"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 1. Februar 2011

Trung Quốc lo ngại tác động của tình hình Ai Cập

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và tổng thống Hosni Mubarak tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi tháng 11/2006.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và tổng thống Hosni Mubarak tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi tháng 11/2006.Reuters
 
Đức Tâm, RFI
 
«Trung Quốc rất chú ý theo dõi những diễn tiến tình hình tại Ai Cập ». Trên đây là phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tại Bắc Kinh. Theo giới phân tích, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tỏ ra lo ngại và khó chịu trước những rối loạn đang làm chao đảo chính quyền tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
Bởi vì hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đang phải đối mặt với những bất bình trong xã hội trước tệ nạn tham nhũng tràn lan, cưỡng bức trưng thu đất đai của người dân, môi trường bị hủy hoại, tàn phá, lạm phát tăng cao, nạn thất nghiệp v.v.

Gần như là một phản xạ tự nhiên quen thuộc, Bắc Kinh tiến hành kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, hạn chế và đưa tin có định hướng về tình hình Ai Cập.

Theo AFP, cho đến thứ hai, 31/01/2011, những tin tức gần đây liên quan đến Ai Cập vẫn bị kiểm duyệt, ngăn chặn trên các website chính và các cổng thông tin điện tử tại Trung Quốc. Cuối tuần qua, nếu tìm kiếm thông tin với cụm từ « Ai Cập » hoặc « Cairo » trên các mạng xã hội của Trung Quốc, thì sẽ có được câu trả lời như sau : « Theo luật pháp hiện hành, không thể cung cấp kết quả tìm kiếm của bạn ».

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn luôn dè chừng những gì đang xẩy ra tại thủ đô Cairo lan sang Trung Quốc, bởi vì phong trào phản kháng tại Ai Cập đã bùng phát dưới ảnh hưởng của cuộc nổi dậy tại Tunisia, buộc tổng thống độc tài Ben Ali phải bỏ chạy ra nước ngoài.

Báo chí chính thức tại Trung Quốc hôm nay đưa tin ngắn gọn về các cuộc biểu tình chống chính phủ Ai Cập và cho biết có 125 người chết, hàng ngàn người bị thương trong tuần lễ vừa qua. Đồng thời, các phương tiện truyền thông nhấn mạnh sự cần thiết tái lập trật tự công cộng trước những cảnh hỗn loạn, không hề nhắc đến những yếu tố chính trị và những lời kêu gọi cải cách, dân chủ hóa đất nước của phong trào phản kháng này. Bản tin trưa nay của truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa hình ảnh tổng thống Hosni Mubarak họp với các quan chức cao cấp và không có một hình ảnh nào về hàng chục ngàn người dân Ai Cập, bất chấp lệnh giới nghiêm, vẫn xuống đường biểu tình, quân đội và xe thiết giáp được triển khai trên đường phố ở Cairo. Các tờ báo chính của Trung Quốc không đăng một bức ảnh nào về tình hình Ai Cập.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu, mang nặng quan điểm dân tộc chủ nghĩa, thì cảnh báo là các cuộc nổi dậy của dân chúng có nguy cơ gây ra hỗn loạn xã hội. Lập luận cố hữu của tờ báo này như sau : Đại đa số chấp nhận ý tưởng về dân chủ nói chung, nhưng mô hình phương Tây, với tư cách là một thể chế chính trị, chỉ là một trong số các lựa chọn khác.

Thực ra, mỗi khi có những phong trào chống các thể chế độc tài hoặc đòi tự do, cải cách dân chủ trên thế giới, còn gọi là « các cuộc cách mạng màu », thì Bắc Kinh lại nhanh chóng áp dụng biện pháp kiểm duyệt thông tin, ví dụ như các phong trào đòi dân chủ, cách nay khoảng một thập niên, tại những quốc gia hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu hay tại Trung Á.

Hiện nay, tại Trung Quốc có khoảng 450 triệu người dùng Internet. Chính quyền kiểm soát chặt chẽ mạng thông tin, các website nhạy cảm về chính trị thường xuyên bị đánh sập, qua đó, ngăn chặn mọi khả năng tập hợp lực lượng của giới ly khai hoặc giảm thiểu tác động của những diễn biến bên ngoài vào nội tình Trung Quốc.

Ông Jeremy Goldkorn, phụ trách một website thông tin cũng bị phong tỏa, nói với AFP là dường như chính phủ đã đưa ra chỉ thị cho tất cả các phương tiện truyền thông tự giới hạn trong việc khai thác những bản tin của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước. Đó là một quy trình quen thuộc tại Trung Quốc.

Nói một cách mỉa mai là cho dù có hàng chục đài phát thanh, truyền hình, hàng trăm, hàng ngàn tờ báo, thì chỉ cần nghe, xem một đài hoặc đọc một tờ báo là đủ, vì các tất cả đều sao chép từ một nguồn. Theo giới phân tích, kiểu thông tin định hướng bắt buộc này cho phép chính quyền miêu tả tình hình Ai Cập theo ý mình, đồng thời tố cáo đó là do ảnh hưởng của phương Tây.