DR
Từ nhiều tháng qua, những trang thông tin độc lập đã liên tục bị tin tặc tấn công. Càng gần đến Đại hội Đảng, các đợt tấn công càng dữ dội hơn. Trang thông tin DCV Online đã bị truy kích dồn dập vào tháng trước. Trang của Dân Làm Báo, phải lập ra đến 40 địa chỉ khác nhau để đối phó.
Ngày 11/01/2011, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ khai mạc. Cũng như mọi khi, Đại hội này sẽ chỉ là nhằm chính thức hóa những gì được quyết định trước đó về mặt nhân sự và đường lối.
Về mặt nhân sự, trong bản tin tổng kết Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành trung ương, bế mạc ngày 22/12, Thông tấn xã Việt Nam cho biết hội nghị đã “nhất trí” thông qua danh sách ứng cử Ban chấp hành trung ương để giới thiệu với Đại hội Đảng.
Danh sách mà người ta quan tâm nhất là ba nhân vật đứng đầu chế độ : tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch Nước.
Hiện giờ, có nhiều tin đồn khác nhau về thành phần nhân sự lãnh đạo tối cao. Nhưng cho dù ban lãnh đạo mới là ai đi nữa, có vẻ như Đảng dứt khoát giữ nguyên đường lối hiện tại, cho dù trong thời gian qua, khi đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo báo chính trị cho Đại hội, nhiều nhân sĩ trí thức, nhiều nhà cách mạng lão thành đã đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Ngay cả cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đã công khai đề nghị đổi mới hệ thống chính trị để sửa cái mà ông gọi là “lỗi hệ thống”, xuất phát từ việc dân chủ trong chính trị chưa đi kèm với dân chủ trong kinh tế.
Bản tin của Thông tấn xã cho biết: “ Riêng đối với một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại, Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ».
Những ý kiến bị coi là « mang động cơ xấu” chắc đó là những lời kêu gọi Đảng từ bỏ cái gọi là “ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” hoặc là kêu gọi dân chủ hóa chính trị. Thật ra thì nếu chỉ đọc trên báo chí chính thức, người ta sẽ không bao giờ thấy những ý kiến “mang động cơ xấu đó”. Muốn đọc được những quan điểm, suy nghĩ trái với đường lối chính thống, những thông tin ngoài luồng, độc giả phải tìm đến những trang blog, trang web, những trang thông tin độc lập, mà nay thường được gọi là “báo lề trái”, mà tiêu biểu là Bauxite Việt Nam.
Chính trên trang thông tin này mà gia đình của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nhờ phổ biến những thông tin liên quan đến vụ bắt giữ và truy tố ông về tội “ Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đối lại với những bài viết mang tính chất phỉ báng, bôi nhọ ông Cù Huy Hà Vũ và gia đình ông, đăng trên báo chí chính thức.
Bauxite Việt Nam nay đã trở thành một diễn đàn tự do thu hút ngày càng nhiều độc giả và là nơi để nhiều nhà trí thức bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề chủ quyền biển Đông, quan hệ Việt-Trung, kinh tế Việt Nam, giáo dục, xã hội, chứ không còn đơn thuần là một trang thông tin về dự án bauxite Tây Nguyên. Nếu như tên tuổi của ban điều hành Bauxite Việt Nam được ghi công khai, thì có nhiều trang blog khác mà danh tính người chủ trương không được tiết lộ, như trang thông tin mang một cái tên rất biểu tượng là “ Dân Làm Báo”, một trong những trang thông tin được bạn đọc truy cập ngày càng nhiều.
Nhưng từ nhiều tháng qua, những trang thông tin độc lập này đã liên tục bị tin tặc tấn công và càng gần đến Đại hội Đảng, các đợt tấn công càng dữ dội hơn, như trường hợp của trang thông tin DCV Online, đã bị truy kích dồn dập vào tháng trước. Đỉnh điểm của đợt tấn công này là ngày 26/12/10, ban biên tập trang thông tin DCV Online ghi nhận có đến 34 triệu lượt truy cập, nhằm tấn công trang này theo kiểu “ từ chối dịch vụ”, khiến họ phải tạm đóng cửa trong mấy ngày, trước khi khôi phục cuối tuần qua. Nay độc giả có thể vào xem DCV Online ở điạ chỉ thường lệ www.dcvonline.net, nhưng phải qua một vài bước mới thực sự vào được trang này. Đây chỉ là giải pháp đối phó tạm thời, chứ về lâu dài phải tìm một vũ khí khác, hiệu quả hơn.
Trả lời RFI vào tuần trước, ông Lã Mạnh Hùng, thành viên ban biên tập DCV Online cho rằng, những trang này bị tấn công vì có những tác động ngày càng nhiều đến độc giả trong nước và cho dù bị đánh phá, những trang ngày cũng sẽ được khôi phục.
Đúng như dự báo của ông Lã Mạnh Hùng, sau mấy ngày bị tấn công, trang Dân Làm Báo đã hoạt động trở lại. Theo thông báo của ban biên tập, trong những ngày cuối năm, trang này đã bị tấn công hai đợt, đợt đầu, tin tặc dựng tường lửa khắp nơi để bao vây, đợt hai, hàng ngàn máy tính đã được sử dụng để tấn công theo kiểu “từ chối dịch vụ”. Đến ngày đầu năm, Dân Làm Báo đã được khôi phục, nhưng ngoài trang chính ở địa chỉ thường lệ, ban biên tập trang này đã lập ra 40 địa chỉ khác, đề phòng trang chính bị tấn công. Và đúng như thế, hôm nay 03/01/11, tin tặc đã cướp trang chính là dânlambao.worldpress.com và cướp cả hộp thư danlambao1@gmail.com, nên ban biên tập kêu gọi ban đọc liên lạc với họ qua địa chỉ khác là lienlacdanlambao@gmail.com
Tại Hoa Kỳ, tờ báo mạng Người Việt Online cũng vừa tái hoạt động sau khi bị tin tặc tấn công trong hai ngày cuối năm, gây thiệt hại nhiều cho kho cơ sở dữ liệu của tờ báo này. Các tin tặc này tự xưng là “Nhóm Tần Thủy Hoàng”, tức là nhóm đã từng tấn công nhiều trang mạng khác, nhưng dĩ nhiên khó có thể biết được họ xuất phát từ đâu.
Chống tin tặc, mỗi trang đối phó bằng cách khác nhau, chẳng hạn như để ngăn chận kiểu tấn công “từ chối dịch vụ”, trang X-cafe yêu cầu bạn đọc điền các ký tự vào một ô trống để truy cập vào trang này. Nhưng không chỉ tìm biện pháp kỹ thuật để đối phó, trước việc tin tặc dùng tường lửa phong tỏa địa chỉ boxitvn.net, ban điều hành trang Bauxite Việt Nam cho biết họ sẽ đệ đơn nhờ cơ quan chủ quản là VNPT can thiệp để “loại bỏ cách hành xử tồi tệ ấy”. Trong khi chờ đợi, họ hướng dẫn cho bạn đọc cách vượt tường lửa để vào trang boxitvn.net. Vấn đề là theo tin mới nhất, cách vượt tường lửa này cũng chẳng ăn thua gì và ban điều hành Bauxite Việt Nam sẽ phải tìm một phương cách khác.