"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 6. Januar 2011

Về một cựu chiến binh Mỹ

Lữ Giang

Như chúng ta đã biết, vào cuối năm 1963, sau khi lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã đưa nhóm “chạy cờ” trong cuộc đảo chánh đó lên cầm quyền rồi để cho tình hình ngày càng xấu đi và lấy cớ đó lật đổ “chính phủ trái độn” này và đưa những người của Mỹ lên để mở rộng cuộc chiến. Ngày 6.3.1964, ông McNamara, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, đã đến Sài Gòn và xác định với Tướng Nguyễn Khánh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng kiêm Thủ Tướng:


“Và chúng tôi sẽ ở lại cho tới cùng. Chúng tôi sẽ cung cấp mọi giúp đỡ các ngài cần để chiến thắng sự nổi dậy của Cộng Sản”.

Nhưng khi thực hiện xong mục tiêu, Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định trái ngược lại. Một cuốn băng được Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina công bố vào tháng 8 năm 2004 cho biết năm 1972, Tổng Thống Nixon đã nói với Ngoại Trưởng Kissinger rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway)!

Còn các cựu chiến binh Mỹ tham dự cuộc chiến Việt Nam đã nghĩ như thế nào về việc họ đã chiến đấu trong cuộc chiến đó?

CẢM NGHĨ CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH

Trong bài “Nhật Ký Những Trận Chiến”, Linh mục Nguyễn Bá Thông, ở Augusta, GA, đã kể lại như sau:
Đã không biết tự bao giờ - Saint Mary on the Hill - Augusta, GA hàng cuối cùng bên tay phải, ghế thứ 3 từ ngoài đếm vào, mỗi chiều thứ bảy – Đó là chỗ ngồi của ông – Một người Mỹ trắng!  Cụt một tay, cụt một chân – mặt luôn tươi cười nhưng thân xác lúc nào cũng chứa đầy những đau đớn!  Đó là hình ảnh của những ngày tôi về nhận xứ năm 2004!  Những thứ bảy đầu tiên ông luôn nhìn tôi dò hỏi! Nửa như muốn nói chuyện, nửa như chần chừ! Tôi cũng “bận rộn” nên chẳng để ý! Tuy nhiên, mỗi khi đi ngang qua chỗ ông ngồi, tôi đều dừng lại, hỏi han đôi ba câu!  Khoảng hai tháng sau – Một phụ nữ đến gặp tôi và xin tôi nên “thân mật” hơn với ông, vì ông có nhiều tâm sự muốn chia sẻ cùng tôi!

Và câu chuyện bắt đầu! Đại khái, ông đến chiến trường Việt Nam lần đầu năm 1965 và nhiều lần nữa – Ông là nhà chuyên môn hướng dẫn các quân nhân biết cách tránh mìn và gỡ bỏ các bom đạn được cài đặt!  Và trong một lần như thế nó đã lấy đi cánh tay và cái chân của ông, nhưng lại để lại trong thân xác ông nhiều mảnh đạn! Và cho đến bây giờ ông vẫn còn mang!  Đau đớn thân xác triền miên!

ooOoo

Chiều hôm nay năm 2010 ông không còn đau đớn thân xác nữa, bình an!  Ông đang nằm trong cỗ quan tài – Vẫn mỉm cười!  Và tôi là người chủ sự nghi thức phát tang cho ông!  Đời linh mục tôi đã làm bao nhiêu đám tang – thế mà có gì phải nói!  Nhưng đối với ông, tôi phải nói, phải viết!

Trước khi kết thúc nghi lễ, tôi mời người con trai lớn của ông Alex – Một luật sư – lên có đôi lời về người cha qua cố của mình!  Anh bắt đầu (tôi xin tạm dịch)

