TTO - Chuẩn bị Tết Tân Mão, báo đài đưa một thông tin thú vị: ngày 4-1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố phải thực hiện nghiêm chủ trương không biếu tặng quà cho lãnh đạo trong dịp tết.
Ông Nghị nói: “Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết, vì thế đừng ai đi biếu quà cho người khác và cũng đừng để ai đến biếu quà cho mình. Hãy dành sự quan tâm tới các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi nhà đều được vui đón tết”…
Có thể nói “thông điệp” không biếu ai và kiên quyết không nhận quà cấp dưới “đi tết” của vị lãnh đạo cao nhất Hà Nội được dư luận rất đồng tình, nhất là đội ngũ nhân viên các cấp.
Thực tế cho thấy như ở cơ quan tôi, việc “đi tết sếp” thật lòng ai cũng sợ. Hằng năm cứ đến “tháng củ mật” là cánh nhân viên chúng tôi lại lo ngay ngáy việc “đi tết sếp”. Các anh chị trung niên thì thào hỏi nhau: “Năm nay đi tết sếp thế nào? Khoảng bao nhiêu thì vừa phải phép, vừa đỡ tốn kém?”…
Chọn quà gì cho sếp là cả một vấn đề (ảnh minh họa) - Ảnh: Internet |
Thấy các anh chị chuẩn bị “đi tết sếp”, mấy nhân viên trẻ mới về cơ quan lo toát mồ hôi. Mà đâu phải chỉ có một sếp thôi!
Chẳng riêng cơ quan tôi, dường như nhân viên ở đâu cũng ngán “đi tết sếp”. Nhưng ngán mấy cũng chẳng thể không đi vì đã thành thông lệ rồi; nhiều đồng nghiệp đi, mình thôi sao đặng. Khổ nỗi tiền thưởng tết ít, thu nhập quanh năm cũng ba cọc ba đồng, phải dè sẻn mới đủ chi dùng.
Tết đến. Đùng một cái phải lo bao nhiêu thứ, từ mua quần áo cho con; về quê lễ tết tổ tiên, họ hàng hai bên gia đình; chỉnh trang cửa nhà và mua đồ tiếp khách; rồi “đi tết” thầy cô giáo, lại còn khoản “mừng tuổi” các cụ già, lì xì con trẻ…
“Đi tết sếp” chẳng biết bao nhiêu là vừa. Biếu “phong bì” không thì vừa chẳng có điều kiện “dày dặn”, vừa sợ bị sếp mắng mình quá “cơ chế” mà thiếu vế tình cảm. Biếu ít, không bằng đồng nghiệp thì ngại, lo sếp phật ý, gây khó dễ cho mình trong công tác, nhất là khi đề bạt, bổ nhiệm. Mà quà biếu sếp sang một tí thì có khi cả gia đình… “mất tết”!
Đó là chưa kể còn lo những thứ mình biếu liệu gia đình sếp đã có chưa, rồi sếp ông, sếp bà có thích không? Nhỡ biếu gì “phạm húy nhà sếp” thì chết chứ chẳng đùa! Thực tế có không ít gia đình lục đục, vợ chồng trách cứ nhau vì chuyện này.
So đo tính toán chán, lại mất vài buổi tại siêu thị mới mua được quà biếu sếp. Mấy tối giáp tết, mọi việc gia đình phải tạm gác để đến nhà sếp trước. Mệt nhất là gặp lúc gia đình sếp vắng nhà, khi ấy các “thuộc hạ” tha hồ chờ đợi...
“Đi tết sếp” khổ thế nhưng chẳng biết các sếp có hiểu tình cảnh của những người phải “đi tết” mình không? Nếu thấu, hãy cảm thông độ lượng, dũng cảm có động thái rõ ràng, tuyên bố công khai trước toàn thể cơ quan như vị bí thư Thành ủy Hà Nội để cấp dưới đỡ khổ.
Mặt nữa, mỗi nhân viên chúng ta cũng cần dũng cảm bỏ cái lệ “đi tết sếp” bằng phong bao, vật chất, mà ngày xuân chỉ gửi lời chúc tết chân thành. Văn minh được như thế có khi cả chúng ta và sếp đều thấy thanh thản.
CÁT BỤI (Hà Nội)