"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 3. Februar 2011

Khen ai khéo vẽ công đoàn Việt Nam

Nguyễn Thiện Nhân

Công Đoàn ở các nước tiên tiến (đều là các nước “tư bản” cả) hoạt động rất hiệu quả, mục đích chính của công đoàn (cũng là lý do để thành lập công đoàn) là bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Ở Việt Nam, mục đích chính này thật mờ nhạt, những thành tích phổ biến của công đoàn ở Việt Nam là những hoạt động sau:

- Tổ chức nghỉ mát, cắm trại, du lịch…
- Tổ chức hội thi thể thao
- Vận động ủng hộ người lao động bị đau ốm
- Vận động hiến máu nhân đạo; thăm hỏi, ủng hộ quà cho các bà mẹ già neo đơn, cho học sinh nghèo…
- Phòng chống HIV/AIDS
- Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Xây dựng đời sống văn hoá
- Tổ chức thi đua sáng tạo, tăng năng suất
- Đào tạo nghiệp vụ chuyên môn
v.v…


Trong đó cũng có những việc hữu ích, thiết thực nhưng mục tiêu chính thì lại mờ nhạt, tôi muốn soi xét thực tiễn nhiệm vụ “đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” đã ghi trong các văn bản luật và Điều lệ Công Đoàn Việt Nam 2003 như thế nào? Hãy nhìn những báo cáo của các kỳ đại hội công đoàn các cấp xem, thật khó tìm ra thành tích “bảo vệ lợi ích người lao động” nào đáng để thấy vai trò thực tiễn của công đoàn.

Tại sao một tổ chức lại hoạt động “yếu” ở cái nhiệm vụ chính nhất được cho là sứ mệnh của mình?

Tại Điều 1 Luật Công đoàn xác định: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động”.
Tại Điều lệ công đoàn Việt Nam 2003, xác định nhiệm vụ đầu tiên của Công đoàn là: “tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng…

Đảng Cộng sản Việt Nam là giai cấp thống trị độc tài. Với lý luận “Đảng lãnh đạo toàn diện” thực tế Đảng đã thống trị, kiểm soát mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Xem kìa, chẳng những Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn là “trường học xã hội chủ nghĩa” nữa! Ai sinh ra, lớn lên cũng phải lao động và có nhu cầu được bảo vệ lợi ích chính đáng trước giới chủ lúc nào cũng sẵn sàng chèn ép công nhân để tối đa lợi nhuận. Và, họ muốn được “bảo vệ lợi ích” thì họ phải chấp nhận trở thành “học sinh” của Trường học xã hội chủ nghĩa! Thế, họ làm ăn lương thiện mà họ không thích Đảng thì họ vẫn phải “ngồi trường học” để nghe “tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng…”. Cánh tay quyền lực của Đảng đã thọc sâu đến mọi ngõ ngách đời sống, tinh thần của người dân, người dân phải nhẫn nhịn chịu đựng cái giai cấp tự xưng là “tinh hoa” của dân tộc; cái giai cấp đã đẻ ra những kẻ đang ăn trên ngồi tróc, tham nhũng, vơ vét tài nguyên…đến mức độ báo động, không còn cứu chữa được nữa.

Những buổi “Đại hội công đoàn” dần trở thành sân khấu cho các lãnh đạo cơ quan/doanh nghiệp trình diễn, độc thoại và nhạt nhẽo. Công Đoàn trở thành nơi phát hiện, quản lý các bức xúc của công nhân để có thể theo dõi, cô lập nó, không để nó bùng phát. Thử tìm hiểu những cơ quan, doanh nghiệp lớn có số lượng nhân viên lên đến hàng nghìn xem: Chủ tịch công đoàn là người có chức vụ, lãnh lương của cơ quan, tổ chức đó. Nhiều nơi, chủ tịch công đoàn là Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh… Thử hỏi, họ có dám đại diện cho quyền lợi người lao động không? Họ đã bị vô hiệu hoá rồi, và họ còn phải tham mưu, góp phần để nâng cao năng suất sản xuất, tổ chức phong trào nhằm đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp, như thế họ mới dễ thăng tiến do sự gắn kết quyền lợi của họ với quyền lợi doanh nghiệp.

Tại cơ quan tôi, Phó tổng giám đốc là Chủ tịch công đoàn, trong buổi Đại hội long trọng đã đại diện cho lợi ích của hàng nghìn nhân viên ký thoả ước lao động tập thể với Tổng Giám đốc! Họ vừa đá bóng vừa thổi còi trong tiếng vỗ tay của nhân viên. Vâng, vị Chủ tịch công đoàn được bầu cử đàng hoàng đấy chứ, có đến 98% phiếu bầu đấy chứ. Rởm đời là thế, lố bịch là thế. Trách ai, chính người lao động bầu, người lao động giơ tay tán thành, rồi vỗ tay…người lao động lúc nào cũng có mặt đầy đủ để làm việc đó, họ xem đó là một việc tất yếu, làm ngược lại chỉ thêm tốn thời gian.

Tại buổi Đại hội công đoàn cơ sở thường niên của cơ quan tôi, sau bản báo cáo tổng kết là những bài phát biểu. Đa số những vị phát biểu là những vị được mời phát biểu. Nhiều vị cứ nhắc lại điệp khúc “Công đoàn được lập nên nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người lao động…”, rồi thì “…đã đạt những chỉ tiêu…”. Và lời phát biểu của Chủ tịch công đoàn rằng “…Tôi và BCH công đoàn đã tạo mọi điều kiện khuyến khích tất cả CBCNV đóng góp ý kiến xây dựng, bày tỏ những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của mình. Nhưng các CBCNV chúng ta tâm lý còn e dè, chưa mạnh dạn bày tỏ v.v...”. Những câu nói nhằm thể hiện tính dân chủ. Và vị Chủ tịch công đoàn luôn dành lời mời phát biểu/ý kiến đóng góp từ phía người lao động, tuy nhiên không thấy một ý kiến nào cả.

Không hề thấy trong bản báo cáo tổng kết rằng Công đoàn đã tiếp nhận giải quyết bao nhiêu thắc mắc, khiếu nại; không thấy nêu thực trạng nhân viên làm tăng giờ quá mức; không thấy nói chế độ lương thưởng chưa hợp lý; không thấy nói cơ quan chưa đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động…”. Bản báo cáo được lắp đầy bằng những thành tích phong trào.
Phần biểu quyết, tất cả đều được giơ tay nhất trí đồng ý. Phần bầu cử diễn ra suông sẻ, có số dư. Đại hội được đánh giá là thành công tốt đẹp, kết thúc bằng buổi tiệc thịnh soạn do kinh phí công đoàn chưa sử dụng hết.

Nơi nào có sự hiện diện quyền lực của Đảng, nơi đó xuất hiện bệnh hình thức và bệnh thành tích. Những căn bệnh kinh niên, nhức nhối cho xã hội.