“Bạn thử hình dung khi đang ở trong trận chiến khốc liệt, tại một chiến trường xa quê cha đất tổ! Quanh bạn cái chết đang rình rập – tương lai không biết về đâu! Và hơn thế nữa, bạn không biết là bạn có còn cơ hội để gặp gia đình một lần nữa không! Giữa không gian đó, bạn tìm được chút thời gian rảnh để gởi đi một thông điệp tới người thân của bạn! Bạn sẽ viết/nói gì?
“45 năm trước,cha chúng tôi, ông Al Christine đã đối mặt với tình huống đó. Ngày 26 tháng 7 năm 1965 khi đang phục vụ tại chiến trường Việt Nam trong binh đoàn Greeen Beret (đặc trách việc gỡ các bom đạn) ông đã viết lá thư đầu tiên cho người con trai trưởng trong gia đình tên Alex Jr. – lúc đó  cậu 14 tuổi – Đó là tôi!  Ông không biết rằng, đúng 45 năm sau ngày ông viết lá thư tại chiến trường – Tôi, em trai Brian, em gái Kathleen và em trai út Bobby (được sinh ra 5 năm sau ngày ông viết lá thư này), lại có mặt ở đây để đưa tiễn ông! Và tại chiến trường đó ông đã bị thương nhưng vẫn tiếp tục hoàn thành 2 năm phục vụ tại Việt Nam và sau đó trở về quê hương. Nhưng năm 1969 ông lại trở lại Việt Nam và vào ngày 7 tháng 11 năm 1970, là một Senior District Advisor, ông đã mất một cánh tay phải và một chân trái khi đang cùng các binh sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam bảo vệ chống lại một lực lượng lớn quân Bắc Việt. Ông đã nhận được 3 huân chương Purple Hearts, một huân chương the Silver Star, hai huân chương Bronze Stars, hai Air Medals and và một the Vietnamese Cross of Gallantry.

“Trận chiến đó đã lấy đi cánh tay phải và chân trái của ông, nhưng lại để lại trong người ông hàng trăm mảnh đạn!  Và từ ngày đó, 1970, ông phải hàng ngày đối diện với các đau đớn triền miên của thân xác. Nhưng ông luôn tươi cười và muốn làm cho mọi người chung quanh cười tươi. Hôm nay tôi xin được phép đọc lại lá thư ông viết năm 1965 tại chiến trường!  Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ không thể hoàn tất lá thư này nên tôi xin nhờ cha Thông đọc dùm tôi!”

Anh trao cho tôi lá thư – Và tôi bắt đầu đọc!  Tôi xin tạm dịch – nhưng chắc chắn không thể “tình cảm” bằng lá thư của ông! (Nếu bạn biết tiếng anh xin đọc nguyên văn lời ông viết trong tiếng anh phía cuối bài viết này!)

“Alex, Con yêu dấu:
“Tối nay cha không thể ngủ được và cha quyết định viết thư cho con.  Cha thật sự không muốn phải xa con, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng cha muốn con hiểu được lý do tại sao cha phải quyết định xa con.
“Chắc đã có nhiều lần con tự hỏi tại sao cha rời con, rời mẹ con, và cả gia đình! Và chắc cũng không ít lần con buồn phiền, bực tức và là cha không có mặt để chơi với con, để dẫn con đi câu cá, và làm những việc rất bình thường mà tất cả các người cha làm với các đứa con trai của mình!  Và có thể, con còn ghét cha nữa!
“Con, có nhiều điều mà người đàn ông phải làm!  Dĩ nhiên la Cha rất thương con, thương mẹ con, thương các em của con! Và bởi vì cha thương các con, cha muốn được gần gũi với con!
“Cha không ao ước gì hơn là được ở bên con và mẹ con! Để được thấy con và giúp con khôn lớn!  Cha sẽ rất hạnh phúc khi được làm điều đó!  Bởi vì người đàn ông sẽ không có gì cả nếu ông ta không có con! Vì một ngày nào đó, cha sẽ chết đi, và qua con và các em của con mà tên của cha sẽ tiếp tục sống!
“Nhưng… con yêu dấu, một người đàn ông còn có nhiều trách nhiệm khác cũng quan trọng không kém trách nhiệm đối với gia đình của mình! Cha có trách nhiệm này đơn giản thôi, vì cha là một người đàn ông tự do, sống trong một đất nước tự do – Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ!
“Tất cả các quyền lợi và cơ hội mà con được hưởng, đôi lúc lạm dụng, không phải dễ dàng mà có! Chúng ta hưởng được những cơ hội đó vì đã có những người đàn ông khác xả thân để bảo vệ nó!  Bây giờ con không hiểu được điều đó, nhưng một ngày nào đó con sẽ hiểu! Chắc chắn con sẽ phải hiểu! Đó là tại sao đêm hôm nay cha viết lá thư này cho con.
“Con, đừng bao giờ chần chừ bước ra khỏi cái ích kỷ của mình để chiến đấu bảo vệ tự do và quyền lợi đó! Vì nếu con chần chừ, con sẽ mất tất cả!  Nếu con không sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nó, người ta sẽ cướp nó ra khỏi tay của con! Cha tin rằng đó là chân lý, là sự thật như cha tin rằng Chúa đã ban con cho cha để tiếp nối khi cha nằm xuống!
“Cha đang mong tới ngày cha trở về quê hương và sống bên cạnh con như cha con ta đã từng sống cách đây vài tháng! Cha mong ước điều đó hơn bất cứ điều gì! Nhưng… con yêu dấu, nếu điều đó không xảy ra, con hãy hiểu cho cha là “tại sao cha quyết định phải xa con!” Cha tin rằng con sẽ trưởng thành và trở nên người đàn ông mà bất cứ người cha nào cũng phải hãnh diện!
“Cha của con,

Đọc được khoảng ba đoạn thì nước mắt tôi tuôn! Có thể tôi là người đầu tiên “mở màn” nên cả nhà nguyện được “tự do” khóc! Và thế là cha con chúng tôi, người Công Giáo, người Tin Lành, người vô thần, Chúa cùng… khóc!  Chúng tôi khóc vì… hãnh diện và tự hào chứ không phải để ăn năn!

