Gwynne Dyer-LONDON — Các đại hội của đảng cộng sản nhìn chung là những sự kiện buồn tẻ, và Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-17/1) cũng chẳng phải ngoại lệ. Những thay đổi về nhân sự tối cao được quyết định bởi tầng lớp tinh hoa vòng trong của Đảng từ rất lâu trước khi đại hội khai mạc, và các bài diễn văn hoa mỹ thì vẫn được đọc cùng một giọng từ cái lưỡi gỗ mà những người cộng sản luôn sử dụng.
Đất nước phải “duy trì mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế để đẩy nhanh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững”, nhà lãnh đạo đảng Nông Đức Mạnh thân mật nói trước đại hội vào ngày khai mạc. “Chiến lược tới năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta về cơ bản thành một nước công nghiệp hóa”. Thật là một cách tiếp cận lạ lùng, phải không?
Cuộc thảo luận hoàn toàn là về chống lạm phát và tham nhũng (có khá nhiều điều để nói về hai thứ này ở Việt Nam), trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (6,8% năm ngoái). Dân chúng đang vật lộn để duy trì được mức sống của họ (dù hiện nay họ đã khá giả hơn rất nhiều so với 20-40 năm về trước), và rất ghét bị chỉ đạo bởi tầng lớp tinh hoa cộng sản – nhưng họ bất lực, không làm gì được.
Nói cách khác, tình hình không khác mấy với một nơi như Thái Lan chẳng hạn, hơi giống phương Tây, ngoại trừ việc tầng lớp tinh hoa về kinh tế ở Việt Nam là các đảng viên cộng sản và những doanh nhân quen thân họ.
Thái Lan về nguyên tắc là một nước dân chủ, nhưng nếu bạn là một phần tử nông dân “áo đỏ” ở Thái, thì quan điểm của bạn về những người nắm quyền lực sẽ hơi khác một chút so với những gì rất nhiều nông dân Việt Nam nghĩ về Đảng Cộng sản. Ở Thái Lan, đó là một đội ngũ tinh hoa có xu hướng truyền thống hơn, nhưng họ bám lấy quyền lực cũng chặt như thế, và họ tự thưởng cho mình thậm chí còn phung phí hơn thế.
Vậy tất cả những điều này để nói lên cái gì? Tại sao lại có một cuộc chiến tranh 15 năm ở Việt Nam (1960-1975) giết chết 58.000 quân nhân Mỹ, và từ 1 tới 3 triệu người Việt Nam? Chính phủ Hoa Kỳ luôn khẳng định rằng cuộc chiến ấy là để ngăn chặn đà mở rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam trước khi nó lan rộng ra khắp Đông Nam Á. Những người cộng sản, lúc đó đang kiểm soát miền Bắc Việt Nam, thì nói cuộc chiến chỉ là nhằm thống nhất đất nước.
Ai đúng? Hồi tưởng lại, rõ ràng những người cộng sản đã nói sự thật. Họ đã chiến thắng trong cuộc chiến ở Việt Nam bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ, nhưng “hiệu ứng domino” trong phần còn lại của Đông Nam Á chưa bao giờ xảy ra. Trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam thậm chí còn chưa bao giờ cố gắng lật đổ quân cờ domino nào.
Trừ việc xâm lược Campuchia năm 1978 để giành chính quyền từ Khmer Đỏ – một nhóm cộng sản kinh khủng hơn rất nhiều – Việt Nam dưới sự cai trị của những người cộng sản chưa bao giờ gửi quân ra nước ngoài hay can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia nào khác trong khu vực. Sau một thập kỷ, tất cả binh lính Việt Nam đều đã được rút khỏi Campuchia và Hà Nội ngày nay gần như không còn ảnh hưởng ở đó.
Còn chuyện có một số âm mưu lớn của cộng sản nhằm mở rộng ra khắp Đông Nam Á, thì chưa bao giờ vượt khỏi một câu chuyện hoang đường. Trên thực tế, trong bốn năm thống nhất Việt Nam thời hậu chiến, chế độ cộng sản ở Hà Nội đã có chiến tranh với Trung Quốc ở vùng biên giới. Trong một thế giới hoàn hảo, nhiều người có lẽ sẽ thích tìm đường giải thoát đất nước họ khỏi nguy cơ cả một thế hệ bị cộng sản cai trị, nhưng Việt Nam không phải thảm họa, càng không phải là hiểm họa cho bất cứ ai.
Vậy tại sao có đến ba tổng thống Mỹ cho phép họ sa lầy vào một cuộc chiến vô nghĩa và bất khả chiến thắng như thế? Cả Dwight Eisenhower, John Kennedy và Lyndon Johnson đều là những người thông minh, Eisenhower còn có nhiều kinh nghiệm quân sự và ngoại giao ở tầm cao nhất.
Họ đều cảm nhận, ở những mức độ khác nhau, tầm nhìn chiến lược về một thế giới thuần túy ảo tưởng, một thế giới bị ý thức hệ dẫn dắt. Hay nói cách khác, trong trường hợp Eisenhower và một chừng mực nào đó là cả Kennedy, họ cảm thấy bất khả thi về mặt chính trị trong việc chống đỡ lại đòi hỏi của những người đã sống hoàn toàn trong ảo tưởng đó. Vì thế, đã vài thập kỷ nay, chính sách ngoại giao của Mỹ hầu như không mấy liên hệ với thực tiễn, làm nhiều người thiệt mạng.
Vấn đề là chuyện này xảy ra liên tục. “Cuộc chiến chống khủng bố” giờ đây đang diễn ra gần như không khác gì cuộc thập tự chinh chống chủ nghĩa cộng sản hồi thập niên 1950-1960, tuy rằng những trận giao chiến thực sự có mức thương vong thấp hơn nhiều. Để tìm hiểu về Việt Nam năm 1960, hãy đọc về Iraq năm 2003 — hay có lẽ là Iran ngày kia.
Chuyện này tất nhiên không chỉ xảy ra với người Mỹ. Những cuộc xâm lăng khác nhau của Anh vào Afghanistan trong thế kỷ 19 cũng được dẫn dắt bởi lời buộc tội người Nga tham tàn muốn chiếm đế quốc Ấn Độ của Anh, mặc dù ý nghĩ đó chưa bao giờ có trong đầu người Nga. Người Đức mất cả thập niên trước Thế chiến I lo sợ rằng họ đang bị các siêu cường khác “bao vây”.
Nhưng những ảo tưởng này chủ yếu chỉ làm khổ các siêu cường, bởi vì các nước nhỏ yếu không thể có nổi những mưu đồ điên rồ đắt đỏ thế. Họ phải đương đầu với thực tế như nó đang diễn ra – đó là lý do tại sao những người cộng sản Việt Nam chẳng hạn, không bao giờ mơ tưởng tới việc cố gắng truyền bá niềm tin của họ ra toàn bộ phần còn lại của khu vực. Họ đã và vẫn là những người thực dụng với những tham vọng thuần túy địa phương, do đó nghị quyết của Đại hội Đảng thứ 11 quả thật chẳng mấy đáng quan tâm đối với bất cứ ai.
Người dịch: Đan Thanh