"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 3. Februar 2011

Giới chức quốc phòng: ‘Nhiều lý do để VN – Hoa Kỳ xích lại gần nhau’

Nguyễn Trung - VOA 

03 tháng 2 2011 * Một giới chức Ngũ Giác Ðài vừa lên tiếng cho rằng các bộ trưởng quốc phòng châu Á và Hoa Kỳ ‘nên cứu xét việc gặp nhau thường xuyên hơn’ để cải thiện quan hệ sau cuộc họp đầu tiên ở Việt Nam hồi năm ngoái. Phát biểu tại cuộc hội thảo có chủ đề ‘Các quyền lợi của Hoa Kỳ và một trật tự Đông Á đặt trọng tâm vào ASEAN’, ông Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, còn cho rằng Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng mới nổi của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher 
Hình: DOD


Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher từng nói rằng Washington và Hà Nội từng chia sẻ về quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Mở đầu bài phát biểu tại viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation ở thủ đô Washington, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher nhấn mạnh rằng mối bang giao giữa Hoa Kỳ với các quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một ưu tiên đối với Washington.

Giới chức này cho biết, ngoài các đồng minh chiến lược ở khu vực, Hoa Kỳ đang tiếp tục mở rộng và tăng cường các mối quan hệ quốc phòng với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Ông Scher nói: ‘Mối bang giao song phương cũng như hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ với các đồng minh Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Australia, Thái Lan và Philippines sẽ tiếp tục đóng vai trò cơ bản đối với cam kết của chúng tôi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các quan hệ đó đã bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực trong hơn nửa thế kỷ qua cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế ấn tượng'.
 
Ông cho biết thêm: 'Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành các biện pháp củng cố quan hệ song phương với các đối tác quan trọng khác, trong đó có Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Ấn Độ. Quan hệ đối tác mới nổi lên này củng cố thêm các mối bang giao đồng minh lâu đời, tăng cường khả năng giải quyết một loạt các thách thức khác nhau tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương’.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ còn đánh giá rằng trong thế kỷ 21, châu Á đối mặt với một loạt các thách thức như vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên hay các tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết xong.


Khi được VOA Việt Ngữ hỏi liệu các khẳng định tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) có phải đã đẩy các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tới gần hơn với Hoa Kỳ hay không, ông Scher thừa nhận Washington và Hà Nội ‘đang xích lại gần nhau’.


Ông cho biết: ‘Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đang xích lại gần nhau hơn. Bản thân tôi đã có mặt tại Việt Nam để khai mạc cuộc đối thoại ở cấp hoạch định chính sách đầu tiên giữa bộ quốc phòng hai nước hồi năm ngoái. Có rất nhiều lý do để giải thích chuyện Washington và Việt Nam muốn có quan hệ chặt chẽ hơn. Chúng tôi tập trung vào những lĩnh vực hợp tác mà chúng tôi có thể tăng cường và củng cố các quyền lợi chung’.


Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc đối thoại chính sách quốc phòng đầu tiên giữa hai nước ở Hà Nội cuối năm 2010 trong bối cảnh mà các chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc ‘đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng’ ở khu vực Đông Nam Á.


Trong cuộc phỏng vấn riêng với VOA Việt Ngữ sau đó, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho biết rằng tại cuộc họp này hai bên đã thảo luận về ‘tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc’.


Ông Scher nói: ‘Tôi cho rằng điều đáng chú ý là bản thân cuộc đối thoại xem xét và đánh giá một loạt các vấn đề từ toàn cầu, khu vực tới song phương mà các giới chức ở cấp đưa ra chính sách tại Bộ Quốc phòng hai nước có thể thảo luận. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi đã trao đổi về tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, nhưng chúng tôi còn thảo luận về một loạt các vấn đề quân sự khác liên quan tới khu vực cũng như trên thế giới'.
 
Ông trợ lý chia sẻ: 'Trong bối cảnh rộng lớn đó, chúng tôi thấy giá trị của các cuộc đối thoại giữa hai Bộ nhằm củng cố quan hệ cũng như để hiểu rõ hơn mỗi nước đánh giá như thế nào về tình hình khu vực’.

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt này, ông Scher nói rằng An ninh biển là một trong các lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ với Việt Nam.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói: 'Hai quốc gia bắt đầu quan hệ quốc phòng chủ yếu nhằm để đánh giá các di sản chiến tranh để lại. Từ nền tảng đó, trong những năm vừa qua, hai bên đã xây dựng quan hệ đối tác rất gần gũi xoay quanh một loạt các vấn đề khác, quan trọng đối với cả hai nước. Hai quốc gia đã tiến hành một loạt các cuộc đối thoại và chia sẻ thông tin nhằm tìm ra cách thức tiếp tục trao đổi và hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình; tìm kiếm cứu nạn; cứu trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa hay an ninh biển’.


Liên quan tới việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải, phát biểu trước các chuyên gia và học giả tại Heritage Foundation, ông Scher cho rằng ‘cần phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan’.


Ông cho biết: ‘Ngoại trưởng Hillary Clinton từng nói rõ rằng chúng tôi nghĩ khó có thể tưởng tượng được là các tranh chấp kiểu như vậy có thể giải quyết được thông qua đối thoại song phương. Thế nên, điều quan trọng là phải hóa giải các vấn đề đó với sự tham gia của tất cả các quốc gia liên quan'.
Giới chức Hoa Kỳ nói thêm: 'Chúng tôi không phải là quốc gia tuyên bố chủ quyền, nên chúng tôi không có nhiệm vụ hay vai trò phải nêu quan điểm về cách thức giải quyết tranh chấp. Ngoại trưởng Clinton chỉ nhấn mạnh rằng vấn đề này cần phải giải quyết và Hoa Kỳ có quyền lợi trong việc hóa giải các tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa’.

Trong cuộc phỏng vấn khác dành riêng cho VOA Việt Ngữ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Joseph Yun cho rằng tuyên bố về ‘quyền lợi quốc gia’ của Mỹ trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, vốn từng khiến Trung Quốc mạnh mẽ phản ứng của Ngoại trưởng Clinton, đã ‘dẫn tới các cuộc họp mang tính đa phương’.


Nhà ngoại giao này cũng nhận định rằng ‘Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng ở châu Á’.