"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 1. Februar 2011

Phỏng vấn ủy viên giáo dục học khu đại học cộng đồng San Francisco

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt 
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt

Tại thành phố và quận hạt San Francisco có một vị dân cử gốc Việt duy nhất, đó là Luật Sư Steve Ngô, ủy viên giáo dục học khu đại học cộng đồng San Francisco.
Luật Sư Steve Ngô, ủy viên giáo dục học khu đại học cộng đồng San Francisco, là vị dân cử gốc Việt đầu tiên và duy nhất tại thành phố và quận hạt San Francisco. (Hình: LS Steve Ngo cung cấp)
Steve Ngô sinh ra trong một gia đình tỵ nạn tại New Orleans. Mẹ ông vượt biên qua Mỹ và làm chạy bàn, làm nails trong một thời gian lâu rồi 20 năm sau mở tiệm nails ở New Orleans. Cha ông cũng chạy bàn, xây cất, nấu bếp, rồi sau đó đi học community college để trở thành thợ máy sửa xe hơi. Theo Luật Sư Steve Ngô tiết lộ, mặc dù trình độ học vấn của mẹ ông chỉ tới lớp 3 và của cha ông chỉ tới lớp 8, nhưng ở Mỹ, với sự chăm chỉ và nhờ đi học nghề, họ gầy dựng được đời sống và nuôi dạy con cái trưởng thành.

Sinh ra ở Lexington, Kentucky, Steve Ngô tốt nghiệp cử nhân ở UCLA, cao học chính sách công tại Georgetown University, và tiến sĩ luật UC Hastings. Ông từng là cố vấn ngân sách cho Hạ Viện California, trong chương trình học bổng Jesse M. Unruh Assembly Fellowship.

Năm 2008, Steve Ngô đắc cử vào học khu đại học cộng đồng San Francisco, trở thành người gốc Việt đầu tiên và duy nhất đắc cử tại thành phố và quận hạt này. Học khu này có hơn 100,000 sinh viên và là một trong những học khu đại học cộng đồng lớn nhất nước.

Luật Sư Steve Ngô trao đổi với báo Người Việt về vai trò của đại học cộng đồng, nhất là trong tình trạng kinh tế khó khăn và ngân sách thiếu hụt hiện nay.

Vũ Quí Hạo Nhiên (NV): Theo ý ông sứ mệnh quan trọng nhất của đại học cộng đồng trong việc giáo dục sinh viên là gì?
 
LS. Steve Ngô: Mục đích căn bản của các đại học cộng đồng là giúp cho người ta được đi học và đào tạo suốt đời, ở tất cả lứa tuổi. Hoa Kỳ, và California nói riêng, có một ưu điểm là người dân có thể đi ra đi vào hệ thống giáo dục đại học hay huấn nghiệp bất cứ lúc nào.

NV: Với học phí ở đại học 4 năm tăng vùn vụt, ông có thấy có thêm nhiều sinh viên chọn vào học đại học cộng đồng trong hai năm đầu tiên, để được hưởng học phí thấp, thay vì vào thẳng hệ thống UC (University of California) hay các đại học 4 năm khác, ngay sau khi vừa tốt nghiệp trung học?
 
LS. Steve Ngô: Ðúng, hiển nhiên là như thế, đúng theo định luật kinh tế căn bản. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào tiếp tục buộc người dân phải trả một giá quá cao để mua được một món phúc lợi vừa cho cá nhân và cả cho cộng đồng. Hơn nữa, trong lúc luật cung cầu có đẩy thêm nhiều sinh viên vào trong hệ thống đại học cộng, chúng ta cũng phải đoan chắc hệ thống vẫn có thể đối phó được với sự gia tăng đòi hỏi về giáo dục. Nếu không tiểu bang sẽ đẩy người dân hoàn toàn ra khỏi hệ thống giáo dục. Ðó là một thảm họa đối với nền kinh tế về lâu về dài cũng như có những hậu quả xã hội.

NV: Ông có thấy có nhiều sinh viên đã ghi danh vào hệ thống UC, CSU (California State University), hay các trường hệ bốn năm khác, mà lại về lấy lớp ở đại học cộng đồng để đỡ tốn tiền không?
 
LS. Steve Ngô: Ðiều đó có nhưng một lần nữa vấn đề nằm ở chỗ, liệu tiểu bang có cung cấp đủ ngân quỹ cho đại học cộng đồng hầu họ có thể đối phó với sự gia tăng nhu cầu giáo dục không.

NV: Ðối với sinh viên không dự trù chuyển trường lên học cao hơn, có thống kê nào về khả năng kiếm được việc sau khi tốt nghiệp ở đại học cộng đồng không? Có ngành nào dễ kiếm việc hơn ngành nào không?
 