Chút suy tư: Bạn thân mến, đúng 45 năm sau ngày viết lá thư đó, ông Al đã không còn đau đớn! Ông đã được diễm phúc nhìn thấy 4 người con của mình trưởng thành và thành đạt. Các con của ông đã “tiếp tục những gì ông đang làm dang dở!” (picked up where he left off!) Alex, người con trưởng trở thành luật sư, cũng là chủ tịch hội đồng tài chánh của nhà thờ chính toà Giáo Phận Saint Augustine, FL; Người em gái kế - Kathleen có bằng cao học về giáo dục – là người phụ nữ đầu tiên trong dòng họ có bằng đại học!; người con thứ 3 - Brian là một bác sĩ;  và cậu con út – Bobby là một luật sư cũng là một thẩm phán và là chủ tịch hội đồng Mục Vụ của giáo xứ tôi đang coi sóc – Saint Teresa of Avila!
Đêm nay, ông không còn phải lo lắng cho những điều không chắc chắn (uncertainties).  Ông trở về với sự chắc chắn duy nhất – Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên ông!  Ông không còn phải mất ngủ! Vì thân xác ông sẽ ngàn thu yên nghỉ - nhưng linh hồn ông sẽ sống mãi!
Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã tạo dựng nên ông!  Đã ban cho đời những con người như ông!  Và giờ đây trong bàn tay quan phòng của Chúa, con phó thác linh hồn ông! Nguyện cầu cho ông được nghỉ yên muôn đời!

Ân Sủng và Bình An,
Lm Martino Nguyễn Bá Thông

MỘT THOÁNG NHÌN LẠI

Ngày 6.8.2008, từ Virginia Đại-tướng Wagner đã viết:
“Buồn thay, chính vì cái tình cảm phản chiến tại đất nước chúng tôi mà Quốc Hội đã cắt giảm viện trợ dành cho Nam Việt Nam giữa lúc Liên Sô đang chỉnh trang và tiếp vận ồ ạt cho Bắc Việt. Quân Bắc Việt được bồi dưỡng xong xuôi, đã xâm chiếm và đánh bại Nam Việt Nam vào năm 1975. Nhiều chiến hữu Nam Việt Nam của tôi đã chết trong cuộc chiến đó hoặc đã bị giam-cầm suốt nhiều năm dài, độc ác tại những nơi được gọi là các “Trại Cải tạo”. Đó là thời gian thuộc về lịch sử của quê hương chúng tôi, mà tôi không thể hãnh diện được...

“Tôi hãnh diện về thời-gian mà tôi đã trải qua, phục vụ cánh sát cánh với các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”

Đại-tướng Wagner chỉ là một nhà quân sự, ông không nắm vững chính sách từng giai đoạn của chính phủ Hoa Kỳ. Phong trào phản chiến ở Mỹ từ năm 1966 không phải tự phát, nó được các cơ quan tình báo Mỹ phát động để mở đường cho Mỹ rút quân khỏi Việt Nam sau khi thực hiện xong mục tiêu. Họ ruớc cả Thiền Sư Nhất Hạnh từ Pháp qua Mỹ để phát động phong trào này. Hôm 2.6.1966, Dân biểu John Dow đã đưa Thiền Sư Nhất Hạnh ra trước Hạ Viện Mỹ để đọc một bản tuyên cáo viết sẵn đề ngày 1.6.1966. Thiền sư Nhất Hạnh đã nhấn mạnh:

“Đại đa số người Việt khát khao hoà bình và chống lại sự lan rộng của chiến tranh. Ai cũng thấy rằng chính sách leo thang hiện giờ chỉ có thể làm cho viễn tưởng hoà bình xa hút và càng đe doạ tiêu diệt cho toàn thể dân đất Việt.”

Dù chính phủ Hoa Kỳ đã làm gì đi nữa, chúng ta cũng phải chân thành cám ơn những người cựu chiến binh Mỹ đã hy sinh cho tự do trên đất nước chúng ta.

Ngày 4.1.2011
Lữ Giang