"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 8. Januar 2011

Việt Nam thì khác!

Hồng Phúc – Nếu gõ vào Google “Tôi ghét Tổng thống Obama,” tức khắc bạn sẽ nhận được hơn 37,700 kết quả chỉ trong 0.31 giây, nếu loại bỏ từ Tổng thống thì còn lại 127.000 kết quả. Tương tự, khi đánh “Tôi ghét Đảng Cộng hòa” thì lập tức có đến hơn 26,000 websites hiện ra. Bạn có thể chọn bất kỳ website nào trong hàng nghìn kết quả đó sẽ thấy chứa đựng vô vàn hình ảnh xấu xa, khiếu nại, chê bai thậm tệ – thậm chí cả nghìn các ý kiến bất đồng quan điểm. Nhưng các chủ nhân đó vẫn sống bình yên và không ai bị bắt. Các chủ nhân của nhóm mang tên “Tôi ghét Barack Obama” trên Facebook đăng hàng loạt thông tin chỉ trích ông mà cũng chẳng thấy ai vào tù.

Việt Nam thì lại khác! Chỉ riêng trong vài tháng vừa qua đã có hàng loạt bloggers bị cơ quan an ninh thăm hỏi và bắt giam liên quan đến những các quyền rất căn bản: quyền bày tỏ chính kiến. Sau khi trao đổi với một số bloggers đang làm việc tại Việt Nam, Hồng Phúc tóm lược vài ý kiến như sau.

‘Phát triển ngược’

Hiện tại số lượng sử dụng Facebook đã lên 1 triệu người tại Việt Nam. Cộng thêm Multiply, WordPress và eBlogger thì con số này vẫn tăng đều đặng mỗi ngày. Khi tiếp xúc với một số thanh niên tại Sài Gòn, nhiều bạn cho rằng việc sử dụng blog để chia sẻ những suy nghĩ và bày tỏ ý kiến là một việc nên làm trong thời đại thông tin ngày nay và, hiển nhiên là chính đáng.

Khi tiếp xúc với một nhân viên quản lý khác sạn, N.P.Hoài (25 tuổi) chia sẻ vì sao cô bắt đầu sử dụng blog:
“Qua các trang blog của bạn bè, người quen, mình có thể học hỏi được kinh nghiệm, quan điểm về cuộc sống qua những điều họ chia sẻ; cũng như những thông tin, hình ảnh giúp mình mở mang, cập nhật hiểu biết về nhiều lãnh vực.”

Minh Hoàng, hiện 27 tuổi, đang làm chủ một quán café ở quận 3 và cũng là một blogger trên trang Yahoo 360 Plus cho biết ý kiến về việc sử dụng blog tại ViệtNam:

“Mình không sống thiếu Internet và blog được… Việc dùng blog để kết nối và làm quen với nhiều người cùng lứa tuổi là điều mình thấy rất bình thường trong xã hội toàn cầu hóa ngày nay. Nếu đã gia nhập với thế giới thì Việt Nam phải khuyến khích người dân sử dụng Internet chứ sao lại đi ngăn cấm. Bao nhiêu nước trên thế giới xem Internet và các trang mạng xã hội là điều kiện để người dân mở mang kiến thức, thậm chí là sử dụng trong việc tranh cử, làm cầu nối giữa người dân và chính quyền – nhưng chỉ riêng Việt Nam là phát triển ngược!”

Trao đổi thêm về việc nhà nước ngăn chặn tự do thông tin của người dân, Ngân – nhân viên quản lý nhân sự cho một công ty Hàn Quốc chia sẻ:

“Qua các lần đọc blog trên mạng, mình rất đồng tình với phát biểu của bà Clinton tại Việt Nam trong tháng 10 vừa qua, rằng ‘Việt Nam có rất nhiều tiềm năng’. Việc ngăn cản người dân, đặc biệt là các thành phần trẻ tuổi như mình, vào Internet là một điều hoàn toàn trái ngược với mục tiêu mà nhà nước Việt Nam đang đeo đuổi – đó là xây dựng xã hội lành mạnh. Quyền tự do phát biểu ý kiến, quan điểm chính là một trong những tiềm năng mà nhà nước ra sức ngăn chặn.”

Blogger Minh Hoàng cho biết thêm: “[Nhà nước] Việt Nam có “tật giật mình”, khi nghe ai nói xấu hoặc chê bai thì thường không thích. Những cái mà họ không thích thì họ không muốn ai nói tới…. Mình thấy dù là ý kiến gì đi chăng nữa thì cũng đều dựa trên tinh thần xây dựng để tìm tiếng nói chung nhằm đóng góp cho đất nước.”