LS. Steve Ngô: Nghiên cứu cho thấy đến năm 2018, 63% công việc làm sẽ đòi hỏi phải có học vấn cao hơn bậc trung học. Nhưng sự kiện căng nhất hiện nay là việc thế hệ baby boomer đang bắt đầu bước vào tuổi về hưu, khiến lập tức tạo nên các việc làm cho người săn sóc cho họ, cũng như những công việc họ để trống sau khi rời khỏi lực lượng lao động. Cũng sẽ có sự đòi hỏi nhân công khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng vào kỷ nguyên hậu kỹ nghệ. Bạn cần phải có một bằng cấp sau trung học nào đó mới có thể tranh đua kiếm việc trong mọi khu vực kinh tế. Ngân sách tiểu bang chúng ta cần có một viễn kiến và tầm nhìn để thấy được thực tế này. Ngân sách trước đây không đạt được điều đó.

NV: Tình trạng ngân sách ở đại học cộng đồng có tồi tệ hơn so với hệ thống UC và CSU không?
 
LS. Steve Ngô: Tôi không thể phát biểu thay cho UC hay CSU nhưng đại học cộng đồng hiện đã rút rỉa ngân quỹ đến tận xương tủy của nó rồi, tuy nhiên vẫn còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đang gia tăng, dù chỉ ở mức độ vừa phải. Nhưng chúng ta cần làm thêm nữa để cho người dân California có sẵn sàng cho nền kinh tế của ngày mai. Mức ngân quỹ hiện có chưa phản ảnh được điều cam kết này.

NV: So với các đại học cộng đồng khác, ngân sách đại học City College of San Francisco ra sao?
 
LS. Steve Ngô: Trường CCSF là một trong những đại học cộng đồng lớn nhất tiểu bang, phần lớn do số di dân đông đảo ghi danh vào học Anh ngữ ESL. Vì những lớp ESL được trợ cấp ở mức thấp hơn so với các lớp khác, trường của chúng tôi bị bất lợi. Nhưng lẽ ra không phải như vậy. Những lớp này là nền tảng cho hệ thống giáo dục mà tiểu bang cần phải cung ứng cho mọi cư dân, nếu thực lòng muốn xây dựng một California sinh động, thịnh vượng và công chính.

NV: Sinh viên CCSF muốn chuyển trường hiện đối phó thế nào với học phí gia tăng và sự hạn chế thu nhận sinh viên của các trường trong hệ thống UC và CSU?
 
LS. Steve Ngô: Sinh viên chúng tôi khá linh động nhưng đứng ở cương vị một xã hội, chúng ta không nên gây thêm gánh nặng cho những người đang muốn kiếm một bằng đại học. Gia đình của sinh viên sẽ không tạo thêm khó khăn cho các em khi đến trường; tương tự như thế, tiểu bang của chúng ta không thể tiếp tục gây cho người dân của mình khó khăn trong việc kiếm được một mảnh bằng. Thiếu ngân quỹ có nghĩa thiếu nhân viên cố vấn để khuyên nhủ sinh viên về việc chọn lớp cũng như về việc xin trợ cấp tài chánh. Thiếu ngân quỹ cũng có nghĩa thiếu lớp học đủ để cho các sinh viên có thể chuyển trường kịp lúc lên hệ thống đại học hệ bốn năm như mình muốn.
Ðiều mà mọi người cần biết là chính phủ Obama và Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát đã đưa vào hiệu lực hai điều luật quan trọng đầy hứa hẹn cho tương lai chúng ta: (1) Ðạo luật Student Aid and Fiscal Responsibility là đầu tư cao nhất trong một thế hệ vào ngành giáo dục đại học, cắt bớt phụ cấp của ngân hàng và lấy số tiền tiết kiệm được, chuyển sang việc gia tăng trợ cấp tài chánh cho sinh viên có lợi tức thấp. (2) Ðạo luật American Recovery and Investment, còn được biết dưới tên gọi là “kích thích,” khiến cho các trường, gồm đại học cộng đồng của chúng ta, có thể giữ cho các giáo sư lẫn cố vấn khỏi bị sa thải. Ðây là những người cần có để giúp cho sinh viên biết họ sẽ đi theo hướng nào. Bởi thế câu trả lời dài dòng cho câu hỏi này là sinh viên của chúng ta thích ứng phần nào với việc làm của các giáo sư, nhà cố vấn, và nhân viên nhà trường, và cũng nhờ sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, Nancy Pelosi, George Miller và Thượng Viện Hoa Kỳ.

NV: Ðại học City College of San Francisco có chương trình nào để giúp đỡ người bị mất việc có thể tìm việc trở lại?
 
LS Steve Ngô: Có, văn phòng Career and Technical Education của chúng tôi lo hết việc đó. Chúng tôi còn nỗ lực để cải tiến chương trình huấn nghệ ESL hầu mọi cư dân San Francisco đều có nhiều khả năng kiếm được những công việc trong các khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế của chúng ta.