"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 2. Februar 2011

Mỹ truy bắt du lịch tình dục ở Đông Nam Á

 
Các điệp viên Hoa Kỳ dựa vào lực lượng địa phương để truy bắt các nghi phạm ấu dâm người Mỹ. 
 
Là một phần của sáng kiến bảo vệ trẻ em trước nạn ấu dâm mà thủ phạm có cả du khách quốc tế, các điệp viên đặc biệt của Mỹ hoạt động tại Đông Nam Á đã khiến cho hơn 80 du khách bị cáo buộc có hành vi ấu dâm phải về Mỹ đối diện với công lý.

Sihanoukville trông giống như ‘cõi thiên thai’, hoặc gần được vậy, với những bãi biển tuyệt đẹp, bóng thốt nốt ngả xòa mặt nước, với rượu giá rẻ và nước biển trong veo.

Dược sĩ đã nghỉ hưu người Mỹ Ronald Adams tới đây kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn và đã mở một quán cà phê bên bãi biển.

Nhưng cuộc sống riêng nơi thiên đường của Adam đã tan tành vào một buổi sáng cuối tháng Hai, khi bị nhân viên cảnh sát Campuchia đột kích vào căn hộ.

Họ tìm thấy một bộ sưu tập các đồ chơi tình dục, khiêu dâm trẻ em, gồm các đĩa DVD và một loạt các loại thuốc bất hợp pháp.

Adams bị cáo buộc đã đánh thuốc và hãm hiếp một bé gái 12 tuổi.

Bị theo dõi

Với người phương Tây, bị bắt về tội ấu dâm ở Đông Nam Á không có nghĩa là thế giới sẽ sụp đổ.

Như Gary Glitter chẳng hạn. Cựu ca sỹ người Anh này bị án tù hai năm rưỡi ở Việt Nam do có hành vi dâm ô với hai bé gái từ 10 đến 12 tuổi.

Ở những nước nghèo như thế này, tự do có thể mua được với giá 100 đô la.
Đừng nghĩ một cách đơn giản rằng với việc mua một tấm vé máy bay, rời khỏi Hoa Kỳ và đi đến một quốc gia còn chưa mạnh về khả năng điều tra và truy tố thì quý vị sẽ có thể thoát tội. * John Morton, Giám đốc ICE

Nhưng Ronald Adams không chỉ gặp rắc rối với cảnh sát địa phương. Bởi một điệp viên từ Cục Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) cũng có mặt trong nhóm bố ráp căn hộ của ông ta.
Nếu một công dân Mỹ bị bắt về tội ấu dâm ở nước ngoài, thì các điệp viên của Mỹ có quyền tống người đó lên máy bay, đưa về Mỹ xét xử.

ICE là một bộ phận thuộc Bộ An ninh Quốc nội, đặt trụ sở tại Washington và do luật sư kỳ cựu John Morton làm giám đốc.

Ông Morton nói: “Đừng ai nghĩ một cách đơn giản rằng với việc mua một tấm vé máy bay, rời khỏi Hoa Kỳ và đi đến một quốc gia còn chưa mạnh về khả năng điều tra và truy tố thì có thể thoát tội.”

“Những ví dụ hoàn hảo là ba người đàn ông bị chúng tôi đưa về từ Campuchia.”

“Ba quý ông” này được ICE đặt biệt danh là những kẻ du hành lệch lạc (Twisted Travellers) trong vụ dẫn độ từ Campuchia về.

Chuyện này vốn đã bị chỉ trích công khai hồi 18 tháng trước.

Cả ba đều từng có tiền án về tội lạm dụng trẻ em tại Mỹ. Người già nhất, cựu thủy quân lục chiến Jack Sporich, 75 tuổi, hiện đang phải đối mặt với bản án 15 năm tù về tội lạm dụng tình dục các bé trai.

Nhà tù Campuchia có đầy những kẻ ấu dâm người nước ngoài.

Nhưng đối với hầu hết, điều đáng lo chỉ là những mức án tù ngắn hạn. Thậm chí cả mức tù ngắn hạn cũng có thể tránh được, nếu chịu chi tiền cho cảnh sát và thẩm phán.

Hoa Kỳ là nước đầu tiên tích cực chủ động bắt giữ và đem về nước các đối tượng ấu dâm để xét xử.
Nếu công dân Mỹ đến đây để làm những chuyện như vậy đối với người Campuchia, thì chúng tôi phải có trách nhiệm giúp đỡ Campuchia quét sạch chuyện đó. * Điệp viên Chris Materelli

Trong 12 tháng qua, đã có thêm Úc và Canada áp dụng chính sách này.

