS của Đại Học Berkley thì vấn đề chính là tăng trưởng kinh tế không được chia sẻ đồng đều nhất là khi tăng trưởng không tới tay giới trẻ - nhất là giới trẻ có học, và biết về IT.

Trong nhiều năm qua một số chuyên gia thường bàn đến mô hình phát triển gọi là “Mô hình Bắc Kinh – hay Peiking consensus,” một mô hình chủ trương phát triển kinh tế tư bản nhưng duy trì chế độ độc đảng. Tại nhiều nước đang phát triển đây là một mô hình “rất hấp dẫn” và mô hình phát triển này đang được thực hiện tại Việtnam (VN). Tại VN mô hình này được thể hiện cụ thể như sau: phát triển kinh tế tư bản (theo định hướng XHCN) đi kèm với sự hiện diện của một chế độ công an trị và theo Bill Hayton / tại VN cứ 7 người dân lại có một công an.

Các thành công về kinh tế của Egypt, Tunisia, Lybia và nay của Trung Quốc (TQ), hay là VN, nơi mà đảng cầm quyền hay đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước tạo thêm tính chính đáng cho mô hình này. Đối với các chính thể độc tài (Egypt, Tunisia, Libya, TQ, VN, vv.) chuyên chính thì đây là giải pháp phù hợp hơn là kiểu dân chủ “theo kiểu Tây phương,” một bên là phát triển kinh tế, hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Vừa có phát triển kinh tế vừa độc quyền lãnh đạo đất nước.

Các vụ nổi dậy tại Tunisia, Ai cập và nay tại Trung đông đã cho thấy là phát triển kinh tế chưa đủ làm cho dân thỏa mãn, nhất là giới trẻ. Nó cho thấy là phát triển kinh tế sẽ cần có thêm dân chủ mới được, mặc dù không cần dân chủ kiểu Tây Phương.

Dưới con mắt của một kinh tế gia về phát triển, cái gì đã xẩy ra tại Trung đông và cái gì làm dân chúng nổi dậy?

Cách mạng Hoa lài tại Tunisia và ảnh hưởng của nó tại Ai cập

Các bài học của Trung Đông, của Tunisia nơi bắt đầu “cách mạng hoa lài” và tại Ai cập thì một “nhóm nhỏ người” tại đây đã độc quyền cai trị đất nước. Vì có độc quyền cho nên nạn tham nhũng và bè phái ở mức độ cao. Việc này trái ngược với các tỷ số HDI. Tại Tunisia, các nhà báo, các người viết blog, các người tranh đấu cho nhân quyền, vẫn bị công an hành hỏi theo dõi và bắt bớ. Theo tỷ số của hội “Transparency International” thì Ai cập đứng ở mức 111 trên 180 nước về tham nhũng.

Hơn nữa thì tăng trưởng kinh tế chưa chắc đã mang lại ổn định nếu thể chế chính trị không thay đổi kịp thời. Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp người ta khôn hơn, biết nhiều hơn và có thể đứng lên đòi hỏi quyền lợi công dân có tự do ngôn luận và tự do biểu tình trong ôn hòa (các quyền được các hiến pháp kể các của các nước CS bảo đảm).

Theo nhà nghiên cứu Samuel Huntington thì thay đổi kinh tế, đô thị hóa, tiến bộ về giáo dục, công nghệ hóa, phát triển truyền thông sẽ mang đến các đòi hỏi và tham gia về chính trị. Tại Tunisia và Ai cập thì còn có internet, Twitter và Facebook các mạng về thông tin giúp cho dân chúng có dịp động viên xuống đường.

Một việc đáng để ý là tại các nước Hồi giáo gia đình trung bình từ 6 đến 8 người – quá nhiều con. Hơn nữa tại các nước Trung Đông, chính phủ đầu tư khá nhiều về giáo dục nhất là giáo dục Đại học nhưng lại không tạo ra công việc làm cho họ. Cho nên tỷ lệ thất nghiệp cho các sinh viên khá cao vì họ không tìm được việc làm. Các sinh viên có trình độ, biết về vi tính mà lại thất nghiệp thì bất mãn cao. Một thí dụ là tại Cairo, thường ta thấy các hướng dẫn viên du lịch “học rộng và hiểu cao” và họ thường có bằng Đại Học.

Tình hình Trung Đông cho thấy là tăng trưởng kinh tế chưa đủ để “thỏa mãn dân chúng.” Các người xuống đường tại Tunisia hay tại Cairo không biểu tình vì không có tăng trưởng hay phát triển kinh tế mà là đòi chế độ cởi mở hơn, bớt tham nhũng bè phái và cho dân chúng - nhất là giới trẻ có tiếng nói trong vận mạng của đất nước và tương lai của họ.

Cách mạng hoa lài tại Trung Đông và VN

Những gì viết trong đoạn trên đều có thể áp dụng tại VN. Tình trạng kinh tế VN mặc dù là tăng trưởng ờ mức 7% nhưng gặp nhiều khó khăn vì các biện pháp vĩ mô chưa đúng, gây lạm phát. Chỉ cần thay đảng cầm quyền tại Trung đông bằng Đảng CS tại VN, mọi chuyện còn lại giống y nhau: vẫn là tham nhũng và bè phái.

Hơn nữa tình trạng kinh tế VN chưa có dấu hiệu ổn định vào năm Tân Mão - 2011. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã phá giá đồng VN thêm 9.3% và nay 1 US$ ăn 22 400 VNĐ trên thị trường tự do. Hơn nữa chính phủ cho tăng giá điện 15.1% và giá xăng tăng thêm 2000 VNĐ/lit. Các việc này sẽ nâng lạm phát lên trên 12%.