Thực tế khác xa

Mục đích của truyền thông là mang lại những thông tin trung thực, minh bạch và hữu ích cho người dân. Thế nhưng, trong thực tế nguyên tắc ngày cho đến nay vẫn chưa được áp dụng đúng cách tại Việt Nam.
Trong khi đó, số người sử dụng blog bị bắt giam đã gia tăng tại VIệt Nam trong những tháng qua vì không cùng quan điểm với nhà nước. Nhưng những sự kiện đó có làm các bloggers e dè hơn khi viết bài trong blog của họ? Chia sẻ về cách viết hoặc đăng bài trong tương lại, blogger Mẹ Nấm cho biết:
“Từ trước đến giờ tôi luôn cho rằng mình sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ những gì mình viết nên sau những sự kiện vừa xảy ra, tôi thấy mình cần khôn ngoan và chú ý hơn trong việc trích dẫn thông tin từ các nguồn không rõ ràng, và tôi sẽ không thay đổi cách viết vì e dẹ.

Người ta đã và đang không tôn trọng Hiến pháp, vì vậy chuyện vi hiến hay không nó không cần phải được trả lời nữa.
- Mẹ Nấm –
Việt Nam cần một cơ chế nhà nước minh bạch, Hiến pháp phải phù hợp với nguyện vọng của toàn dân thì mới nói đến các luật lệ khác.
- Nghi -

Khi nhắc đến vấn đề pháp lý, Mẹ Nấm bày tỏ thêm:
“Viết blog về các vấn đề xã hội, chính trị ở Việt Nam là cách viết lách nguy hiểm. Tôi chỉ có thể trả lời như thế để bạn thấy rằng, các bloggers Việt Nam có được bảo vệ đúng mức hay không thôi. Chuyện mất password email, blog và bi kiểm soát đường truyền Internet là chuyện không hề xa lạ ở Việt Nam, vì vậy nếu có ai đó tin rằng mình được luật pháp bảo vệ thì với tôi đó là điều ngạc nhiên.

Luật dành cho blogger, cần phải được xem xét, cân nhắc và công bố theo quy trình hành pháp – lập pháp đúng đắn. Người ta đã và đang không tôn trọng Hiến pháp, vì vậy chuyện vi hiến hay không nó không cần phải được trả lời nữa.”

Nhiều bạn trẻ cho rằng họ khó chấp nhận những gì đang xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến vấn đề chính trị và xã hội. Ngân bức xúc cho rằng, “Nếu muốn hòa nhập với thế giới thì trước tiên họ phải có trách nhiệm với nhân dân. Những gì họ nói toàn trên lý thuyết, văn bản chứ thực tế thì ai cũng biết họ nói một đường làm một nẻo. Điều này không phù hợp vợi xu hướng thời đại và nhà nước pháp trị.”

Một blogger khác tên Nghi đã viết trên trang blog rằng, “Việt Nam cần một cơ chế nhà nước minh bạch, Hiến pháp phải phù hợp với nguyện vọng của toàn dân thì mới nói đến các luật lệ khác. Hiện nay mình còn chưa có những cái cơ bản như vậy thì cho dù có cả trăm điều luật cũng vô ích.”

Minh Hoàng chia sẻ thêm rằng sống với họ không có nghĩa là mình đồng tình với những điều họ làm.

“Cái tốt thì mình khen, nhưng cái xấu thì cần phải chỉ ra để sửa đổi. [Nhà nước] Việt Nam cần phải học điều căn bản này và sửa đổi triệt để thì mới nói đến phát triển hay hội nhập. Đơn giản là khi lên mạng bấm vào ‘Tôi ghét Obama’ sẽ thấy cả nghìn trang web chê bai tồi tệ, nhưng chẳng ai vào tù cả. Còn ở mình thì nó hoàn toàn khác!”
Việt Nam tuy có hơn 700 tờ báo khác nhau, song những thông tin liên quan đến tự do, nhân quyền vẫn còn rất hạn chế. Điều này phần nào phản ánh sự kiểm duyệt rất chặt chẻ từ phía nhà nước với lý do “duy trì ổn định xã hội”.

Nhiều bloggers đến với thế giới ảo trên blog cũng nhằm “giải tỏa” những điều mà nhà nước hiện nay đang ra sức ngăn chặn. Đó là quyền bày tỏ quan điểm!

Tìm lại trên trang Google “Tôi ghét Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” thì kết quả hoàn toàn không có. Hay “Tôi ghét Đảng Cộng sản” thì kết quả chỉ vỏn vẹn có vài ba trang web – mà đa số là ở nước ngoài. Mặt khác, tôi và các bạn khác phải lặn lội “vượt tường” mới tìm được những kết quả nêu trên.

Liệu đây có phải là một xã hội hoàn hảo mà Việt Nam muốn hướng đến, trong đó tất cả những người chỉ trích nhà nước đều đối mặt với những án tù trái ngược lương tâm?

Ừ, Việt Nam mình có khác!

Hồng Phúc
Sài Gòn, 5/12/2010
@ 2010 Tạp chí Thanh niên PHÍ TRƯỚC’