Với điệp viên đặc biệt của Mỹ, ông Chris Materelli, thì đây không chỉ là việc thực thi pháp luật, mà còn là cả trách nhiệm đạo đức nữa.

Ông nói: “Nếu công dân Mỹ đến đây để làm những chuyện như vậy đối với người Campuchia, thì chúng tôi phải có trách nhiệm giúp đỡ Campuchia quét sạch chuyện đó.”

“Họ là công dân của chúng tôi, cho nên chúng tôi có trách nhiệm phải đưa họ ra trước công lý.”
Trong bảy năm kể từ khi Luật Bảo vệ Trẻ em được thông qua, Mỹ đã đem 85 đối tượng du lịch tình dục trẻ em về nước để đối diện với công lý.

Nhưng chiến dịch này sẽ không thể thành công nếu không có sự thay đổi đột phá trong cách làm việc của các điệp viên Mỹ – không chỉ trong cách phối hợp với cảnh sát địa phương mà còn cả với các tổ chức phi chính phủ do các công dân bình thường điều hành.

Tại những điểm nóng du lịch của Campuchia, tổ chức Action Pour Les Enfants (Hành động vì trẻ em – APLE) đã hoạt động như tai mắt của ICE trong việc theo dõi các đối tượng đáng ngờ người Mỹ.

Các chàng trai trẻ gắn máy quay video do Mỹ cung cấp và phóng xe máy trên đường. Đây là nhóm hành động ngầm của APLE.

    
Nhiều nghi phạm ấu dâm đã bị những án tù dài hạn khi phải đối diện trước công lý ở Mỹ. 
 
Họ chạy xe ngang qua chỗ của Ronald Adams và công khai nói có nhu cầu quan hệ tình dục với các bé gái vị thành niên, “càng bé càng tốt”.


Kiểu hợp tác này với người dân địa phương cho thấy có thay đổi ghê gớm về thái độ, tới mức hầu như không thể tưởng tượng được hồi 30 năm về trước, thời Mỹ từng ném bom Campuchia.

Người Campuchia được hoan nghênh vào làm việc ở mọi cấp bậc trong hệ thống điệp viên của ICE.

Vansak Suos, từng là lính thiếu niên trong hàng ngũ quân đội Pol Pot thời Khmer Đỏ, nay làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Phnom Penh.

Trên bàn làm việc là một tấm hình anh chụp với Bill Clinton.

Vansak có một câu chuyện buồn. Anh trai, hai chị em gái và người ông của anh đã bị giết chết dưới thời Pol Pot. Anh may mắn thoát chết, nhưng buộc phải gia nhập quân đội Khmer Đỏ để được tồn tại, và để cứu giúp cho các trẻ em khác.

Những vụ bắt giữ lớn

Triệu phú ở Florida, Kent Frank, 45 tuổi, có lẽ là vụ bắt giữ lớn nhất của ICE từ trước cho đến nay.

Ông ta chuyên đi du lịch toàn cầu nhằm tìm kiếm tình dục trẻ em. Ông bị bắt khi đang lạm dụng bốn bé gái trong phòng khách sạn ở Phnom Penh.

Vansak kể về việc Frank tìm cách hối lộ cảnh sát trưởng địa phương.

“Kent Frank đứng lên và đút tay vào túi. Sau đó, khi ông ta bắt tay viên chỉ huy thì ông ấy thấy có tờ 100 đô la trong tay mình”.

Frank thừa nhận đã có quan hệ tình dục và chụp ảnh các cô bé mà ông ta nói ông tin rằng đều đã trên 18 tuổi.

Điệp viên ICE, Gary Phillips nói: “Cách biện hộ phổ biến là các bé gái trông phổng phao hơn tuổi thật, bởi các em là người Á. Nếu mỗi lần nghe chuyện đó mà tôi được một xu thì có lẽ tôi đã trở thành triệu phú.”

Frank đã tìm cách xóa các hình chụp trên máy ảnh kỹ thuật số, nhưng tại tại phòng thí nghiệm tối tân của ICE tại Mỹ, 1.600 hình ảnh bị xóa đã được phục hồi.

Frank hiện đang thọ án 40 năm trong một nhà tù liên bang.

Nhưng không phải vụ nào cũng có kết cục tương tự.

Sau bảy tháng ngày tạm giam trong một nhà tù ở Campuchia, Ronald Adams được tha bổng.
Tòa án ra phán quyết do nạn nhân của ông nói cô đã bị đánh thuốc mê, nên các bằng chứng cô đưa ra không đủ tin cậy. Sau đó ông ta đã biến mất.
Vansak nhún vai.

Anh nói, anh tự hào về những gì đã làm được. Mỗi người phạm tội tình dục bị kết án có nghĩa là sẽ có nhiều em nhỏ được an toàn.