Các thống kê doanh nghiệp VN cho thấy là tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity) ở mức 17.63% trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng là gần 20%. Như vậy các dự án sẽ khó mang lại hiệu quả có thể mang đến việc đầu tư phát triển mới sẽ bị đình trệ.

VN nhập siêu ở mức cao lên đến trên 12 tỷ USD/năm hay xấp xỉ 12% GDP, trung bình trên 1 tỷ USD/tháng. Khó hơn nữa là nhập siêu nghiêng về TQ làm cho VN tùy thuộc ngày càng nhiều vào TQ.

Tại sao lạm phát cao?

Từ 2007 đến nay, nhiều biện pháp kinh tế dựa trên tiền tệ nhưng không giải quyết tận gốc vấn đề kinh tế VN. Tăng trưởng cao là vì chính sách tiền tệ khuyến khích chi tiêu công gây nên một số vấn đề sau đây:

 Chi tiêu và đầu tư công ở mức cao khiến thâm thủng ngân sách. Hơn nữa các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu quả thấp, chỉ số ICOR (vốn đầu tư/tăng trưởng) ở mức 6-7, hơn 1.5 lần mức trung bình của nền kinh tế VN và 3-5 lần của Đông Nam Á (ĐNA). Các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tỷ số lời ở mức rất thấp 6.3% so với mức 17.63% của các doanh nghiệp của dân và 28% của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước tạo ra ít việc làm. Vụ xi căn đan Vinashin là một điển hình của việc làm ăn thiếu hiệu quả của các DNNN.

 Chính sách tiền tệ quá lỏng khiến số tiền cung ứng (money supply) và tăng trưởng tín dụng (credit growth) quá cao so với đòi hỏi của kinh tế. Trong những năm vừa qua những con số này luôn ở mức cao. Theo ADB thì chỉ số M2 của VN tăng 31.2% trung bình trong 10 năm qua (2000-2009). Nếu tăng trưởng là 8% và lạm phát là 4% thì tăng trưởng của việc cung cấp tiền tệ phải ở mức 8+4 = 12% là vừa. Chính chính sách tiền tệ của VN đã gây lạm phát vì chi phí vốn quá rẻ.

 Khi kinh tế có dấu hiệu lạm phát ở mức cao, NHNN thường nâng lãi suất để giảm việc cho vay nhưng tại VN chính phủ lại không điều chỉnh chính sách chi tiêu công – khiến nợ công cao – kéo theo DNNN kém hiệu quả cho nên VN cứ chạy vòng quanh – không giải quyết được.

VN có nhiều triệu chứng giống Trung Đông. Số ngưới có học tăng, số người có cell phone và truy cập internet cao, công ăn việc làm thiếu nhất là cho sinh viên có bằng cấp và khoảng cách giàu nghèo – nông thôn thành thị ngày càng lớn. Nạn tham nhũng và bè phái đầy rẫy.

Có tăng trưởng kinh tế là tốt nhưng kinh nghiệm Trung Đông cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa đủ để thỏa mãn giới trẻ tại các nước này.

Tạm kết

Trước đây một số chuyên gia tin là “mô hình Bắc Kinh” sẽ có ảnh hưởng sâu rộng ở thế kỷ 21. Phát triển kinh tế sẽ giúp một số chính quyền chuyên chính giữ quyền và trường hợp TQ cho thấy là chỉ cần tự do kinh doanh đầu tư và độc đảng lãnh đạo, không cần phát triển các quyền tự do phổ cập khác của công dân.

Kinh nghiệm Trung Đông Tunisia, Ai cập và nay Libya và các nước Trung Đông khác hẳn. Nó cho thấy là dù tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn độc đảng thì sẽ gặp khó khăn, đảng cầm quyền không thể “muôn năm trường trị”.

VN có nhiều triệu chứng giống nhiều nước Trung Đông – có tăng trưởng kinh tế, có độc đảng và hơn nữa tham nhũng và bè phái còn nhiều hơn tại Trung Đông. VN cần giải quyết vấn đề tham nhũng bè phái. Giới trẻ có học, biết tin học, biết truy cập internet và vào mạng thì có khả năng đứng lên tranh đấu cho một đất nước tốt hơn, mà Tunisia và Ai cập là những ví dụ sống động.

Tại VN, các nhà báo, các người viết blog, các người tranh đấu cho nhân quyền, vẫn bị công an hạch hỏi theo dõi và bắt bớ. Theo tỷ số của hội “Transparency International” thì VN còn ở mức thấp hơn Ai cập.

Chính quyền VN dựa trên công an để đứng vững. Nhưng khi người dân hết sợ công an thì điều gì sẽ xảy ra? Một cuộc cách mạng... Hoa Sen? Nếu chính quyền CSVN không thay đổi kịp – có ngày họ sẽ gặp các triệu chứng Trung Đông tại VN vì mô hình Bắc Kinh sẽ không còn “thiêng” nữa.

Cách mạng hoa lài cho thấy các nước như VN – TQ và các nước chuyên chế sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì ngoài miếng ăn con người cần nhiều đòi hỏi khác như tự do ngôn luận, tư do biểu tình hay hội họp.

Vấn đề ở đây là liệu công an hay quân đội có như tại Tunisia hay Ai cập, đứng về phía “nhân dân” hay sẽ như tại Thiên An Môn quay súng lại bắn vào chính đồng bào của mình?

TS ĐXQ 

Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